Một số ý kiến để nâng cao chất lượng xác minh, giải quyết khiếu nại

Thứ hai, 25/05/2020 15:27
(ThanhtraVietNam) - Quyền khiếu nại, tố cáo được ghi nhận, là một trong các quyền cơ bản của công dân. Quyền khiếu nại, tố cáo có mối quan hệ chặt chẽ với các quyền cơ bản khác của công dân, bất kỳ sự vi phạm nào đối với quyền và nghĩa vụ của công dân cũng có thể dẫn tới khiếu nại, tố cáo. Đây là một quyền có tính chất chính trị và pháp lý của công dân, là một hình thức biểu hiện của dân chủ.

Điều 30 của Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội, cá nhân”. Quyền khiếu nại, tố cáo được ghi nhận là một trong các quyền cơ bản của công dân. Quyền khiếu nại, tố cáo có mối quan hệ chặt chẽ với các quyền cơ bản khác của công dân, bất kỳ sự vi phạm nào đối với quyền và nghĩa vụ của công dân cũng có thể dẫn tới khiếu nại, tố cáo. Đây là một quyền có tính chất chính trị và pháp lý của công dân, là một hình thức biểu hiện của dân chủ. Việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo sẽ là phương tiện để công dân trực tiếp tham gia vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước; kiểm tra, giám sát hành vi của cán bộ, công chức, nhân viên Nhà nước. Khiếu nại, tố cáo cũng là một hình thức đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Mặt khác, quyền khiếu nại, tố cáo của công dân là quyền dân chủ trực tiếp, một chế định của nền dân chủ trực tiếp để công dân thông qua đó thiết thực tham gia vào việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Khiếu nại là một hiện tượng xã hội, như một phản xạ có tính tự nhiên trước những quyết định hoặc hành vi được con người nhận thức là không đúng quy định, không phù hợp với những giá trị chuẩn mực chung được Nhà nước hoặc không được xã hội thừa nhận. Khiếu nại còn là một hiện tượng có tính chính trị - pháp lý sâu sắc, tác động trực tiếp đến sự ổn định xã hội và quá trình xây dựng, hoàn thiện tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Theo nghĩa rộng, khiếu nại là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó xâm hại đến quyền, lợi ích của mình. Do vậy, khiếu nại được đề cập cả trong các tổ chức không thuộc phạm vi hoạt động của bộ máy Nhà nước.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Intenet 

 

Theo nghĩa hẹp, khiếu nại là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi trái pháp luật khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Lúc này khiếu nại chỉ hướng vào phạm vi hoạt động của bộ máy Nhà nước và được thực hiện trên cơ sở nhận định, đánh giá về tính trái pháp luật của quyết định, hành vi.

Khiếu nại như là vũ khí tự vệ sắc bén mà Nhà nước trao cho công dân để bảo vệ lợi ích của bản thân và Nhà nước khi bị xâm phạm. Thông qua khiếu nại, tố cáo,Nhà nước biết và kiểm tra được tính đúng đắn của các quyết định, thấy rõ hành vi của các cơ quan Nhà nước, nhân viên cơ quan Nhà nước có đúng pháp luật không, đồng thời qua đó bày tỏ ý nguyện với Nhà nước. Người khiếu nại có thể vạch ra trước cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước về những việc làm trái chính sách, pháp luật của cơ quan Nhà nước, nhân viên Nhà nước, các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng; đấu tranh chống những hành vi lạm quyền, lộng hành, làm sai chính sách, pháp luật. Đây chính là hình thức của khiếu nại ở nước ta hiện nay; đồng thời chỉ ra chủ thể khiếu nại; các đối tượng bị khiếu nại; chủ thể bị khiếu nại là các cơ quan, cá nhân trong hoạt động công vụ có vi phạm pháp luật và các hành vi vi phạm pháp luật khác của công dân gây thiệt hại cho Nhà nước, cá nhân.

Điều 2, Luật Khiếu nại năm 2011 ghi nhận: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục của Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp cuả mình”.

Để việc xác minh, giải quyết khiếu nại đảm bảo khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật, chúng ta cần phải thực hiện đầy đủ các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị giải quyết khiếu nại

Bước chuẩn bị giải quyết bắt đầu từ khâu nghiên cứu sơ bộ vụ việc đến khi đưa ra kế hoạch, yêu cầu công việc cần xem xét, giải quyết cụ thể. Nghiên cứu hồ sơ dẫn đến khiếu nại nhằm làm rõ và củng cố nội dung khiếu nại, người đứng đơn khiếu nại; yêu cầu cơ bản của đơn khiếu nại; cơ sở, căn cứ của các yêu cầu trong khiếu nại; thẩm quyền giải quyết, tính chất của vụ, việc… Kết quả nghiên cứu sơ bộ hồ sơ là căn cứ để thông báo không giải quyết vụ, việc theo quy định của pháp luật hoặc thụ lý giải quyết vụ, việc theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Căn cứ hồ sơ khiếu nại thỏa mãn các điều kiện quy định, trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, cấp thẩm quyền quyết định thụ lý giải quyết khiếu nại và gửi thông báo cho người khiếu nại biết. Ngược lại, nếu khiếu nại không đủ điều kiện thụ lý thì trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại và nêu rõ lý do.

Căn cứ quyết định thụ lý giải quyết khiếu nại, Tổ xác minh phải xây dựng kế hoạch thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch cần nêu ra các công việc phải làm, tiến độ, thời gian của từng việc cụ thể, dự kiến được các tình huống phát sinh khi thực hiện và các điều kiện bảo đảm cần thiết khi tiến hành giải quyết khiếu nại.

