Một số vấn đề về áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước

Thứ tư, 22/01/2020 10:34
(ThanhtraVietNam) - Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước. Theo đó, Luật PCTN đã dành 01 Chương (Chương VI) quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Đây được coi là chế định sẽ có tác động khá lớn đến khu vực tư, làm thay đổi quan niệm trước đây vốn vẫn cho rằng PCTN chỉ đặt ra trong khu vực Nhà nước.

Tại sao phải quy định về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước?

Trong bối cảnh hiện nay, khi nạn tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng và gây nhiều bức xúc trong xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. PCTN được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của cả người dân và doanh nghiệp. Và trong vấn nạn tham nhũng, doanh nghiệp được nhìn nhận dưới góc độ vừa là “nạn nhân” vừa là “tác nhân” của tình trạng này. Khu vực công và khu vực tư được nhiều chuyên gia nhìn nhận như “bình thông nhau” vì có mối quan hệ tác động qua lại, khu vực tư đôi khi là nơi ẩn giấu, là sân sau của hành vi tham nhũng trong khu vực công. Vì vậy, để PCTN có hiệu quả, không thể không làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động, kinh doanh của khu vực tư.

Đồng thời, việc mở rộng quy định về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước cũng phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 khi quy định nhóm tội phạm về tham nhũng; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng khi Việt Nam đã là thành viên của Công ước này.

Luật PCTN năm 2018 quy định như thế nào về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước?

PCTN trong khu vực ngoài nhà nước theo quy định của Luật PCTN được chia làm hai cấp độ: Nhóm các quy định áp dụng chung đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước; nhóm quy định áp dụng đối với một số loại hình doanh nghiệp, tổ chức đặc thù khu vực ngoài Nhà nước.

Thứ nhất, về nhóm các quy định áp dụng chung đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước:

Để PCTN trong mọi doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước nói chung, Luật PCTN 2018 (tại các Điều 78, 79) đưa ra một số quy định mang tính chất khuyến khích để doanh nghiệp xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng. Việc xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hướng tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp, đồng thời góp phần phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực Nhà nước nói chung.

leftcenterrightdel

Để xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, Luật quy định về xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, căn cứ vào quy định của Luật này và luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình. Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về PCTN của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Thứ hai, nhóm quy định áp dụng đối với một số loại hình doanh nghiệp, tổ chức đặc thù khu vực ngoài Nhà nước:

Theo quy định của Luật PCTN 2018, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện là nhóm chủ thể bắt buộc phải áp dụng một số nhóm quy định của Luật để phòng ngừa tham nhũng trong chính doanh nghiệp, tổ chức mình. Bởi lẽ, đối với công ty đại chúng và tổ chức tín dụng, đây là nhóm chủ thể trong hoạt động có huy động vốn của nhiều cổ đông, người gửi tiền; đồng thời là nhóm chủ thể mà trong cơ chế quản trị và điều hành có sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích và đây chính là yếu tố dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người quản lý để trục lợi. Bên cạnh đó, việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, phù hợp với định hướng đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay. Đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân, đây là nhóm chủ thể cần có yêu cầu cao hơn về sự minh bạch và liêm chính so với các loại hình tổ chức xã hội khác nhằm bảo vệ lợi ích của người đóng góp và các thành viên, hội viên.

Theo quy định tại Điều 80 của Luật, các quy định sau đây được áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện: Nguyên tắc công khai, minh bạch, nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch quy định tại Điều 9, các điểm a, c và d Khoản 1 Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Luật; kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại Điều 23 của Luật; trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vụ do mình quản lý, phụ trách quy định tại Điều 72, các điểm a, b và d Khoản 3 Điều 73 của Luật. Đồng thời, Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về các nội dung áp dụng cho nhóm chủ thể này.

Việc áp dụng Luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước như thế nào là phù hợp?

Để thi hành Luật PCTN, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì giúp Chính phủ xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN. Trong đó, Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn về áp dụng Luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Cụ thể, Nghị định quy định rõ ràng, chi tiết hơn về việc công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhóm chủ thể này.

Tuy nhiên, các quy định hướng dẫn được xây dựng dựa trên sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo vừa quy định hướng dẫn được các nội dung mà Luật giao để làm cơ sở cho các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện; đảm bảo phù hợp với tính chất, đặc thù trong tổ chức và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, tổ chức; tránh làm “bó chân” các doanh nghiệp, tổ chức này. Qua đó, tính khả thi, yêu cầu quản lý, phòng ngừa tham nhũng sẽ được đảm bảo, đồng thời tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động nội bộ của các doanh nghiệp, tổ chức. Chẳng hạn, đối với việc kiểm soát xung đột lợi ích, Nghị định đã cụ thể hóa trách nhiệm của nhóm chủ thể này trong việc kiểm soát xung đột lợi ích như: Quy định cụ thể các trường hợp xung đột lợi ích; cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền để kiểm soát xung đột lợi ích…

Thanh tra việc thực hiện pháp luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước được thực hiện như thế nào?

Việc quy định áp dụng bắt buộc một số chế định của Luật PCTN đối với một số loại hình doanh nghiệp, tổ chức như đã nêu ở trên đặt ra yêu cầu thanh tra việc thực hiện. Điều 81 Luật PCTN đã quy định về thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Về căn cứ tiến hành thanh tra, nhằm đảm bảo sự thận trọng, hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, tổ chức, Luật PCTN quy định căn cứ thanh tra khi các doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm quy định về công khai, minh bạch, về kiểm soát xung đột lợi ích, về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Trình tự, thủ tục thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Về thẩm quyền thanh tra, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện. Cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động thanh tra nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật PCTN năm 2018 bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019, và Nghị định hướng dẫn cũng đã được ban hành cùng ngày (có hiệu lực từ ngày 15/8/2019) để kịp thời đáp ứng việc thi hành Luật. Qua đó, các quy định về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước được đánh giá sẽ có tác động đáng kể tới khối doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là nhóm công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội có hoạt động từ thiện như đã nêu ở trên./.

Ths. Nguyễn Thị Bích Hường

Vụ Pháp chế - TTCP

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra