Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính của lực lượng Công an nhân dân

Thứ ba, 07/07/2020 05:03
(ThanhtraVietNam) - Để đảm bảo cho lực lượng Công an nhân dân (CAND) làm tốt chức năng của mình, Nhà nước không chỉ đầu tư các nguồn lực, giao cho Công an các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà còn có chế định để giám sát việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó, làm cho quyền lực được giao không bị tha hóa.

Cùng với hoạt động kiểm tra, giám sát của các chủ thể ngoài CAND, lực lượng CAND phải có các hoạt động tự làm cho mình trong sạch, vững mạnh. Thanh tra hành chính của lực lượng CAND là một trong các hoạt động cơ bản, thiết yếu và cũng là giải pháp khả thi để CAND thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra, giám sát từ bên trong, làm cho chính mình trong sạch, vững mạnh.

Trước khi có Luật Thanh tra năm 2010, trong CAND, hoạt động thanh tra của Thủ trưởng công an các cấp theo kế hoạch được gọi là “thanh tra chuyên đề”. Ngày 06/8/2002, Bộ Công an có Quyết định số 733/2002/QĐ-BCA(V24) ban hành quy trình thanh tra chuyên đề trong lực lượng CAND. Theo văn bản này, thanh tra chuyên đề được xác định là: "Hoạt động thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch công tác của các cấp, các đơn vị Công an, được tiến hành một cách chủ động, chuyên sâu trên một lĩnh vực hoặc một số khâu công tác cụ thể, nhằm giúp Thủ trưởng Công an các cấp đánh giá đúng thực trạng việc chấp hành; trên cơ sở đó phòng ngừa sai phạm, củng cố, chấn chỉnh và từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả công tác".

Sau khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực, Bộ Công an ban hành Thông tư số 02/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 Quy định về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra hành chính trong CAND. Tại văn bản này có quy định về mục đích của hoạt động thanh tra hành chính trong CAND là: Nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phát hiện sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và các quy định của ngành Công an để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo, khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Thanh tra hành chính của lực lượng CAND là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý của cơ quan Công an các cấp đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, cá nhân trực thuộc. Đó là hoạt động có vai trò quan trọng, là một trong những “công cụ” phù hợp và khả thi trong việc kiểm soát và giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến con người, bộ máy và các quy trình pháp luật, nghiệp vụ trong thực hiện các kế hoạch, biện pháp công tác.

leftcenterrightdel
Các cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra Bộ Công an năm 2019 

1. Hoạt động thanh tra hành chính của lực lượng CAND có những đặc điểm đặc thù, thể hiện trên các phương diện sau:

-  Về mục đích:

Hoạt động thanh tra hành chính của lực lượng CAND cụ thể hóa mục đích của hoạt động thanh tra nói chung vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của lực lượng CAND theo quy định của pháp luật. Ngoài mục đích chung, mục đích cụ thể của từng cuộc thanh tra được xác định trong từng kế hoạch thanh tra. Các cuộc thanh tra đối với lực lượng CAND hướng đến thực hiện các mục tiêu cụ thể là:

(1) Đánh giá đúng thực trạng, tình hình chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chức trách, nhiệm vụ cụ thể của Công an đơn vị, địa phương; đánh giá mức độ phù hợp của các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật và của Ngành với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; phát hiện các sơ hở, bất cập để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo, đề ra biện pháp khắc phục;

(2) Phát huy nhân tố tích cực, phát hiện các mô hình tổ chức, cách làm có hiệu quả cao để kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu nhân rộng;

(3) Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ nhằm ngăn ngừa chung.

Như vậy, mục đích cơ bản của hoạt động thanh tra hành chính của lực lượng CAND là rất rộng bao gồm từ việc xem xét tính phù hợp của hệ thống chính sách, pháp luật đến việc đánh giá toàn diện quá trình tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ CAND. Phạm vi công tác này không chỉ bao gồm việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các vụ việc cụ thể mà tập trung nhiều hơn đến tính đúng đắn, hiệu quả của toàn bộ các mặt công tác của các chủ thể thực hiện trong một phạm vi không gian, thời gian nhất định.

- Về chủ thể thanh tra:

Chủ thể của hoạt động thanh tra luôn gắn liền với chủ thể quản lý hành chính nhà nước, cơ quan, người cấp trên là chủ thể thanh tra đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân cấp dưới. Chủ thể thanh tra được cụ thể hóa trong hoạt động thanh tra thông qua quy định về quyền ra các quyết định thanh tra và ban hành kết luận thanh tra. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính trong CAND được quy định tại Điều 27 và Điều 28 Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ Quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra CAND. Bao gồm thẩm quyền ra quyết định thanh tra theo kế hoạch và ra quyết định thanh tra đột xuất.

Hiện nay, thẩm quyền ra quyết định thanh tra gồm: Chánh Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương, nơi không có tổ chức thanh tra, Thủ trưởng Công an phụ trách ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra; đối với những lĩnh vực, vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều đơn vị, địa phương, Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Đối với những lĩnh vực, vụ việc đặc biệt phức tạp liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành trong đó trách nhiệm chủ yếu của Bộ Công an, căn cứ vào kế hoạch thanh tra, Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

- Về đối tượng, phạm vi thanh tra:

Đối tượng thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CAND bao gồm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc lực lượng CAND. Đối tượng thanh tra cụ thể phụ thuộc vào phạm vi quản lý cơ quan Công an là chủ thể thanh tra. Đối tượng của hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CAND là tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc lực lượng CAND.

Về nguyên tắc, mọi hoạt động của CAND đều được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành. Thực tế, do yêu cầu của mục đích quản lý, lãnh đạo và yêu cầu cụ thể tại địa phương, đơn vị, Thủ trưởng Công an, Thủ trưởng Cơ quan Thanh tra Công an các cấp thường xây dựng các chương trình kế hoạch thanh tra hướng vào các lĩnh vực trọng điểm, các phương diện hoạt động chủ yếu của lực lượng CAND.

Nội dung thanh tra hành chính của lực lượng CAND bao gồm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, có các nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực tố tụng hình sự, tư pháp. Đây là một đặc điểm đặc thù của hoạt động thanh tra trong CAND. Đặc điểm này dẫn đến thực tế là quá trình thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra phải xem xét, đánh giá, xử lý nhiều thông tin, tài liệu, hồ sơ nghiệp vụ thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiếp xúc, xử lý nhiều tài liệu liên quan đến chủ trương, chính sách, chiến lược lớn, các quan điểm chỉ đạo, biện pháp nghiệp vụ về đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

- Đặc điểm về mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra và Thủ trưởng Công an cùng cấp:

Nhìn chung, vị trí của thanh tra được thể hiện chủ yếu gắn với hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra là bộ phận thiết yếu của quản lý nhà nước; thanh tra, trước hết là để phục vụ yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Do đó, tính lệ thuộc của cơ quan thanh tra và hoạt động thanh tra vào quản lý nhà nước thể hiện rất đậm nét. Trong CAND, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng Công an các cấp không chỉ xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước đã được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật về thanh tra mà còn được quy định bởi tính chất đặc thù và nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng CAND. Đó là nguyên tắc “cấp dưới phục tùng cấp trên”, một nguyên tắc cơ bản được thể chế hóa trong Luật CAND hiện hành.

2. Một số yêu cầu mới đặt ra đối với hoạt động thanh tra hành chính của lực lượng CAND

-  Hoạt động thanh tra trong CAND phải phù hợp với phương thức vận hành của bộ máy CAND ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng về cơ sở. Việc tinh gọn bộ máy tất yếu sẽ dẫn đến thay đổi việc phân công, phân cấp theo hướng: nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống, tội phạm và quản lý nhà nước về an ninh trật tự sẽ được phân cấp xuống Công an địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).

Để đảm bảo mô hình tổ chức bộ máy mới của CAND hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước trong CAND phải chuyển đổi từ phương thức trực tiếp thực hiện sang lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm là chủ yếu. Vì vậy, chức năng thanh tra, kiểm tra sẽ ngày càng trở nên thiết yếu, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo bộ máy tinh gọn và hiệu quả.

- Yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức điều tra hình sự năm 2015 và nhiều văn bản pháp luật mới. Hiện nay, nhiều văn bản mới của Nhà nước liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm đã có hiệu lực pháp luật. Trong đó, đặc biệt quan trọng là các luật và bộ luật nói trên. Những văn bản quy phạm pháp luật này có rất nhiều các nội dung mới, có những nội dung chưa có trong tiền lệ pháp luật nước ta. Để chủ động ngăn ngừa các vi phạm của điều tra viên, cán bộ điều tra trong lĩnh vực này cần thiết phải tăng cường hoạt động thanh tra nhất là thanh tra chủ động ngăn ngừa, tránh để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, phải xử lý bằng pháp luật.

   - Hoạt động thanh tra trong CAND phải đáp ứng yêu cầu chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả đối với các sai phạm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ CAND. Trong thời gian qua, công tác thanh tra đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng lực lượng CAND cũng như ngăn ngừa sai phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các mặt công tác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động này còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác Công an cũng như kỳ vọng của người dân. Một trong các nguyên nhân của tình hình trên là do tổ chức, hoạt động của cơ quan thanh tra còn nhiều bất cập, vị trí, vai trò của thanh tra còn hạn chế; quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Từ những đặc điểm nêu trên, để nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CAND, cần chú ý một số vấn đề cụ thể là:

(1) Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định của Nhà nước, Bộ Công an về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an các đơn vị, địa phương và các quy định, pháp luật về hoạt động thanh tra CAND

Đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực cảnh sát nhân dân, hiện nay đang đặt ra vấn đề cần phải sớm được giải quyết. Đó là phải kịp thời hoàn thiện hệ thống quy định của Nhà nước, Bộ Công an về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình công tác của các lực lượng cảnh sát nhân dân theo Luật CAND năm 2018 và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/08/2018 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ Công an; hoàn thiện các quy trình, quy chế công tác; quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá các mặt công tác.

Đối với hệ thống pháp luật về thanh tra CAND: Hoạt động thanh tra hành chính của lực lượng CAND có những đặc điểm đặc thù, có nội dung liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các quy định pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, hiện nay, Bộ Công an chưa có thông tư quy định riêng về hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự trong CAND. Đặc điểm này dẫn đến thực tế là quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra còn lúng túng.

Trong thời gian tới, Bộ Công an cần sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND cho phù hợp với bộ máy tổ chức mới của Bộ Công an và Thanh tra CAND; Nghiên cứu ban hành thông tư quy định về hoạt động thanh tra hành chính lĩnh vực điều tra hình sự của lực lượng CAND; Thông tư quy định về việc thu thập, quản lý thông tin tài liệu phục vụ hoạt động thanh tra CAND.

(2) Nâng cao trách nhiệm cấp ủy Đảng, Thủ trưởng Công an các cấp gắn với phát huy vài trò của cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CAND

Để nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra hành chính phù hợp với đặc thù tổ chức và hoạt động của lực lượng CAND đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các cấp, đồng thời phát huy vai trò độc lập tương đối của hoạt động thanh tra trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công an cần chỉ đạo đơn vị chức năng tham mưu ban hành cơ chế quản lý công tác thanh tra trong CAND, quy định về chế độ thông tin báo cáo, chế độ kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng về công tác thanh tra; tăng cường tính minh bạch, cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân có chức năng, nhiệm vụ liên quan. Thanh tra Bộ Công an cần chủ động nghiên cứu tham mưu Bộ trưởng ban hành các quy trình, quy chế, tiến hành hoạt động thanh tra theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm cơ quan thanh tra, cán bộ tiến hành thanh tra thuộc Công an các cấp; phát huy vai trò độc lập trong việc chủ động ngăn ngừa, phát hiện hành vi vi phạm của cơ quan, đơn vị, cán bộ chiến sĩ.

(3) Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận nghiệp vụ thanh tra hành chính của lực lượng CAND

Cho đến nay, do còn thiếu lý luận khoa học nên việc áp dụng biện pháp thanh tra trong thực tiễn còn thiếu tính thống nhất, phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng thanh tra viên. Để khắc phục tình trạng này, cần tập trung vào những vấn đề cụ thể là: Khuyến khích, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản về hoạt động thanh tra; có chính sách thu hút các nguồn lực trí tuệ, nhất là cán bộ công tác thực tiễn, cán bộ, giáo viên thuộc các trung tâm nghiên cứu lý luận trong ngành, các học viện, nhà trường CAND; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổng kết các chuyên đề thanh tra, các cuộc hội thảo khoa học, từng bước xây dựng hệ thống nghiệp vụ thanh tra CAND; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy trình công tác thanh tra CAND, trên cơ sở đó loại bỏ các yếu tố không còn phù hợp, từng bước xây dựng hệ thống lý luận nghiệp vụ về hoạt động thanh tra của CAND nói chung và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của lực lượng CAND nói riêng./.

Trung tá Phan Văn Bé

PGĐ Công an tỉnh Thái Nguyên

 


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra