Nhiều bất cập trong triển khai thực hiện chế độ thâm niên nghề thanh tra

Thứ năm, 15/07/2010 15:38
(Thanhtravietnam.vn) - Vừa qua, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2009 (sau đây viết tắt là Thông tư 04) hướng dẫn  triển khai thực hiện Nghị định số 76/2009/ND-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định về phụ cấp thâm niên nghề áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/ND-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004), được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.


Theo Thông tư  04 thì đối tượng CBCC ngành Thanh tra được hưởng phụ cấp nghề bao gồm: Tổng thanh tra và Phó Tổng thanh tra, Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra các cơ quan Thanh tra nhà nước, Thanh tra viên các cấp (Thanh tra viên cao cấp, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên). Mức phụ cấp thâm niên được hưởng là là 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) khi CBCC công tác đủ 5 năm; từ năm công tác thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Có thể nói đây là một sự quan tâm, sự động viên khích lệ to lớn của Đảng và Nhà nước đối với các ngành làm công tác hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm  nói chung và đội ngũ những người làm công tác thanh tra nói riêng.
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện không khỏi có những khó khăn, bất cập, xin được trao đổi một số vấn đề như sau:

Thứ nhất: Nhìn chung, số người được hưởng thâm niên nghề trong các cơ quan Thanh tra nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ dưới 50%, (hơn một nửa số CBCC của ngành chưa được hưởng chế độ này).

Như đã nêu ở trên, đối tượng được hưởng thâm niên nghề trong Thanh tra nhà nước các cấp gồm 3 nhóm: (1) Tổng thanh tra và Phó Tổng thanh tra; (2) Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra; (3) Thanh tra viên các cấp (TTV). Các đối tượng nhóm (1) và (2) không nhiều và cũng là đối tượng thuộc nhóm (3) Thanh tra viên các cấp.

Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ tại báo cáo Tổng kết năm 2009 (Biểu phụ lục tổng hợp công tác tổ chức cán bộ năm 2009), các địa phương trong cả nước đến thời điểm 01/12/2009 có 10.702 người, trong đó TTV các cấp 5.079 người (TTVCC 25, TTVC 1.163, TTV 4.047), chiếm tỷ lê 47%. Đơn cử như ở Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cũng là một trong những đơn vị có tỷ lệ TTV trong CBCC khá cao (hiện có 24 TTV trên tổng số 41 CBCC - chiếm tỷ lệ 59%), tuy vậy đến thời điểm hiện nay cũng chỉ có 18/24 TTV được hưởng phụ cấp nghề, chiếm tỷ lệ  44%. 

Qua con số thống kê trên chúng ta có thể thấy rằng việc chỉ quy định hưởng chế độ thâm niên nghề cho CBCC có ngạch bậc TTV trở lên (đủ 60 tháng) là chưa thật hợp lý, dẫu biết rằng đây là sự quan tâm giành cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ thanh tra. Thế nhưng trong một cơ quan thanh tra thì có rất nhiều bộ phận thực hiện các nhiệm vụ khác nhau nhằm phục vụ chung cho nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị, trong đó có những bộ phận làm công tác phục vụ (văn thư, lái xe…) hoặc những người chưa đủ điều kiện để bổ nhiệm TTV, đặc biệt là những người đã công tác lâu năm trong ngành (cũng làm nhiệm vụ như TTV) nhưng do điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ đến nay không đủ điều kiện để bổ nhiệm TTV là rất thiệt thòi, dễ dẫn đến mặc cảm trong công việc.

Thứ hai: Do việc bổ nhiệm thanh tra viên chỉ thực hiện từ năm 1992 sau khi Pháp lệnh Thanh tra được ban hành (Theo Công văn số 503-CV-TTCB TTR ngày 27 tháng 11 năm 1991 của Thanh tra Nhà nước - nay là Thanh tra Chính phủ, về việc bổ nhiệm Thanh tra viên), trong khi ở địa phương, số đối tượng về công tác ở ngành thanh tra trước năm 1992 khá nhiều (thường chiếm khoảng 30-35%). Nên ước tính có khoảng 1/3 số đối tượng chỉ được hưởng chế độ với 2/3 thời gian công tác.

Ví dụ như ở Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, trong số 18 TTV được hưởng phụ cấp nghề, thì có 7 TTV có thời gian công tác trong ngành trước năm 1992. Theo quy định cũng chỉ được hưởng thâm niên nghề từ năm 1992 trở lại đây. Do đó, rất thiệt thòi cho các đối tượng thuộc dạng này.

Ví dụ một người có quá trình công tác như sau: Đi Bộ đội năm 1970, chuyển ngành đi học Đại học từ năm 1977 - 1982, về công tác ở Thanh tra tỉnh từ 1983 đến nay. Hiện nay chỉ được tính hưởng thâm niên nghề với 2 khoảng thời gian: Thời gian trong quân đội và đi học Đại học (từ 1970-1982); thời gian sau khi bổ nhiệm thanh tra viên (từ 1992 đến nay). Khoảng thời gian công tác trong ngành thanh tra 10 năm (từ 1982-1992) không được hưởng phụ cấp nghề (nếu không giữ chức vụ là Chánh, Phó Chánh Thanh tra các cấp).

Cũng trong quy định về đối tượng được hưởng thâm niên nghề thì những người chưa bổ nhiệm TTV nhưng quá trình công tác đã giữ các chức vụ như: Vụ trưởng, Vụ phó, Cục trưởng, Cục phó, Trưởng phó các phòng của Thanh tra Chính phủ, Trưởng phó phòng Thanh tra cấp tỉnh… (tương đương chức vụ Chánh, Phó Chánh Thanh tra cấp tỉnh, Chánh, Phó Chánh Thanh tra cấp huyện) nhưng lại không được xem xét thời gian để tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Thứ ba: Bên cạnh đó, còn có sự không công bằng đó là những cơ quan (trong số các cơ quan được hưởng hoặc vận dụng hưởng chế độ thâm niên) không có quy định chuyển ngạch, hoặc bổ nhiệm một cách bài bản, chính quy như ngành thanh tra, thì họ mặc nhiên được hưởng thâm niên từ khi vào ngành sau khi hết tập sự.

Ví dụ: Có 02 người cùng học đại học Luật ra trường năm 2003. Trong đó, một người về công tác tại Toà án tỉnh (với chức danh thư ký), theo Thông tư 04 thì người này sau khi hết hạn tập sự 01 năm (năm 2004) thì đến năm 2009 đã đủ 5 năm (60 tháng) và được tính hưởng tham niên nghề. Trong lúc đó người còn lại về công tác tại Thanh tra tỉnh, sau khi đã học qua đầy đủ các chứng chỉ đủ điều kiện để bổ nhiệm TTV (Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và Nghiệp vụ cơ bản Thanh tra) thì sau 3 năm (01 năm tập sự + 02 năm theo quy định) mới đủ điều kiện để bổ nhiệm TTV mới được tính hưởng thâm niên nghề (nhanh nhất đến năm 2006 mới được bổ nhiệm TTV và đến năm 2011 mới được tính thâm niên nghề).

Từ sự bất cập trên, mong Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét để có quy định, hướng dẫn phù hợp theo hướng mở rộng diện đối tượng hưởng thâm niên nghề cho CBCC trong ngành Thanh tra và tính thâm niên cho những người công tác trong ngành kể từ thời điểm vào ngành (hoặc sau khi hết tập sự với đối tượng là sinh viên mới ra trường) để tránh sự thiệt thòi cho lực lượng làm công tác thanh tra, tạo thêm động lực, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của ngành./.

Thái Sinh
Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh


                
 

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra