Một số vấn đề xử lý đơn tố cáo nặc danh, mạo danh tại thành phố Cần Thơ

Thứ tư, 16/06/2021 18:12
(ThanhtraVietNam) - Thực tiễn hiện nay, nhận thức về pháp luật nói chung, pháp luật về tiếp công dân nói riêng trong Nhân dân còn chưa cao; hiểu biết về pháp luật tiếp công dân của cán bộ, công chức, người có thẩm quyền xử lý đơn thư còn nhiều hạn chế, nhất là đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.

Do vậy, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình khi khiếu nại, tố cáo; công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, người có thẩm quyền xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi thực hiện nhiệm vụ chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân... Những nguyên nhân trên làm cho công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Thế nào là tố cáo nặc danh, mạo danh?

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018, "tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức".

Luật Tố cáo hiện hành không quy định cụ thể khái niệm tố cáo nặc danh, mạo danh. Tuy nhiên, theo từ điển tiếng Việt tố cáo nặc danh là việc người tố cáo giấu đi tên, họ, địa chỉ cũng như các thông tin cá nhân khác của mình để báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ... Đơn tố cáo mạo danh là đơn có tên nhưng tên giả, đơn tố cáo mang tên người khác tố cáo.

Để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 tiếp tục quy định có hai hình thức tố cáo chính là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Về tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, Luật quy định cụ thể cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Luật cũng quy định trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; xử lý hành vi bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm. Chính vì vậy mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm xử lý tố cáo nặc danh, mạo danh.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 


Pháp luật hiện hành có cho phép người dân được tố cáo nặc danh, mạo danh không?

Khoản 2, Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018 quy định “… Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo nêu trên có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý”.

Tại Điều 19 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh nêu rõ: Khi nhận được đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì người xử lý đơn báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự.

Bên cạnh Luật Tố cáo năm 2018, một số văn bản quy phạm pháp luật khác cũng có quy định cụ thể về quyền tố cáo của công dân, như: Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, quy định quyền tố cáo trong tố tụng hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng.

Như vậy, pháp luật hiện hành đã có dự liệu về thông tin tố cáo nặc danh, mạo danh. Tuy nhiên chỉ những thông tin tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mới tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo nặc danh.

Việc quy định giải quyết đơn tố cáo nặc danh, mạo danh của Luật Tố cáo 2018 đã cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong hoạt động đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, quy định về xử lý tố cáo có tính chất nặc danh đã cho thấy sự bảo đảm về quyền lợi cũng như việc động viên từ phía Nhà nước, khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đấu tranh, đưa những hành vi vi phạm pháp luật ra ánh sáng, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và công dân.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết và Kế hoạch tổ chức thực hiện Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Thực tế, trong 02 năm 2019 – 2020, thành phố Cần Thơ nhận tổng cộng 53 đơn tố cáo nặc danh, mạo danh, qua nghiên cứu xử lý đã chuyển 07 đơn tố cáo cho thủ trưởng của đơn vị có công chức bị tố cáo để nắm thông tin, còn lại xử lý lưu 46 đơn theo điểm b, khoản 2 Điều 6 Thông tư 07/2014/TT-TTCP.

Hiện nay, Thanh tra thành phố Cần Thơ chưa xây dựng được quy chế phối hợp để xử lý loại đơn tố cáo nặc danh, mạo danh. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý thực tế Thanh tra thành phố đã xử lý loại đơn tố cáo nặc danh, mạo danh như sau:

1. Sau khi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin có nội dung tố cáo nặc danh, mạo danh. Đầu tiên giao cơ quan Thanh tra Nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo.

2. Nếu qua xác minh thông tin nội dung tố cáo nặc danh, mạo danh có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ giao cho cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thành lập đoàn kiểm tra hoặc đoàn thanh tra để tiến hành thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

3. Trình tự, thủ tục thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra để kiến nghị xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.

4. Báo cáo hoặc kết luận thanh tra sẽ kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện.

Qua thực tiễn xử lý đơn tố cáo nặc danh, mạo danh tại địa phương, Thanh tra thành phố Cần Thơ đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cán bộ, Nhân dân về Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng và pháp luật có liên quan; khuyến khích công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong việc tố cáo, tố giác tội phạm; nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc xử lý đơn tố cáo nặc danh, mạo danh của công dân tại địa phương, góp phần hạn chế phát sinh đơn thư tố cáo nặc danh, mạo danh. 

Hai là, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp sau đây: Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp; lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo; bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo.

Ba là, tăng cường vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; các cơ quan, đơn vị, địa phương (cả công ty, doanh nghiệp có sử dụng lao động) quan tâm thực hiện đúng quy định pháp luật trong mọi lĩnh vực, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Bốn là, tăng cường phối hợp giải quyết tố cáo, nhất là bộ phận tiếp nhận ban đầu của từng cấp. Chỉ đạo cơ quan tham mưu thực hiện tốt công tác lưu trữ hồ sơ tài liệu liên quan vụ việc theo quy định, đảm bảo việc khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu lưu trữ có hiệu quả. Quá trình tổ chức thực hiện có tổ chức tổng kết, nêu gương người tố cáo đúng, kịp thời khen thưởng khích lệ tinh thần.

Cần phải khẳng định rằng lâu nay, việc góp ý, phê bình, tố cáo đúng người, đúng việc, tôn trọng sự thật, mang tinh thần xây dựng luôn được các cấp, các ngành, các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe, tiếp thu, giải quyết. Ðiều này góp phần uốn nắn sai trái của cán bộ, giúp tập thể trong sạch, vững mạnh hơn. Nhờ có sự góp sức từ những người dũng cảm phê phán, đấu tranh chống lại những hành động sai trái, tiêu cực mà công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, việc đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, việc làm sai phạm của cán bộ (nhất là cán bộ chủ chốt) có hiệu quả, góp phần tích cực củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và Chính phủ. Thực tế, nhiều tấm gương trong hoạt động này đã được tuyên dương, khen thưởng. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp cố tình lợi dụng việc viết đơn thư tố cáo để làm điều sai trái, gây rối, phá vỡ đoàn kết nội bộ, thậm chí làm lỡ sự nghiệp chính trị của một số cán bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác nhân sự. Vì vậy, việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng tố cáo sai sự thật về công tác cán bộ là hết sức quan trọng, cấp bách.

Rõ ràng, việc giải quyết đơn thư tố cáo theo đúng các quy định của pháp luật có vai trò hết sức quan trọng, giúp phát huy hiệu quả của hoạt động này theo đúng tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Ðồng thời đối với các trường hợp tố cáo nặc danh, mạo danh sai sự thật cũng cần phải được xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, vì hành vi này không chỉ gây phương hại đến các cơ quan, đơn vị, đến cá nhân có liên quan, mà còn gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối tình hình an ninh chính trị, ảnh hưởng tới sự lãnh đạo của Ðảng. Nếu người thực hiện việc làm đáng lên án này là đảng viên còn vi phạm 19 điều đảng viên không được làm, đó là: “Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên...”. Vì thế, khi mọi cá nhân nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện nghiêm túc việc khiếu nại, tố cáo sẽ giúp loại bỏ dần những hiện tượng tiêu cực, giúp làm trong sạch đội ngũ cán bộ, củng cố niềm tin trong Nhân dân./.

Tham luận của Thanh tra TP.Cần Thơ tại Hội thảo “Kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư” do Tạp chí Thanh tra tổ chức.

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra