Ở Việt Nam, theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, "tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 giữ nguyên khái niệm này).
Khoản 7, Điều 3, Luật Phòng chống tham nhũng quy định, vụ lợi: "là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng". Đây là một khái niệm tương đối bao quát, đủ để xác định bản chất của hành vi tham nhũng phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Mặc dù có nhiều quan niệm và cách diễn đạt khác nhau, nhưng có một điểm chung thống nhất là: Tham nhũng là hành vi của người (hoặc nhóm người) có quyền lực, đã lợi dụng quyền lực để trục lợi riêng.
Dấu hiệu nhận biết hành vi tham nhũng
Hành vi tham nhũng phải bao gồm đồng thời ba dấu hiệu đặc trưng sau:
Thứ nhất, tham nhũng phải được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định 4 nhóm người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội Nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Ngoài ra, theo Bộ luật Hình sự 2015, chủ thể của các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
Thứ hai, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao. Sự lợi dụng, lạm dụng thông qua (1) hoặc là chức năng chính quyền; (2) hoặc là chức năng tổ chức, lãnh đạo; (3) hoặc là chức năng hành chính, kinh tế theo nhiệm vụ, công vụ được giao; (4) hoặc theo thẩm quyền chuyên môn mà người đó đảm nhận.
Thứ ba, người thực hiện hành vi tham nhũng phải có mục đích, động cơ vụ lợi (vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng). Đây là dấu hiệu bắt buộc phải có để phân biệt hành vi tham nhũng với những hành vi vi phạm pháp luật khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.
Nếu thiếu một trong ba dấu hiệu đặc trưng trên thì không bị coi là hành vi tham nhũng mà bị coi là hành vi vi phạm pháp luật khác.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi và phân loại tham nhũng
Hiện nay, tham nhũng là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố đặc thù gắn với từng quốc gia. Về cơ bản, mỗi quốc gia có những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng riêng. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở xem xét nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng của các nước trên thế giới, mặc dù có điểm riêng nhưng cũng có một số nguyên nhân, điều kiện mang tính chất chung, tương đồng, đó là:
Sự phát triển của các hình thái Nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, chính trị tạo ra tiền đề khách quan cho tham nhũng nảy sinh, phát triển. Các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, nguồn gốc sâu xa của tệ tham nhũng là sự gặp nhau của hai nhân tố: Quyền lực công và lòng tham cá nhân.
Trong xã hội có giai cấp, Nhà nước trước hết đại diện cho quyền lực của một giai cấp nhất định, nó có chức năng điều hòa những lợi ích của các giai cấp khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Quyền lực của Nhà nước khi được trao cho những con người cụ thể, những người đại diện cho Nhà nước thực thi quyền lực công, nếu không có cơ chế kiểm soát dễ dẫn tới sự lợi dụng quyền lực hoặc lạm quyền. Sự gặp nhau giữa quyền lực công khi không được chế ước với nhu cầu cá nhân vượt quá giới hạn cho phép, lòng tham, đã dẫn tới việc sử dụng quyền lực công phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Đó chính là cơ sở nảy sinh tham nhũng. Tham nhũng còn được coi là “sản phẩm của sự tha hóa quyền lực”.
Tham nhũng là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo, yếu kém. Thực tế cho thấy, ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, quản lý công khai, minh bạch, văn minh, tham nhũng xảy ra ít hơn. Ngược lại, ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển, trình độ quản lý và dân trí chưa cao thì ở đó tham nhũng phức tạp hơn.
Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ hoặc thực thi pháp luật yếu kém cũng là một nguyên nhân và điều kiện của tham nhũng. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán có nhiều “kẽ hở” tạo cho những người có chức vụ, quyền hạn, điều kiện để “lách luật” trục lợi, làm giàu bất chính. Bên cạnh đó, phẩm chất chính trị đạo đức của đội ngũ có chức, có quyền bị suy thoái đặc biệt là suy thoái tư tưởng chính trị. Họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung, lợi ích tập thể để trục lợi, làm giàu bất chính cho bản thân, gia đình, họ hàng mình; nhất là trong điều kiện khủng hoảng chính trị, xã hội, kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức của đội ngũ công chức.
Trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật của người dân chưa cao tạo điều kiện cho những người có chức quyền có thể nhũng nhiễu, hạch sách dân chúng, vòi vĩnh nhận quà biếu, tặng hay nói cách khác là nhận hối lộ. Thực tế ở các nước phát triển có trình độ dân trí cao, tham nhũng ít xảy ra hơn so với những nước đang phát triển và kém phát triển với trình độ dân trí thấp, người dân chưa có điều kiện tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Bộ máy hành chính Nhà nước cồng kềnh, với nhiều thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý tạo điều kiện cho một số cán bộ, công chức Nhà nước sách nhiễu, nhận hối lộ của người dân, doanh nghiệp; cơ chế “xin - cho” trở thành “mảnh đất màu mỡ” của tham nhũng.
Chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức chưa thỏa đáng cũng là nguyên nhân dẫn dến tình trạng tham nhũng tràn lan. Một khi cán bộ, công chức Nhà nước chưa thể sống no ấm, đầy đủ với tiền lương của mình thì tất yếu họ sẽ tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập từ chính công việc, chức vụ mà Nhà nước giao cho mình kể cả tham nhũng.
Các hình thức nhận diện tham nhũng
Thứ nhất, tham nhũng vật chất là dạng tham nhũng nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất của cá nhân như tiền bạc, tài sản.
Thứ hai, tham nhũng quyền lực là dạng tham nhũng mà người tham nhũng lợi dụng quyền lực cá nhân để đưa những người thân tín vào bộ máy công quyền cũng như vào các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị kinh tế, tài chính... vì động cơ vụ lợi.
Thứ ba, tham nhũng chính trị là dạng tham nhũng được hình thành do sự câu kết giữa những người có ảnh hưởng trong hệ thống chính trị, chủ yếu là những quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền, nhằm tạo ra những quyết định, hay tìm cách tác động thiên lệch vào những quyết sách của Nhà nước có lợi cho một cá nhân, doanh nghiệp hoặc những nhóm lợi ích nào đó.
Thứ tư, tham nhũng hành chính là dạng tham nhũng xảy ra phổ biến trong các hoạt động quản lý hành chính của đội ngũ công chức hành chính. Ở đó, những người được giao quyền đã sử dụng quyền lực hành chính, trình tự thủ tục hành chính để gây khó khăn cho công dân hoặc tổ chức nhằm trục lợi cho bản thân.
Thứ năm, tham nhũng kinh tế là dạng tham nhũng xảy ra trong hoạt động quản lý kinh tế, như: Sản xuất kinh doanh, dịch vụ, mua sắm tài sản công, quản lý tài sản…được thực hiện bởi những người có thẩm quyền trong quản lý Nhà nước về kinh tế, những người có thẩm quyền trong doanh nghiệp Nhà nước.
Trong thời gian tới, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào những nội dung cụ thể: Tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức, viên chức,cộng đồng doanh nghiệp trong việc phòng, chống tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường vai trò giám sát trong công tác phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được chú trọng và đạt những kết quả tích cực./.
Nguyễn Thị Ngọc Xinh
Thanh tra tỉnh Cà Mau