Những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra tỉnh, thanh tra huyện trong PCTN và một số giải pháp

Thứ tư, 23/10/2024 07:45
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi công vụ, cần có những biện pháp phù hợp, kịp thời để hoàn thiện chính sách, pháp luật và cải thiện quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện có địa vị pháp lý quan trong trong quản lý nhà nước ở địa phương, được pháp luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. 

Địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện đã được quy định rõ từ Pháp lệnh Thanh tra 1990, tiếp tục được kế thừa và phát triển trong Luật Thanh tra 2004, Luật Thanh tra 2010 và nay là Luật Thanh tra 2022 (Điều 22 và Điều 30). Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (PCTN), Thanh tra tỉnh, thanh tra huyện có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể được quy định tại Điều 23 và ĐIều 31 Luật Thanh tra 2022.

Với cơ sở pháp lý đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng được thể hiện trên hai phương diện: Thứ nhất, tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thi hành pháp luật và phòng, chống tham nhũng. Thứ hai, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trực tiếp thực hiện một số biện pháp phòng, chống tham nhũng cụ thể ở địa phương thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Riêng đối với Thanh tra tỉnh, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định Thanh tra tỉnh là cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập.

leftcenterrightdel
ThS Nguyễn Phương Vy, Phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT . Ảnh: TH 

Từ thực trạng pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra tỉnh, thanh tra huyện trong PCTN, thông qua một số Bộ Chỉ số đánh giá hiện nay, có thể rút ra một số kết luận như sau:

Thứ nhất, về phương diện thể chế, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được hệ thống quy định pháp luật tương đối toàn diện, cung cấp cơ sở pháp lý khá đầy đủ cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra tỉnh và thanh tra huyện trong PCTN. Hệ thống này bao gồm nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật tiếp cận và điều chỉnh ở các cấp độ khác nhau: Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản có liên quan đã xác định vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp. Trong đó, UBND - được tổ chức ở từng đơn vị hành chính theo Hiến pháp 2013, được xác định là cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương và được cơ cấu gồm các cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực tại địa phương.

Luật PCTN 2018 đã xác định vai trò chỉ đạo, lãnh đạo và thực hiện quản lý nhà nước về công tác PCTN thuộc về UBND các cấp, qua đó thể hiện sự kế thừa và thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Luật Thanh tra 2022 và các văn bản có liên quan đã quy định các cơ quan thanh tra được tổ chức theo cấp hành chính, bao gồm thanh tra tỉnh, thanh tra huyện (hiện nay chưa tổ chức cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt), đồng thời quy định rõ chức năng của hai cơ quan thanh tra này là giúp UBND cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác PCTN.

Ngoài phạm vi thẩm quyền, pháp luật hiện nay đã xác định các nội dung cơ bản mà thanh tra tỉnh, thanh tra huyện cần tham mưu, giúp việc cho UBND cùng cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về PCTN, bao gồm: i) ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về PCTN; ii) tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; iii) chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN trên địa bàn; iv) tổ chức công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về PCTN; v) thực hiện chế độ báo cáo với Hội đồng nhân dân – cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương về kết quả thực hiện công tác PCTN. Cần nhận thức rằng, việc pháp luật quy định rõ nội dung quản lý nhà nước về PCTN mà UBND các cấp chịu trách nhiệm thực hiện chính là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc của thanh tra tỉnh, thanh tra huyện đối với công tác PCTN.

Cũng liên quan đến nội dung, Luật PCTN đã quy định khá chi tiết, rành mạch các bước cần tiến hành trong PCTN bao gồm: i) phòng ngừa; ii) phát hiện; iii) xử lý. Ở mỗi bước này, Luật PCTN không đề cập nhiều đến vai trò và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nói chung, mà chỉ dừng lại ở việc nhấn mạnh vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Luật cũng đã quy định trực tiếp trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong một số khía cạnh như: góp phần phát hiện tham nhũng thông qua thực hiện hoạt động thanh tra; hoặc tham gia với tư cách Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập đối với phần lớn các đối tượng thuộc thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương kèm theo các quy định cụ thể và trách nhiệm tổ chức thực hiện (đối với thanh tra tỉnh).

Về tổng quan, có thể kết luận, khung khổ pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra tỉnh, thanh tra huyện trong lĩnh vực PCTN đã khá đầy đủ, tương tự như các lĩnh vực công tác khác của các cơ quan thanh tra này như: thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Tuy nhiên, đi sâu vào các quy định cụ thể, pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập ở các phương diện như: thẩm quyền thanh tra; quyền ra quyết định thanh tra đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý trách nhiệm đối với các vi phạm về chế độ báo cáo công tác PCTN; các bất cập trong quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập…phần nào đã hạn chế năng lực và hiệu quả thực hiện công việc nhiệm vụ của thanh tra tỉnh, thanh tra huyện trong thực tiến. Những bất cập này sẽ được phân tích cụ thể kèm theo giải pháp khắc phục tại mục 3.2.

Thứ hai, về công tác tổ chức thực hiện, trên cơ sở các quy định pháp luật đã được ban hành khá đầy đủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện đã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong PCTN cũng như trong các lĩnh vực công tác khác của ngành thanh tra. Các nhiệm vụ được tiến hành đều đặn hàng năm và thể hiện rõ nét trong các báo cáo công tác PCTN của UBND các tỉnh và UBND các huyện, ngoài ra cũng được thể hiện trong báo cáo tổng kết công tác năm của các đơn vị thanh tra. Các báo cáo, nhìn chung, chỉ ra rằng thanh tra tỉnh, thanh tra huyện đã thể hiện vai trò tích cực trong công tác PCTN qua việc: i) tham mưu, giúp việc UBND trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo công tác PCTN trên toàn tỉnh, thành phố (bao gồm cả các sở ngành và cấp huyện); ii) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN; iii) tham gia vào quá trình thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; iv) phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra; v) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.

Liên quan đến công tác tổ chức thực hiện, qua nghiên cứu cho thấy còn một số hạn chế, bất cập như: hoạt động của cơ quan thanh tra, đặc biệt là thanh tra huyện, không có vai trò đáng kể đối với công tác PCTN; số lượng các vụ việc tham nhũng phát hiện qua công tác thanh tra là không nhiều; quá trình thực hiện quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập ở địa phương do thanh tra tỉnh thực hiện - với tư cách là Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập ở nhiều nơi còn thiếu quyết liệt, mang tính hình thức…

Thứ 3, về thẩm quyền thanh tra, đối với thanh tra tỉnh, điểm a Khoản 8 Điều 2 Thông tư số 02/2023/TT-TTCP quy định trong PCTN,TC, thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN,TC của UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh. Trong quy định này, khái niệm “cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh” hiện chưa minh định rõ ràng, chi tiết tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức mà thanh tra tỉnh có thể tiến hành thanh tra. Một trong những tổ chức đang bỏ ngỏ việc có thể trở thành đối tượng của một cuộc thanh tra hay không là doanh nghiệp nhà nước. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh doanh nghiệp nhà nước hiện nay, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/01/2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, tại khoản 2 Điều 4 quy định UBND cấp tỉnh là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với một số đối tượng cụ thể như: i) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và không thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định của pháp luật; ii) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trong thời gian chưa chuyển giao. Như vây, nếu căn cứ theo điểm a Khoản 8 Điều 2 Thông tư số 02/2023/TT-TTCP thì 02 đối tượng là doanh nghiệp nhà nước trên đây có thể trở thành đối tượng của một cuộc thanh tra, với nội dung về việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN,TC hay không?

Đối với vấn đề này, pháp luật cần sửa đổi theo hướng xác định rõ hơn phạm vi khái niệm “cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh” bao gồm chính xác các đối tượng nào, đồng thời cũng cần quy định rõ các doanh nghiệp nhà nước mà UBND cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu cũng là đối tượng thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra của thanh tra tỉnh đối với nội dung thanh tra là việc thực hiện quy định pháp luật về PCTN,TC.

Cũng liên quan đến thẩm quyền thanh tra, đối với thanh tra huyện, quy định hiện nay có những điểm còn đang chồng chéo, mâu thuẫn. Cụ thể, Luật Thanh tra 2022, tại điểm b Khoản 1 Điều 31, quy định trong lĩnh vực thanh tra, thanh tra huyện có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và của UBND cấp xã. Quy định này tiếp tục được kế thừa tại Thông tư số 02/2023/TT-TTCP tại điểm b khoản 6 Điều 5. Căn cứ theo quy định tại 02 văn bản trên thì có thể suy luận rằng thanh tra huyện có thể tiến hành thanh tra trách nhiệm (nói chung) đối với 02 đối tượng là: i) cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện và ii) UBND cấp xã. Quy định như vậy hiện đang chưa đề cập đến một loại đối tượng, về mặt pháp lý, cũng thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, đó là đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định số 120/2020/NĐ-CP thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập ngày 07/10/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 83/2024/NĐ-CP), tại khoản 5 Điều 2, quy định trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam có đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện. Về logic, nếu pháp luật quy định về sự tồn tại của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện thì loại đơn vị này cũng cần phải được xét là đối tượng có thể bị tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ quyền hạn, với chủ thể có thẩm quyền thanh tra là thanh tra huyện.

Tuy nhiên, nếu như Luật Thanh tra 2022 và Thông tư số 02 đang quy định khá thống nhất ở việc không đưa đơn vị sự nghiệp công lập vào đối tượng thanh tra của thanh tra huyện thì Thông tư 07/2024/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 01/07/2024 quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tại Điều 7, lại quy định: “Thanh tra huyện thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị khác thuộc UBND cấp huyện”. Do vậy, cần xem xét sửa đổi các quy định hiện nay theo tinh thần của Điều 7 Thông tư 07/2024, vừa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời bao quát và đầy đủ hơn các nhóm đối tượng có thể bị thanh tra huyện tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về PCTN.

Thứ tư, về chất lượng đội ngũ nhân sự, bộ máy, công tác của ngành thanh tra nói chung là một trong những lĩnh vực mà yếu tố con người đóng vai trò chủ đạo. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số và các giải pháp khoa học - kỹ thuật khác nhìn chung chỉ góp phần hỗ trợ một phần cho hoạt động của các cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra, thanh tra viên. Vì vậy, giải pháp đầu tiên cần đề cập đến ở khâu tổ chức thực hiện là nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự làm việc trong cơ quan thanh tra tỉnh, thanh tra huyện, qua đó góp phần cải thiện hiệu quả công tác trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả PCTN.

Qua tổng hợp các báo cáo đánh giá sơ kết việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành thanh tra giai đoạn 2016 – 2023 và xây dựng kế hoạch, giải pháp trong giai đoạn 2023-2030, tuyệt đại đa số các tỉnh, thành phố trên cả nước đều nhấn mạnh đến yêu cầu bố trí đủ biên chế công chức, được xác định trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế được giao, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài đảm bảo đủ số lượng, cần chú trọng việc giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, không ngừng rèn luyện người cán bộ thanh tra văn hóa, gương mẫu, tận tụy, khách quan, công tâm. Vấn đề này cần đặc biệt lưu tâm đối với thanh tra huyện, bởi theo thực tế ở nhiều địa phương có thời gian một số đơn vị thanh tra huyện chỉ bố trí được 03 người.

Một bất cập khác cũng được phản ánh qua việc tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển ngành thanh tra nằm ở cơ chế điều động luân chuyển cán bộ, công chức thường xuyên diễn ra dẫn tới đội ngũ thanh tra viên có chuyên môn, kinh nghiệm tại các đơn vị chưa cao, gây khó khăn trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ PCTN. Có thể xem đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến công tác PCTN do thanh tra huyện ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, không thực chất. Hiện nay, trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-TTCP ngày 30/09/2021 quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương, theo Thông tư, các vị trí làm công tác thanh tra, công tác PCTN tại chính quyền địa phương phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác từ đủ 03 năm đến 05 năm. Theo phản ánh của nhiều địa phương, quy định về thời hạn chuyển đổi như trên là rất ngắn, không đảm bảo đội ngũ cán bộ thanh tra có kinh nghiệm, đủ cơ cấu ngạch thanh tra viên đáp ứng được yêu cầu công tác. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu bổ sung quy định đặc thù về chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức thanh tra cấp tỉnh và đặc biệt đối với thanh tra cấp huyện, nhằm mục đích củng cố lực lượng thanh tra ở cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nói chung, trong PCTN nói riêng.

Thứ năm, về cơ sở vật chất, kỹ thuật, bên cạnh con người thì cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ là những yếu tố tiếp theo ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra. Do vậy, trong thời gian tới, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại, phù hợp cho các cơ quan thanh tra; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan thanh tra nói chung, trong đó có thanh tra tỉnh, thanh tra huyện, nhằm phục vụ tốt cho công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN. Cụ thể hơn, có thể đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị chuyên dùng, thiết bị phục vụ các Đoàn thanh tra trong việc thu thập chứng cứ như: máy tính xách tay, máy ảnh, máy ghi âm…; trang bị máy Scanner có cấu hình cao, quyết 02 mặt tự động, tốc độ từ 25 trang/phút trở lên để phục vụ vận hành phần mềm tác nghiệp “Hồ sơ công việc”. Ngoài ra, trang bị máy tính để bàn và máy in không kết nối mạng internet cho các cơ quan thanh tra để soạn thảo, in ấn, lưu trữ tài liệu Mật theo quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-BCA ngày 27/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định Danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành thanh tra. Đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ số hóa dữ liệu hồ sơ thanh tra, thông suốt từ thanh tra tỉnh đến thanh tra sở và thanh tra huyện. Ngoài ra, cần phải trang bị các giải pháp kỹ thuật để kết nối và đảm bảo vận hành xuyên suốt hệ thống giao, nhận văn bản điện tử từ Thanh tra Chính phủ tới thanh tra tỉnh, thanh tra huyện, thanh tra sở và các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, các phần mềm liên quan đến công tác PCTN./.

NCS. ThS. Nguyễn Phương Vy
Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra