Theo báo cáo của Thanh tra Thành phố Cần Thơ, trong 02 năm, toàn Thành phố đã triển khai 658 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành, số cuộc thanh tra, kiểm tra trùng lắp là 18/658 cuộc thanh tra, kiểm tra (chiếm 2,7%). Các cuộc thanh tra, kiểm tra được thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng, có hiệu quả. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm về kinh tế là 118,86 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 97,69 tỷ đồng (đã thu hồi 74,64 tỷ đồng); kiến nghị xử lý khác 1,13 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 66 tập thể, 124 cá nhân; ban hành 3.457 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 17,23 tỷ đồng, đã thu nộp ngân sách Nhà nước 16,47 tỷ đồng và có kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo điều hành và trong việc ban hành chính sách pháp luật; đồng thời, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tạo lập được hành lang pháp lý và cơ chế minh bạch, rõ ràng.
Công tác phối hợp xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa Kiểm toán Nhà nước khu vực V và Thanh tra thành phố Cần Thơ trong thời gian qua thực hiện tốt, tình trạng chồng chéo, trùng lắp cơ bản đã khắc phục.
Đạt được kết quả nêu trên là nhờ Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc và triển khai rộng rãi nội dung Chỉ thị đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn Thành phố, nhằm tạo môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng, Chủ tịch UBND quận, huyện đã tổ chức tiếp các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh (02 ngày/tháng). Đến nay, qua 02 năm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg không có phản ánh nào về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Quá trình tổ chức thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thì báo cáo với Thủ trưởng cơ quan và Thanh tra thành phố Cần Thơ để điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, giám sát chặt chẽ hoạt động của các đoàn thanh tra, hạn chế thanh tra độc lập đối với doanh nghiệp. Khi cần thiết yêu cầu báo cáo hoặc làm việc với doanh nghiệp thì thực hiện công khai, minh bạch, nội dung cụ thể, rõ ràng, trọng tâm, hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg cũng gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể: Việc triển khai, quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ở một số cơ quan, đơn vị các cấp chưa thường xuyên, sự phối hợp và nắm thông tin còn hạn chế, từ đó làm ảnh hưởng đến công tác phối hợp trong thanh, kiểm tra.
Mặc dù, các cơ quan, đơn vị đã rà soát xử lý chồng chéo trong công tác xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch thanh tra, chú trọng phối hợp trao đổi với Kiểm toán Nhà nước khu vực V về kế hoạch thanh tra và kiểm toán để tránh trùng lắp gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng việc trùng lắp vẫn còn xảy ra một số đơn vị, mặc dù chiếm tỷ lệ không cao (chiếm 2,7%).
Sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo trong hoạt động quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra khiến các doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều lần trong một năm. Theo nội dung của Chỉ thị số 20/CT-TTg, khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra vẫn còn có mặt hạn chế, đặc biệt là trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, dẫn đến việc các doanh nghiệp vẫn bị thanh, kiểm tra hơn 01 lần/năm. Còn phổ biến tình trạng doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra thuộc nhiều lĩnh vực trong cùng một năm (như: về môi trường, về đất đai, về thuế, an toàn vệ sinh thực phẩm...)
Một số trường hợp đối tượng thanh tra trực tiếp theo quyết định thanh tra không phải là doanh nghiệp, tuy nhiên có trường hợp doanh nghiệp tham gia hoạt động nhiều lĩnh vực hoặc tham gia vào nhiều dự án, nhiều gói thầu (với đối tượng thanh tra) thì sẽ xảy ra việc doanh nghiệp đó phải làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra (thuộc nhiều lĩnh vực) trong một năm. Nguyên nhân: do doanh nghiệp tham gia vào nhiều lĩnh vực từ đó phải chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực, với sự quản lý của nhiều cơ quan nên khó tránh trường hợp phải làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong năm.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp hiện còn tồn tại một số vấn đề như: Thời gian thanh tra, kiểm tra còn kéo dài; chậm ban hành kết luận thanh tra; chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm; kiến nghị xử lý chưa cụ thể; trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp còn phức tạp... Đặc biệt là hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp (quy trình kiểm tra, thủ tục kiểm tra, đối tượng kiểm tra…) dẫn đến tình trạng một doanh nghiệp là đối tượng của nhiều cơ quan khác nhau mà chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.
Chưa có quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, thành phố, Thanh tra quận, huyện trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, dẫn đến còn gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ.
Từ những kết quả đã đạt được và những khó khăn còn tồn tại, Thanh tra Thành phố Cần Thơ cũng đưa ra những giải pháp thực hiện và kiến nghị cụ thể như:
Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 796/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra.
Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp đầu kiểm tra. Chỉ đạo Thanh tra trực thuộc quản lý chủ động phối hợp khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp.
Ba là, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở hoạt động thanh tra, kiểm tra đảm bảo mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm nhưng không quá một lần/năm, không trùng lắp, chồng chéo và phải công khai trước cho doanh nghiệp biết (trừ trường hợp đặc biệt phát hiện doanh nghiệp vi phạm phải thực hiện theo quy định pháp luật); đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật.
Bốn là, quá trình tổ chức thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thì phải báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh cho phù hợp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, giám sát chặt chẽ hoạt động của các đoàn thanh tra, hạn chế thanh tra độc lập đối với doanh nghiệp. Khi cần thiết yêu cầu báo cáo hoặc làm việc với doanh nghiệp thì thực hiện công khai, minh bạch, nội dung cụ thể, rõ ràng, trọng tâm, hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp.
Năm là, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng:
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg.
Đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát trong thực thi công vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo quy định; đồng thời, lựa chọn, bố trí những người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra...
Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, không sát sao, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay, nghiêm khắc người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền có hành vi sai trái.
Sáu là, nâng cao nghiệp vụ và đạo đức công vụ của công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng hoạt động thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Bảy là, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đổi mới công nghệ quản lý. Tự rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần.
Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, người dân theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để giải quyết thực chất, dứt điểm, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật (nếu có); công khai thời gian, địa điểm tiếp công dân của Lãnh đạo Sở, ngành và UBND quận, huyện và các đơn vị có liên quan trên trang thông tin điện tử và trụ sở làm việc của cơ quan.
Ngoài các giải pháp nêu trên, Thanh tra Cần Thơ cũng kiến nghị cấp thẩm quyền cần có giải pháp thu gọn đầu mối các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.
Nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh chính sách, pháp luật về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp (về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc kiểm tra, đặc biệt là về hoạt động kiểm tra chuyên ngành), sửa đổi Nghị định số 49/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2019 của Chính phủ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu, theo đó cần quy định rõ về thẩm quyền, nội dung, phạm vi thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Đình Thuyết