Một số ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Thứ ba, 13/09/2022 08:40
(ThanhtraVietNam) - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ một số hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do vậy, việc sửa đổi một số điều của Luật Thanh tra năm 2010 là hết sức cần thiết.

Hoạt động sửa đổi luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2213/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thi hành Luật Thanh tra trong thời gian qua.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Quan nghiên cứu dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), tác giả xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, Điều 39 đề nghị bổ sung tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên chính: "Có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra phù hợp với các ngạch Thanh tra viên chính"; Điều 40 đề nghị bổ sung tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên cao cấp: "Có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra phù hợp với các ngạch thanh tra viên cao cấp". Bởi vì, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên cao cấp đều phải được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra phù hợp với ngạch thì mới đủ điều kiện bổ nhiệm vào ngạch. Ngoài ra, Điều 41 chỉ quy định về miễn nhiệm Thanh tra viên nhưng không quy định miễn nhiệm Thanh tra viên chính và Thanh tra viên cao cấp, vì vậy đề nghị bổ sung Điều 41 về việc miễn nhiệm Thanh tra viên, Thanh tra viên chính và Thanh tra viên cao cấp.

Thứ hai, đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 47 về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra như: "Lập biên bản thanh tra và báo cáo kết quả thanh tra". Vì đây là trình tự, thủ tục bắt buộc trong hoạt động thanh tra.

Thứ ba, đề nghị bổ sung cụm từ "tiêu cực" vào khoản 3 Điều 69 cho đầy đủ, cụ thể như sau:

"3. Trường hợp phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì trong báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ sau đây:

a) Yếu kém về năng lực quản lý;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý;

c) Bao che cho người có hành vi tham nhũng, tiêu cực."

Thứ tư, Điều 72 quy định về tham khảo ý kiến về dự thảo Kết luận thanh tra, cụ thể: "Trong quá trình xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra, Người ra Quyết định thanh tra có thể quyết định việc xin ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân về một hoặc một số nội dung của dự thảo Kết luận thanh tra. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được đề nghị có trách nhiệm trả lời về nội dung được xin ý kiến trong thời hạn theo đề nghị của cơ quan thanh tra."

Với quy định trên thì Người ra Quyết định thanh tra có thể quyết định việc xin ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân về một hoặc một số nội dung của dự thảo Kết luận thanh tra, việc này có thể ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan và tác động đến nội dung của Kết luận thanh tra. Ví dụ: Giám đốc Sở xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc bộ, ngành Trung ương về dự thảo Kết luận thanh tra, việc này có thể sẽ tác động đến nội dung kết luận, kiến nghị của Kết luận thanh tra. Ý kiến tham gia vào dự thảo Kết luận thanh tra của Giám đốc Sở trong một số trường hợp là ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền do yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương, chứ không chỉ đơn thuần lấy ý kiến về mặt chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của cuộc thanh tra, và tính chính xác, đúng quy định của Kết luận thanh tra.

Vì vậy, Điều 72 cần phải quy định chỉ trong trường hợp cần thiết và phải nêu rõ các trường hợp nào là cần thiết thì Người ra Quyết định thanh tra có thể quyết định việc xin ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân về một hoặc một số nội dung của dự thảo Kết luận thanh tra. Đồng thời, Người ra Quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Kết luận thanh tra phải đảm bảo tính khách quan, chính xác và đúng quy định.

Thứ năm, điểm e, khoản 1 Điều 78 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng đoàn kiểm tra: "e) Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản;". Khoản 2 Điều 87 quy định: "2. Trong quá trình thanh tra, khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định tạm giữ tiền và những trường hợp đặc biệt khác thì Trưởng đoàn thanh tra có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.". Nội dung 02 điều luật nêu trên có sự trùng lắp, đề nghị biên tập lại cho phù hợp.

Thứ sáu, đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 90 cụ thể như sau: "2. Cá nhân là đối tượng thanh tra và cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Người tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật về tố cáo.". Lý do: ngoài cá nhân là đối tượng thanh tra, còn có cá nhân là đại diện của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cũng có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Người tiến hành thanh tra.

Thứ bảy, đề nghị bổ sung Điều 113: Chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên, Thanh tra viên chính và Thanh tra viên cao cấp. Lý do: Ngoài chế độ chính sách đối với Thanh tra viên, Chính phủ còn quy định chế độ chính sách đối với Thanh tra viên chính và Thanh tra viên cao cấp./.

Đỗ Văn Nhân - Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra