Ngẫm cách cha ông ta phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ ba, 21/11/2023 14:31
(ThanhtraVietNam) - Cha ông ta từ xưa đã đề ra nhiều chính sách như: Tổ chức các kỳ "khảo công" nhằm đánh giá năng lực, uy tín của quan lại; Cấp "tiền dưỡng liêm" để người trong bộ máy công quyền giữ mình trong sạch; Đề ra luật “hồi tỵ” qui định việc bổ nhiệm quan chức không phải người địa phương, không để những người có mối quan hệ thân tộc, gia đình, đồng hương, thầy trò, thân hữu… cùng làm quan một nơi để phòng ngừa nạn bè phái, cục bộ; Lập hội thề không lấy của công làm của tư…, cùng nhiều chế tài pháp luật nghiêm khắc xử lý quan lại vi phạm nhằm kiểm soát quyền lực, để phòng chống nhũng lạm.

Sát hạch, kiểm tra (khảo khóa hay khảo công)

Để đánh giá năng lực, trình độ, hiệu quả công việc của quan lại, thời vua Lê Thánh Tông nhà Hậu Lê, triều đình ban hành lệ khảo khoá theo định kỳ 3 năm khảo đầu, 6 năm khảo lại, 9 năm khảo suốt. Nội dung sát hạch kiểm tra bao gồm: học vấn, nhiệm vụ thực thi, nghĩa vụ đối với vua, trách nhiệm và uy tín trước nhân dân. “Quan các nha môn tại chức đủ 3 lần khảo thì khai đủ những việc đã làm qua trong nhiệm kỳ, có phạm lỗi hay không, trình lên cho trưởng quan nha môn theo công bằng xét lại, tính bắt đầu từ ngày bổ nhiệm.”. Từ đó mới có căn cứ thăng chức hay giáng chức. Quy định khảo khóa cũng cấm quan lại gian dối công tội, che dấu cho nhau, nếu quan phụ trách ở cấp trên không kiểm tra mà bị phát hiện có gian dối cũng sẽ bị xử lý.

Hoạt động khảo khóa góp phần giúp triều đình kiểm soát, phân loại, sắp xếp, thanh lọc đội ngũ quan lại đảm bảo yêu cầu trị nước, an dân.

Hồi tị (Quay lánh ra chỗ khác)

Theo một số từ điển Hán Việt, “tị” là động từ có nghĩa tránh, lánh xa không cho gặp, “tị nạn” là đi chỗ khác để tránh nguy hiểm, “hồi tị” quay lánh ra chỗ khác. Còn chuyên trang điện tử Chữ Nôm Việt Nam (https://chunom.net) tham khảo Đại Từ điển Tiếng Việt giải thích “hồi tị” là: “(Người thân thuộc) phải tránh, không tiếp xúc các quan lại thi hành phận sự được giao xử án, chấm thi...”

Trong bộ Quốc triều hình luật thời Hồng Đức nhà Lê có quy định một số điều liên quan đến “hồi tị” như: Quan lại ở trấn ngoài không được lấy con gái ở trấn mình cai quản; Quan lại ở trấn biên kết thông gia với tù trưởng ở vùng đó thì phải tội đồ hay lưu và phải ly dị.

Năm 1488, vua Lê Thánh Tông có chiếu chỉ đạo các quan phủ, huyện, châu khi bổ nhiệm xã trưởng, hễ là anh em ruột hoặc họ hàng thân thuộc thì chỉ có 1 người làm xã trưởng để tránh tệ bè phái hùa nhau.

Đến thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, luật hồi tị được quy định khắt khe, triệt để hơn như: Những người thân trong gia đình hoặc người cùng làng, thông gia với nhau, thày và trò không được cùng làm quan ở một chỗ (trừ Viện thái y vì chuyên về thuốc men, chữa bệnh, cần phải cha truyền con nối giữ nghề); Không được làm quan tại quê quán của mình, quê vợ và nơi đi học lúc trẻ; Những trường hợp khi thi hành công vụ (thanh tra, xét xử, chấm thi…) thấy có liên quan đến người ruột thịt, thân quen thì phải chủ động bẩm báo, tâu trình thay người khác. Đồng thời, nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái và mua nhà cửa, ruộng vườn nơi mình làm quan. Quy định này nhằm phòng tránh tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ”, “cả họ làm quan” hay cục bộ, bè phái, địa phương, nể nang, bao che để tham nhũng, tiêu cực, mất lòng dân, góp phần làm tăng hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã tiếp thu những yếu tố tích cực của luật pháp thời phong kiến, thể chế hóa vào trong một số chính sách, pháp luật như các điều, khoản trong các Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó...

Gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 về luân chuyển cán bộ, trong đó đối tượng cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Cùng với đó, các cấp, ngành có ban hành nhiều quy định khác về phòng, chống tham nhũng...

leftcenterrightdel
 

Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, gắn với Hoàng hậu triều đại này là Vũ Thị Ngọc Toàn, người đã cùng dân làng lập ra hịch văn Hội Minh thệ. Ảnh: Nguyễn Dương.

Dưỡng liêm

Từ thời nhà Lý, triều đình đã có chính sách quan tâm đến đời sống quan lại để phòng ngừa tham nhũng. Năm 1067, vua Lý Thánh Tông cấp cho hai viên quan coi việc hình pháp ở đô hộ phủ (đơn vị hành chính tương đương với cấp tỉnh ngày nay) là Ngụy Trọng Hòa và Đặng Thế Tư mỗi người bổng hằng năm là 50 quan tiền, 100 bó lúa và các thứ cá muối, còn ngục lại (người coi tù) mỗi người 20 quan tiền, 100 bó lúa để giữ thanh liêm.

Đến thời Hậu Lê, ngoài các bổng lộc vẫn cấp phát từ trước, vị vua anh minh Lê Thánh Tông còn cấp thêm ruộng dưỡng liêm (liêm lộc điền) cho các quan tăng gia. Còn vua Lê Hiến Tông thì ban hành lệnh thưởng thêm tiền quý bổng liêm khiết cho quan lại.

Nhà Nguyễn cũng rất quan tâm vấn đề này, sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn (NXB Sử học, Hà Nội, 1964) ghi lại ý kiến của vua Gia Long Nguyễn Ánh: “Phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm để tỏ đặc cách” và người kế tục là vua Minh Mạng (Nguyễn Phúc Đảm): “tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch”.

Ngày nay, Nhà nước ta quan tâm đời sống cán bộ công chức bằng cách tăng lương, thưởng, phụ cấp, chế độ nghĩ dưỡng, nghỉ mát, chăm sóc y tế, kết hợp giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ Nhà nước giữ liêm khiết trong công việc… Ở góc độ địa phương, một số tỉnh, thành phố cũng đã áp dụng “dưỡng liêm” cho cán bộ, như vào năm 2012, thành phố Đà Nẵng đã trợ cấp 5 triệu đồng mỗi tháng cho cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường để phòng ngừa tham nhũng, tuy nhiên việc chi trả này đã dừng lại sau 8 tháng thực hiện vì có nhiều ý kiến khác nhau và UBND thành phố cần ra soát, tính toán lại…

Năm 2018, cử tri thành phố Đà Nẵng và tỉnh Long An đề nghị chính quyền địa phương nghiên cứu xây dựng quỹ dưỡng liêm từ việc trích một phần lương của cán bộ công chức hằng tháng, gửi vào ngân hàng, đến khi nghỉ hưu nếu không vi phạm gì sẽ được nhận, còn nếu vi phạm sẽ sung công quỹ (giống như Singapore đã làm). Tuy nhiên, nhiều người cho rằng biện pháp này mới xử lý phần ngọn và chỉ có thể chống được tham nhũng vặt, chưa chặt được gốc của tham ô, tham nhũng và không chống được tham nhũng lớn.

Xử những người cậy quyền thế mua ép giá hàng hóa ở chợ

Thời vua Lê Thái Tông, một người bếp ở thái miếu là Nguyễn Chú, thác cớ là người trong cung mua ép giá rẻ hàng hóa ở chợ, khi bị phát giác đã bị xử 80 trượng, thích chữ vào gáy, đồ làm binh phường voi và rao ba ngày cho mọi người biết.