Để có căn cứ pháp lý và tài liệu phục vụ giải quyết khiếu nại, Tổ xác minh phải sưu tầm, tập hợp các tài liệu có liên quan: Văn bản, tài liệu do đơn khiếu nại đề cập, văn bản, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm được nêu trong quyết định, văn bản tài liệu nghiệp vụ hướng dẫn chỉ đạo giải quyết khiếu nại của cấp có thẩm quyền (nếu có), các trường hợp đã giải quyết tương tự (nếu có)…

Bước 2: Thẩm tra, xác minh vụ, việc

Làm việc với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có liên quan để xác định rõ nội dung khiếu nại, thu thập các tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại cung cấp; khai thác tập hợp thông tin từ cấp có thẩm quyền ra quyết định; về các nội dung sai phạm được quy định cụ thể tại văn bản nào, căn cứ để xử lý sai phạm; làm việc với người bị khiếu nại hoặc những người có liên quan đến sai phạm hoặc người biết việc để nắm những vấn đề cụ thể cần quan tâm.

Tổ chức kiểm tra, đối chiếu, xem xét cụ thể hồ sơ, tài liệu, bằng chứng liên quan hoặc kiểm tra địa bàn có sự kiện, vụ, việc là cần thiết. 

Nếu thấy cần thiết, yêu cầu giám định tính đúng đắn, chân thực của tài liệu được cung cấp, hiện vật thu thập được mà qua việc kiểm tra, xem xét thông thường không mang lại kết quả. Khi đó, Tổ xác minh phải trưng cầu cơ quan chuyên môn mà pháp luật cho phép đánh giá, kiểm tra, xem xét làm rõ tình trạng tài liệu, hiện vật. Thủ tục yêu cầu và nhận kết quả giám định phải thực hiện chặt chẽ…

Tổ chức đối thoại theo quy định của Luật Khiếu nại là biện pháp sử dụng rộng rãi trong giải quyết khiếu nại. Tổ chức đối chất được thực hiện giữa các bên khi thông tin cung cấp không thống nhất hoặc mâu thuẫn nhau. Đối chất nhằm làm rõ tính chính xác, đúng đắn của thông tin do các bên cung cấp. Đối chất có thể tiến hành khi một trong hai bên đề nghị hoặc do chủ động của cán bộ thẩm ra xác minh vụ, việc yêu cầu.

Khi cần thiết trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ có thể sử dụng phương tiện kĩ thuật, công nghệ như máy ảnh, máy ghi âm, ghi hình, thiết bị sao chép, tra cứu, khai thác, bảo vệ thông tin… với góc độ hỗ trợ cho hoạt động nghiệp vụ, theo đúng quy định pháp luật.

Đối với việc đánh giá thông tin, văn bản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp là một căn cứ pháp lý để cán bộ nghiệp vụ xem xét, kết luận vấn đề trong quá trình thẩm tra xác minh nội dung khiếu nại. Trên cơ sở phân tích, tổng hợp, so sánh trên tài liệu, qua tiếp xúc với các bên, qua đối thoại, kiểm ra, xem xét thực tế… để đánh giá thông tin đã thu thập, xác định đối chiếu với quy định của văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước, các quy định của Bộ Công an và đơn vị đơn vị địa phương tìm ra nguyên nhân sai phạm , mục đích, động cơ của hành vi khiếu nại…, xác định tính đúng sai, chân thực của từng nội dung cụ thể mà khiếu nại đã đề cập.

Báo cáo thẩm tra, xác minh là thu thập thông tin, xác định chứng cứ đã làm rõ các vấn đề cần thẩm tra, xác minh. Do đó, thành viên Tổ xác minh được phân công thẩm tra, xác minh vấn đề nào phải làm Báo cáo thẩm tra, xác minh vấn đề đó.

Bước 3: Ra quyết định và công bố quyết định

Tổng hợp báo cáo là khâu tổng hợp toàn bộ phần công việc đã làm của Tổ xác minh nội dung khiếu nại đã thực hiện. Báo cáo gồm nội dung cơ bản như tóm tắt nội dung khiếu nại, quá trình đề xuất và ra quyết định xử lý cán bộ, chiến sĩ; quá trình thụ lý giải quyết khiếu nại lần 1 (nếu có) của cấp thẩm quyền; nội dung khiếu nại lần 2, quá trình thẩm tra xác minh, kết quả đối thoại và nhận xét, kiến nghị trình cấp có thẩm quyền (kèm theo tài liệu liên quan) kết luận và ban hành quyết định giải quyết.

Trước khi trình cấp có thẩm quyền phương án giải quyết, để đảm bảo việc giải quyết chính xác, khách quan, thỏa đáng, đối với các trường hợp phức tạp cần tham khảo các cơ quan chuyên môn, thông báo cho các bên liên quan trước khi quyết định chính thức phương án giải quyết khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại phải bảo đảm được những yêu cầu về hình thức, nội dung theo quy định; được gửi cho người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan; thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người bị khiếu nại. Việc công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại có thể tùy theo vụ, việc cụ thể mà triệu tập hay không triệu tập thêm các thành phần. Đôi khi, do tính chất của vụ, việc, quyết định có thể công bố qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền giáo dục chung.

Bước 4: Thi hành quyết định và hoàn chỉnh hồ sơ vụ, việc

Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật phải được cá nhân, cơ quan, tổ chức nghiêm chỉnh chấp hành. Người ra quyết định có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh. Hồ sơ giải quyết khiếu nại được lập gửi vào lưu trữ để quản lý, theo dõi theo quy định./.

Thạc sĩ, TTVC Đỗ Anh Tuấn

Thanh tra Bộ Công an

 


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra