Về xây dựng và thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, Luật Thanh tra chưa có quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, nhưng theo Thông tư 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ, người ra quyết định thanh tra xem xét hoặc giao cho phòng chuyên môn nghiên cứu dự thảo kết luận thanh tra để tham mưu, đề xuất hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra; không quy định phải thẩm định dự thảo kết luận trước khi ký ban hành, do đó, công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra vừa qua chưa được chú trọng đúng mức.
Về cơ bản, công tác xây dựng dự thảo kết luận thanh tra đảm bảo thực hiện theo quy định tại Điều 35 Thông tư 05/2014/TT-TTCP, Trưởng Đoàn thanh tra chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, việc thực hiện thẩm định thường giao cho một công chức thuộc phòng Giám sát, Kiểm tra và Xử lý sau thanh tra thực hiện nhiệm vụ thẩm định. Tuy nhiên, trên thực tế, đôi lúc công chức phòng Giám sát, Kiểm tra và Xử lý sau thanh tra được phân công làm thành viên Đoàn thanh tra. Đối với thanh tra chuyên ngành, thanh tra huyện, thành phố…, do số lượng công chức làm công tác thanh tra ít, không có phòng thực hiện chức năng thẩm định nên chủ yếu giao cho Đoàn thanh tra tự chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo kết luận thanh tra để trình người ký quyết định thanh tra ban hành kết luận thanh tra. Điều này cho thấy, việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chưa có quy định thống nhất, chưa quy định cụ thể về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thẩm định, giá trị pháp lý của văn bản thẩm định, nên việc thực hiện công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Có một số đơn vị, chất lượng kết luận thanh tra còn thấp, ít kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, pháp luật; việc kiến nghị, xem xét trách nhiệm kỷ luật còn chung chung, thiếu cụ thể.
Đoàn thanh tra (Ảnh: Intenet)
Về nguyên nhân và giải pháp nâng cao tầm quan trọng công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra trong quy trình thanh tra, kết luận thanh tra là văn bản quan trọng nhất của cuộc thanh tra, phản ánh toàn diện, đầy đủ về kết quả của cuộc thanh tra, là cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện cho các đơn vị được kiến nghị xử lý. Hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra phụ thuộc rất lớn vào việc nhận thức, sự tuân thủ quy định pháp luật về kết luận thanh tra và thực hiện đầy đủ các kết luận thanh tra. Vì vậy, chất lượng của kết luận thanh tra ảnh hưởng rất lớn đến hiệu lực thực hiện các kiến nghị và quyết định xử lý, đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả cuộc thanh tra. Do đó, công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra rất quan trọng đối với một kết luận thanh tra.
Thực tế hiện nay, công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra tại Thanh tra sở, ngành, huyện, thành phố không có nhân lực thực hiện. Tại Thanh tra tỉnh, phòng Giám sát, Kiểm tra và Xử lý sau thanh tra là nơi được giao chức năng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, tuy nhiên, công tác thẩm định vẫn không được chú trọng đúng mức với nhiều lý do khác nhau như:
Thời gian xây dựng dự thảo kết luận đến ký ban hành ngắn (việc quy định thời hạn ban hành kết luận thanh tra là 15 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả thanh tra được áp dụng chung cho tất cả các cuộc thanh tra là chưa phù hợp).
Việc tổ chức thực hiện công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra còn nhiều vướng mắc: Việc gửi hồ sơ, tài liệu của Đoàn thanh tra cho bộ phận thẩm định chưa đầy đủ, đúng thời hạn dẫn đến chậm trễ trong quá trình thực hiện; việc tiếp thu, giải trình của Đoàn thanh tra về những vấn đề đặt ra trong báo cáo kết quả thẩm định chưa đầy đủ; việc xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các thành viên Đoàn thanh tra với bộ phận thẩm định, Lãnh đạo cơ quan thanh tra còn chưa thống nhất, kéo dài; nhận thức của các chủ thể có liên quan đến hoạt động thẩm định chưa thống nhất, đầy đủ dẫn đến những rào cản nhất định để thực hiện có hiệu quả trên thực tế. Công chức phụ trách công tác thẩm định kiêm nhiệm công tác Đoàn thanh tra do thiếu nhân lực. Công chức được phân công thẩm định còn hạn chế năng lực chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tiễn…
Tại Thanh tra sở, ngành, huyện, thành phố công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra hầu như không có thực hiện, nên ở một số cuộc thanh tra, căn cứ pháp lý quan trọng để kết luận, kiến nghị đó là hệ thống các chứng cứ có trong hồ sơ của cuộc thanh tra; song các chứng cứ được phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá, xác minh… ở các cuộc thanh tra đôi lúc vừa yếu, vừa thiếu, dẫn đến kết luận, kiến nghị của cuộc thanh tra chưa đủ khách quan.
Những nguyên nhân mang tính cục bộ trên là do quy định của pháp luật về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chưa hoàn thiện: Luật Thanh tra năm 2010 chưa quy định nhiệm vụ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; chưa có hướng dẫn về nghiệp vụ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra cho các cơ quan thanh tra bộ, ngành, địa phương.
Mặt khác, nội dung quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ còn sơ sài, thiếu những quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong việc phối hợp thẩm định, giá trị pháp lý của báo cáo thẩm định, việc tiếp thu, giải trình của Đoàn thanh tra về những vấn đề được chỉ ra trong báo cáo thẩm định; chưa quy định cụ thể về thời gian thẩm định để làm căn cứ tiến hành thẩm định.
Để nâng cao vai trò việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, cần có những giải pháp quy định cụ thể như:
Một là, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cơ quan Thanh tra nhà nước về mục đích và vai trò của công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.
Hai là, sửa đổi bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Quy định công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra thành một chế định trong Luật Thanh tra.
Ba là, cần có quy định thời gian tiến hành thẩm định; sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Bốn là, cần ban hành thông tư quy định quy trình thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, đồng thời thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra một cách chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng mọi tình huống xảy ra./.
Ngọc Xinh