Thời vua Lê Thánh Tông, năm 1484, nhắc lại lệnh cấm mua hiếp (tức dùng sức mạnh, quyền thế bắt người dân bán hàng phải chịu thua thiệt - Nguyễn Dương chú thích), răn đe những nhà quyền hào ở phủ Phụng Thiên và hai ty Thừa, Hiến các xứ, khi sắm sửa mua bán lễ vật cưới xin ở chợ phải theo giá, không được quen thói gian ngoan như trước đây, mua hiếp cướp lấy. Ai trái lệnh sẽ bị trị tội.

Đến năm 1497, vua lại tiếp tục có chiếu cấm các nữ sử ở Nội phủ, cung nhân cung Thiên Hòa và các nô tỳ ở các phủ của vương tôn, công chúa, ở nhà các đại thần khi đi mua hàng hóa của dân trong chợ, không được lợi dụng việc công để mua ép giá hay cướp lấy hàng hóa mà không trả tiền, mưu lợi riêng.

Xử nặng tội nhận hối lộ

Bộ Quốc triều hình luật thời Lê qui định cụ thể hình phạt xử lý quan lại ăn hối lộ, quan lại làm công vụ lại sách nhiễu dân và các hành vi tương tự như: “Các quan ty tự tiện lấy của cải đồ vật của quân dân, dùng vào việc riêng, thì xử như tội ăn hối lộ, và phải bồi thường gấp đôi trả cho quân dân. Nếu lấy mà dùng vào việc công mà không có chiếu chỉ của vua thì xử giảm tội hai bậc.”

Đến Triều Nguyễn, theo ghi chép tại Châu bản và bộ sử Đại Nam thực lục, vào tháng 12 năm 1854, triều đình vua Tự Đức nhận được đơn của một thương nhân tố cáo quan lại tỉnh Quảng Nam nhũng nhiễu, nhận hối lộ, sau khi điều tra làm rõ, triều đình đã kết tội hơn 70 quan lại, trong đó xử tội chết 17 người, lưu đày 25 người, 12 người bị tội làm lao dịch, phạt đánh gậy và cách chức 8 người, kể cả những người về hưu hay đã chết cũng đều không thoát tội.

Quy định quản lý nhà công vụ và tài sản công

Thời vua Lê Thánh Tông có lệnh quan các nha môn khi được điều động, thay đổi, về nghỉ để tang hay ốm chết, v.v… thì phải giao nhà đó và tài sản đồ vật cho người có chức năng coi giữ, để bàn giao cho quan mới đến sử dụng. Đồng thời có các điều luật qui định xử lý quan lại lạm dụng quyền chức chiếm đoạt ruộng đất của công, quan lại tự tiện lấy của trong kho hay “Người chăn nuôi gia súc của công mà giấu giếm hay bán đi, thì khép vào tội trộm cắp của công”.

Thề không lấy của công

Hội Minh thệ (còn gọi là Minh thề) ở thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng có từ hơn 500 năm trước, trải nhiều biến thiên thăng trầm của lịch sử, đã có lúc mai một, đến năm 2003 bắt đầu được địa phương khôi phục lại. Những người tham gia hội thề gồm nhiều thành phần từ bô lão cho đến tráng đinh, chức sắc trong làng, cùng nhau thề theo hịch văn, trong đó có đoạn: “Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. Các quan trên dự để chứng kiến lời thề.

Năm 2017, Hội Minh thệ tại đền, chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.   

Tham khảo, học hỏi những bài học của cha ông có thể giúp chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả hơn trong bối cảnh ngày nay.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Trích Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Hồng Đức, 2022 (tái bản theo bản in của NXB Khoa học và Xã hội năm 1971-1972, do Cao Huy Giu dịch từ bản chữ Hán, Đào Duy Anh hiệu đính, chú thích và khảo chứng).

2. Tham khảo bài Quỹ dưỡng liêm đăng trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, https://daibieunhandan.vn/Goc-nhin/Quy-duong-liem-i49101/

3. Tham khảo Quốc triều hình luật (Luật hình Triều Lê hay Bộ luật Hồng Đức), do Viện Sử học tổ chức dịch từ bản chữ Hán mang ký hiệu A.314 lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), NXB Tư pháp xuất bản năm 2013.

4. Tham khảo bài “Lễ hội Minh Thề đề cao tinh thần trong sạch, chí công vô tư”, https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Le-hoi-Minh-The-de-cao-tinh-than-trong-sach-chi-cong-vo-tu-i421689/

Nguyễn Dương
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra