Báo cáo của UBND Thành phố cho thấy, năm 2021, toàn Thành phố đã tổ chức tiếp 23.048 lượt/29.717 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gồm: tiếp thường xuyên 18.673 lượt/25.068 người, thủ trưởng tiếp 4.375 lượt/4.649 người (trực tiếp tiếp 3.453 lượt/3.692 người, ủy quyền tiếp 922 lượt/957 người), nội dung chủ yếu khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. So với năm 2020, giảm 16.420 lượt, chiếm tỷ lệ 71% (năm 2020, tiếp 39.468 lượt). Trong đó, lãnh đạo UBND Thành phố tiếp 03 buổi/03 vụ việc; Ban Tiếp công dân Thành phố tiếp thường xuyên 1.388 lượt/6.816 người; cấp sở, ngành tiếp 3.229 lượt/3.328 người; cấp quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp 8.967 lượt/9.822 người; cấp xã, phường, thị trấn tiếp 9.461 lượt/9.748 người. Riêng đoàn đông người là 160 đoàn/6.241 người.
Tổng số đơn nhận được qua tiếp công dân là 7.525 đơn (613 đơn khiếu nại, 143 đơn tố cáo, 6.769 đơn phản ánh, kiến nghị); trong đó, đơn thuộc thẩm quyền là 5.978 đơn, đơn không thuộc thẩm quyền: 1.547 đơn. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, trong kỳ, tổng số đơn khiếu nại đã giải quyết đạt tỷ lệ 60%. Qua giải quyết khiếu nại, đã kiến nghị trả lại cho cá nhân, tổ chức số tiền 111 triệu đồng và 27 m2 đất. Đối với đơn tố cáo, trong kỳ, đã giải quyết đạt tỷ lệ 56%. Qua giải quyết tố cáo đã kiến nghị trả lại cho cá nhân, tổ chức số tiền khoảng 51 triệu đồng.
Ngoài ra, thông qua việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực, trong năm 2021 đã trả lại quyền lợi cho công dân số tiền 7.041.649.389 đồng, đạt tỷ lệ 100%.
Nhìn chung trong năm 2021, công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực, các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mới phát sinh được tiếp nhận, xử lý và xem xét, giải quyết kịp thời; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được tập trung kiểm tra rà soát, đối thoại để giải quyết dứt điểm; qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, theo dự báo của UBND Thành phố, trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn phát sinh các đoàn đông người khiếu nại, vượt cấp; số lượng đoàn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến trụ sở tiếp dân các cấp có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng đánh giá, một số thủ trưởng sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện chưa có sự tập trung trong chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; số ngày tiếp công dân chưa bảo đảm theo quy định; một số sở, ngành, quận, huyện chưa thực hiện kịp thời các ý kiến kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; tỷ lệ hồ sơ giải quyết vi phạm thời hạn luật định chưa được khắc phục hiệu quả. Công tác phối hợp giữa một số sở, ngành và UBND các cấp chưa chặt chẽ, đơn vị có liên quan chậm phúc đáp theo yêu cầu của đơn vị thụ lý nên việc tổng hợp báo cáo đến UBND Thành phố chưa kịp thời, dẫn đến nhiều việc tồn đọng, kéo dài gây bức xúc cho công dân.
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, góp phần đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), tại Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 20/12/2021, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cần nghiêm túc thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 28/5/2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân, Thông tư số 05/2021/TT-CP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.
Hai là, phải xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tất cả các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải được xem xét, giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật từ cấp cơ sở; xác định kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, của các cấp, các ngành và địa phương.
Ba là, thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trường hợp phát sinh khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp, người đứng đầu phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công dân, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để lôi kéo, kích động người dân vi phạm pháp luật, tụ tập đông người thì chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý theo quy định pháp luật.
Bốn là, địa phương nào có công dân khiếu nại đông người tụ tập tại khu vực trung tâm Thành phố, khu vực trụ sở Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực trụ sở các cơ quan Trung ương thì chủ tịch UBND địa phương đó có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan, Ban Tiếp công dân Trung ương, Ban Tiếp công dân Thành phố đưa công dân về địa phương và tập trung xem xét giải quyết, không để công dân khiếu kiện dài ngày ở Thành phố, ở Trung ương, nhất là trong các ngày lễ, tết, thời gian diễn ra các kỳ họp và các sự kiện chính trị quan trọng của Thành phố, của đất nước.
Năm là, chủ động rà soát, tổ chức thực hiện hiệu quả các kết luận tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật thuộc thẩm quyền và những vụ việc Chủ tịch UBND Thành phố đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khắc phục và hạn chế tối đa các quyết định giải quyết khiếu nại bị điều chỉnh hoặc hủy bỏ; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và kế hoạch của UBND Thành phố; rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mới phát sinh, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến đất đai, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, chính sách xã hội..., không để khiếu nại vượt cấp, không để phát sinh thành “điểm nóng”.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc chấp hành các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các đơn vị trực thuộc. Thường xuyên kiểm tra việc thi hành công vụ của đội ngũ công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, chất lượng phục vụ Nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp.
Bảy là, bố trí cán bộ tiếp công dân có phẩm chất chính trị, kỹ năng chuyên môn; có tinh thần trách nhiệm trong công việc, am hiểu thực tế, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng; phải giữ được sự bình tĩnh, kiên nhẫn trong việc giải quyết công việc cho người dân. Đồng thời, quan tâm thực hiện chế độ bồi dưỡng, trang phục cho cán bộ tiếp công dân theo quy định. Đối với những cán bộ, công chức làm tốt công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo có quá trình cống hiến cần quan tâm xem xét trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chuyên mục về công tác tiếp công dân trong chương trình phát sóng của đơn vị. Phối hợp cùng các cơ quan thông tin đại chúng thông qua tuyên truyền nêu gương điển hình người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật; phê phán thái độ thiếu trách nhiệm, quan liêu, cửa quyền của cán bộ, công chức gây phiền hà đối với công dân trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và phê phán hành vi khiếu nại, tố cáo trái pháp luật.
Với sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tin rằng trong thời gian tới, các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh sẽ được tiếp nhận, xử lý và xem xét, giải quyết kịp thời; qua đó TP sẽ giảm được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo trên địa bàn; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội./.