Thanh tra tỉnh Đồng Tháp:

Mục tiêu và các giải pháp phát triển của Thanh tra tỉnh trong 5 năm tới

Chủ nhật, 12/07/2020 23:01
(ThanhtraVietnam) - Thanh tra tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 của ngành Thanh tra tỉnh.

Theo đó, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển chủ yếu của ngành Thanh tra giai đoạn 2021 - 2025 là đổi mới mạnh mẽ ngành Thanh tra một cách toàn diện, có chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN; bám sát và thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đạt được những chỉ tiêu đã đề ra; đồng thời, tăng cường trật tự kỷ cương trong xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Cụ thể, về công tác thanh tra, tập trung thanh tra trách nhiệm việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan hành chính nhà nước, gắn với thanh tra các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập trung các lĩnh vực: đầu tư công, quản lý đất đai, khoáng sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, các chính sách an sinh xã hội... Thực hiện 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thanh tra diện rộng và đột xuất của cấp có thẩm quyền giao. Kết luận kiểm tra, thanh tra phải khách quan, trung thực, có tình, có lý, xác định đúng trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm (nếu có); kịp thời kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với đặc điểm tình hình mới; đảm bảo chính xác, đúng pháp luật, có hiệu lực. Tỷ lệ thu hồi đạt từ 90% trở lên giá trị kinh tế sai phạm được cấp thẩm quyền quyết định thu hồi nộp ngân sách qua các cuộc thanh tra.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tăng cường trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, nhất là cấp huyện; phối hợp tốt với thanh tra các cấp, nhất là Thanh tra Chính phủ để giải quyết cơ bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, các vụ tồn đọng kéo dài; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

leftcenterrightdel
Thanh tra tỉnh Đồng Tháp phấn đấu 100% vụ việc khiếu nại, tố cáo được giao không gia hạn thời gian kiểm tra xác minh. 

Thực hiện 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm theo kế hoạch và đột xuất trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật từ cơ sở đạt 85% trở lên các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh; từ 90% trở lên các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; hạn chế thấp nhất các vụ việc khiếu kiện đông người, khiếu nại vượt cấp; không để xảy ra điểm nóng về khiếu nại, tố cáo. Tham mưu thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt từ 90% trở lên. Phấn đấu 100% vụ việc khiếu nại, tố cáo được giao không gia hạn thời gian kiểm tra xác minh.

Ngoài ra, về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện đầy đủ và đúng quy định về nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác PCTN; phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện, kiểm tra xác minh, điều tra xử lý tham nhũng. Tăng cường thanh tra trách nhiệm và nêu gương của người đứng đầu về PCTN, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này. Phối hợp với ngành Tư pháp có kế hoạch tuyên truyền các quy định của pháp luật về PCTN hàng năm, xác định nội dung cụ thể, chuyên đề để đảm bảo công tác tuyên truyền có chiều rộng và chiều sâu. Thực hiện 100% các cuộc, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm theo kế hoạch và đột xuất trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Tham mưu cấp thẩm quyền xử lý kịp thời, đúng pháp luật 100% các vụ tham nhũng phát hiện qua công tác thanh tra. Hàng năm triển khai có hiệu quả việc Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN đối với UBND cấp tỉnh theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh cũng đã đưa ra các giải pháp thực hiện Đổi mới công tác thanh tra hành chính (kể cả thanh tra trách nhiệm) phải không ngừng đổi mới theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả”. Cụ thể, về công tác thanh tra: Chủ động, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn trong xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra. Đối tượng, nội dung thanh tra phải gắn với công tác quản lý nhà nước, phân cấp quản lý, nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nghị quyết HĐND và Chương trình hành động của UBND. Tăng cường công tác thanh tra chuyên đề diện rộng để nâng cao tính khái quát, phổ biến, tập trung những vấn đề trọng tâm, xã hội quan tâm và phát sinh trong chỉ đạo, điều hành.

Nâng cao tính chuyên nghiệp của các đoàn thanh tra từ trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tác phong, ngôn phong đúng với quy chế của ngành. Nâng cao tay nghề, kỹ năng tác nghiệp, thực hiện quy trình, thủ tục thuần thục, thống nhất, tránh sai sót đến mức thấp nhất về trình tự thủ tục các cuộc thanh tra. Đảm bảo tính chính xác, khách quan, đúng pháp luật, phù hợp với kết luận thanh tra. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; tránh trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động Kiểm toán Nhà nước, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các ngành, các cấp trong thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; chú trọng công tác đối thoại, chấn chỉnh công tác tiếp công dân, xử lý đơn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm, củng cố kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách, các dự án đầu tư có tác động tới quyền lợi của người dân, dự đoán và chuẩn bị phương án, tham mưu cho cấp có thẩm quyền chủ động giải quyết khi có khiếu nại, tố cáo phát sinh. Rà soát, củng cố hồ sơ lưu trữ đầy đủ, khoa học các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Nắm chắc nội dung và các phương án giải quyết, kể cả trong trường hợp có thay đổi cán bộ. Chủ động giải quyết các vụ việc phát sinh ngay tại cơ sở, tăng cường và giải quyết dứt điểm các vụ việc mới phát sinh trong kỳ và thuộc thẩm quyền.

Công tác phòng, chống tham nhũng: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN, cập nhật những vấn đề mới, phổ biến những việc cụ thể, thiết thực. Nghiên cứu đổi mới hình thức tuyên truyền để lôi cuốn, hấp dẫn, tránh sáo rỗng, nhàm chán. Thực hiện tích cực các giải pháp phòng ngừa tham nhũng gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường việc hướng dẫn, theo dõi, lưu trữ, kiểm tra… việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc thẩm quyền của tỉnh theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về PCTN, phối hợp với cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, làm không đúng Luật PCTN và thiếu trách nhiệm trong công tác này. Chú trọng, giữ vững và nâng cao chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh (chỉ số PACA) hàng năm, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đình Thuyết

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra