Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn mới

Thứ ba, 11/04/2023 12:33
(ThanhtraVietNam) - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở các địa phương cần được triển khai đồng bộ và bao quát toàn bộ trên mỗi địa bàn của từng địa phương.

Bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng phổ biến, được pháp luật quốc tế và Việt Nam thừa nhận. Khoản 1, Điều 3, Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định: “Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”. 

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 13 doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp đã được xác nhận đăng ký hoạt động với gần 12.000 người tham gia, lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng…, doanh thu bán hàng theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt hơn 244 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn mới 

Thời gian qua, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2018/QĐ-UBND ngày 27/7/2018 ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Tĩnh; Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 07/6/2021 thực hiện đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2021-2025 và tham mưu, ban hành nhiều hoạt động tuyên truyền, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Qua đó, các sở, ngành, địa phương đã chủ động triển khai phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. 

Nhìn chung, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh đa cấp cơ bản đã chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh theo phương thức đa cấp như: Thực hiện công tác lưu trữ tài liệu, hồ sơ pháp lý theo quy định, chế độ báo cáo định kỳ, ký hợp đồng bán hàng đa cấp, công bố và cập nhật danh sách đào tạo viên trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp; có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử theo quy định, chi trả chính sách hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác cho những người đã ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp. Các doanh nghiệp cũng duy trì người đại diện tại địa phương, các sản phẩm hàng hoá về cơ bản đều có bản tự công bố sản phẩm hoặc có giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền; hàng hoá nhập khẩu được dán nhãn phụ trên sản phẩm; một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhãn hiệu, bao bì có tính thẩm mỹ và dễ dàng nhận biết thương hiệu, hướng dẫn đầy đủ thông tin ngay trên bao bì sản phẩm.

Bên cạnh những kết quả đó, công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo hình thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Văn bản quy phạm pháp luật quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp còn có bất cập, chưa có quy định cụ thể về: Trách nhiệm và năng lực của người đại diện tại địa phương, yêu cầu về nội dung báo cáo, thời gian thực hiện các việc ký hợp đồng, đào tạo, cam kết, cấp thẻ; sự phát triển của kinh tế số nói chung và cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng đang tạo ra nhiều hình thức kinh doanh mới, khiến các cơ quan quản lý khó khăn trong kiểm soát, trong khi các khuôn khổ pháp lý, văn bản pháp luật thường không kịp thời được điều chỉnh.

Bán hàng đa cấp là một phương thức kinh doanh hiện đại, mang lại hiệu quả cao ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi triển khai tại Việt Nam, cũng là mô hình kinh doanh dễ bị lợi dụng, biến tướng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết để lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động đa cấp trái phép nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có nhiều biểu hiện biến tướng phức tạp, cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc kiểm tra, xử lý.  Bên cạnh đó, do đặc thù của loại kinh doanh này không có địa điểm kinh doanh cố định; các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hầu hết không có trụ sở, văn phòng đại diện nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý. Chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép chưa đủ mạnh nên vẫn còn tình trạng các tổ chức, cá nhân tìm cách lách luật và bất chấp quy định pháp luật để kiếm lời bất chính.

Chưa kể, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở các địa phương được triển khai, nhưng vẫn còn ít, chưa bao quát toàn bộ các địa bàn của từng địa phương. Việc theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu để xử lý các đối tượng này cũng gặp nhiều khó khăn. Người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động truyền miệng hoặc thông qua các hội nhóm qua mạng xã hội nên việc tiếp cận phát hiện vi phạm, thu thập thông tin, chứng cứ để xử lý rất hạn chế...

Nhằm tận dụng tiềm năng, duy trì các kết quả đã đạt được, đồng thời xử lý những vấn đề do yêu cầu thực tế đặt ra đối với kinh doanh bán hàng đa cấp, thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như:

Tiếp tục rà soát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của ngành.

Nâng cao toàn diện nhận thức của cộng đồng về pháp luật kinh doanh theo phương thức đa cấp và các hình thức lợi dụng bán hàng đa cấp kinh doanh trái phép, hướng đến một số đối tượng người dân như người cao tuổi, sinh viên, phụ nữ. Khẳng định hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, đa cấp trá hình dưới hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo... là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở các địa phương cần được triển khai đồng bộ và bao quát toàn bộ trên mỗi địa bàn của từng địa phương.

Đẩy mạnh và hướng đến tối đa hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính cần chủ động công tác tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để tuyên truyền cho người tham gia và người tiêu dùng phân biệt rõ các quy định pháp luật và các mô hình biểu hiện bất chính. Xây dựng kế hoạch phân phối và đào tạo người tham gia một cách chuyên nghiệp và có biện pháp triển khai giám sát chặt chẽ. Đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo để kịp thời thông tin và phát hiện các trường hợp sai phạm, các cá nhân không tuân thủ đúng nguyên tắc trong kinh doanh bán hàng đa cấp gây ảnh hưởng đến bản chất và giá trị của ngành bán hàng đa cấp. Từ đó, kiến nghị và phối hợp với cơ quan chức năng xem xét xử lý đảm bảo hành lang pháp lý minh bạch, nghiêm túc.

Đối với người tham gia vào hình thức kinh doanh đa cấp cần tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trước khi tham gia trên các tiêu chí: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp; các phương thức bán hàng của doanh nghiệp. Đặc biệt, người tham gia cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa. Tìm hiểu kỹ về chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. Lợi ích của người tham gia chỉ có được khi bán hàng hóa, không phải từ việc lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới đa cấp.

Võ Tá Nghĩa - PGĐ Sở Công thương Hà Tĩnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra