Với quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, các cấp, các ngành phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quan tâm giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng và kịp thời giải quyết các vụ việc mới phát sinh, không để công dân bức xúc kéo đi khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để kẻ xấu xen vào lợi dụng, kích động gây rối. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh - trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, cũng là thước đo chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành. Những việc làm này đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế địa phương đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong những năm gần đây (10,36%); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của tỉnh Long An đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Tốt với 68,09 điểm, tăng 1 bậc và 1,39 điểm so với năm 2017; Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc mang tính chuyên nghiệp cao, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tâm phục vụ nhân dân.
Để làm được điều đó, ngành thanh tra tỉnh cũng đã tham mưu hiệu quả cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 14/02/2019 thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn toàn tỉnh để góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019 của UBND tỉnh ban hành theo Quyết định 177/QĐ-UBND ngày 14/01/2019 và thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ. Qua thực tiễn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Long An thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, tiếp công dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao vai trò dân vận chính quyền “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đặt mình vào vị trí của người dân".
Về trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu: Người đứng đầu tổ chức Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh vẫn sắp xếp lịch để tiếp dân và đối thoại với công dân định kỳ, trực tiếp chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; nghiêm khắc chấn chỉnh những việc làm hạn chế thiếu sót của cán bộ, cơ quan cấp dưới; hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức phải trực tiếp chỉ đạo làm rõ nội dung, nguyên nhân, xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý và thực tiễn; tổ chức đối thoại công khai với người khiếu kiện để giải quyết sát thực tế sự việc, thấu tình, đạt lý (không được ủy quyền đối thoại cho cấp phó hoặc cấp dưới). Đồng thời, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân và tham mưu xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Nhiều địa phương đã bố trí cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân có trình độ đại học luật, thạc sỹ luật… Bố trí trụ sở, trang bị phương tiện và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tiếp công dân, bảo đảm thuận lợi cho công dân và cán bộ, công chức tiếp công dân. Ban Tiếp công dân các cấp thực hiện nhiệm vụ phân loại, xử lý đơn thư và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải đảm bảo chính xác, đúng thời hạn, đúng quy định pháp luật. Thực hiện tốt vai trò dân vận chính quyền “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo phải đặt mình vào vị trí của người dân”.
Thứ hai, tấp huấn nghiệp vụ và kiểm tra giám sát định kỳ để kịp thời phát hiện chấn chỉnh những thiếu sót hạn chế tại cơ sở.
Hàng năm, Thanh tra tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn cho Thủ trưởng UBND các cấp, cán bộ tiếp công dân cấp huyện, xã các kiến thức pháp luật chuyên ngành về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, kết hợp kinh nghiệm thực tế để trang bị nghiệp vụ tiếp nhận đơn và hướng dẫn công dân thực hiện đúng pháp luật về từng loại đơn. Hiện nay, các địa phương thường có tình trạng công dân chỉ biết làm đơn khiếu nại, tố cáo trong khi sự việc là kiến nghị, đề nghị, yêu cầu… không có quyết định hành chính hay hành vi hành chính bị khiếu nại và khi cán bộ tiếp dân nhận đơn không lưu ý đến nội dung đơn mà chỉ xem tiêu đề, sau đó tham mưu chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, vì vậy, dễ dẫn đến giải quyết đơn sai quy định pháp luật.
Tổ rà soát tỉnh do UBND tỉnh thành lập (giao Thanh tra tỉnh chủ trì) mỗi năm 02 lần thực hiện kiểm tra giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở ngành. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh và rút kinh nghiệm những hạn chế thiếu sót của cơ sở, hỗ trợ địa phương giải quyết kịp thời những tình huống phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở. Hiệu quả của công tác tập huấn và kiểm tra giám sát thường xuyên trong những năm qua đã góp phần ổn định an ninh trật tự, tạo lòng tin của nhân dân với chính quyền, nâng cao chức trách nhiệm vụ của cán bộ công chức và không xảy ra điểm nóng khiếu kiện đông người tại địa phương.
Thứ ba, triển khai và nhân rộng mô hình “Thực hiện công tác dân vận trong giải quyết khiếu nại tố cáo” trên phạm vi toàn tỉnh.
Mô hình “Thực hiện công tác dân vận trong giải quyết khiếu nại, tố cáo” được triển khai cách đây 05 năm, ban đầu chỉ triển khai tại Thanh tra tỉnh, sau đó nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình tập trung ở các nội dung: Vận động, giải thích công dân chấp hành đúng pháp luật nếu vụ việc đã được giải quyết đúng quy định; Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; Đối với những vụ việc do hạn chế, thiếu sót, chưa giải quyết hết trách nhiệm từ cơ sở thì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cấp cơ sở khắc phục ngay cho công dân và vận động công dân rút đơn; Đối với những vụ việc khiếu nại đông người có nguy cơ thành điểm nóng thì UBND các cấp phối hợp các Sở ban ngành, Mặt trận, Hội nông dân và các đoàn thể tổ chức đối thoại với công dân ngay tại địa phương, qua đó giải quyết kịp thời những bức xúc của công dân và vận động giải thích công dân chấp hành đúng pháp luật, theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của công dân.
Từ khi triển khai thực hiện mô hình đến nay, số lượng đơn xin rút của công dân ngày càng tăng, đã góp phần tiết kiệm được chi phí và thời gian cho nhà nước, vừa đảm bảo lòng tin trong nhân dân (Năm 2017: Rút đơn 45 trường hợp; Năm 2018: Rút đơn 123 trường hợp; Quý I năm 2019: Rút đơn 9 trường hợp).
Thứ tư, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa tiêu chí thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào tiêu chí thi đua của cơ quan, đơn vị, đánh giá năng lực, kết quả công tác, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương. Giao Thanh tra tỉnh kiểm tra, giám sát nếu phát hiện người đứng đầu cơ quan, địa phương nào không đối thoại với dân hoặc không tuân thủ pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo thì tham mưu ngay cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xử lý.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm ban hành văn bản xử lý, quyết định xử lý khiếu nại, tố cáo bảo đảm chính xác, khách quan, kịp thời, đúng thời hạn, đúng pháp luật, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp hoặc phát sinh khiếu kiện tại tòa án, đồng thời phải chỉ đạo thi hành nghiêm quyết định xử lý. Nhiều trường hợp Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở, ngành bị kiểm điểm trách nhiệm nếu ban hành một quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận giải quyết tố cáo bị thu hồi.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để cố ý vi phạm pháp luật. Kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể tham gia giải quyết, kết hợp việc làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo với việc vận động, thuyết phục công dân chấp hành đúng các quy định pháp luật không để phát sinh tình hình phức tạp.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; thường xuyên rà soát và tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Khi có công dân khiếu kiện ra Trụ sở tiếp dân Trung ương thì có trách nhiệm vận động công dân trở về địa phương, đồng thời, có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để kéo dài, tái khiếu kiện.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác dự báo tình hình.
Tổ rà soát tỉnh, huyện phối hợp Ban Tiếp công dân tỉnh, huyện chủ động nắm chắc tình hình tại cơ sở, kết quả giải quyết của các sở, ngành, UBND cấp huyện để giải thích cho công dân và tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh sát thực tế và đúng quy định pháp luật, không để xảy ra điểm nóng và khiếu kiện đông người phức tạp.
UBND cấp huyện phải thường xuyên nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo dự báo sẽ xảy ra trên địa bàn khi có những dự án triển khai để báo cáo kịp thời cho Tổ rà soát tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chủ động có giải pháp giải quyết, không để xảy ra điểm nóng và khiếu kiện đông người phức tạp.
Thứ sáu, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước.
Chú trọng thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo như: Quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tài chính…
Có thể khẳng định, với những giải pháp đồng bộ như trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành tỉnh Long An quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm tiến tới phát triển kinh tế xã hội bền vững trên cơ sở an dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
Đỗ Hữu Thùy Dương
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Long An