Bắc Kạn:

Những vấn đề đặt ra qua thanh tra thực hiện chính sách ưu đãi với người có công

Thứ hai, 10/02/2020 07:35
(ThanhtraVietNam) - Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Hơn 70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân ngày càng tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã góp phần từng bước nâng cao hơn đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng.

Bắc Kạn là một tỉnh ở miền núi phía Bắc, mới được tái thành lập từ tháng 1 năm 1997, có diện tích đất tự nhiên là 4.868 km2, với địa hình đa dạng, phức tạp, chủ yếu là đồi và núi cao, dân số trên 317.000 người, với nhiều dân tộc anh em sinh sống. Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn có truyền thống yêu nước nồng nàn, một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bắc Kạn là căn cứ quan trọng của Chiến khu Việt Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước, nhân dân các dân tộc của tỉnh Bắc Kạn đã không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tính đến cuối năm 2018, Bắc Kạn có trên 23 ngàn người có công với cách mạng (chiếm 7,4 dân số cả tỉnh) đang được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Mặc dù là một tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn nhưng cấp uỷ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn rất quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành 7 cuộc thanh tra, tập trung vào việc kê khai, xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, nhất là chế độ thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học… Qua thanh tra, đã phát hiện một số sơ hở trong công tác quản lý nhà nước và những vi phạm trong việc kê khai, xác nhận, thẩm định, giám định, chi trả, thực hiện chế độ nghỉ dưỡng, điều dưỡng, quản lý kinh phí… Từ đó, đã có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, kiến nghị giải quyết đúng chế độ cho những người đủ điều kiện nhưng chưa được hưởng chính sách, kiến nghị thu hồi kinh phí của những người đã hưởng sai, kiểm điểm, xử lý những cán bộ, công chức có vi phạm… Qua đó, công tác thanh tra đã thực sự góp phần thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Tuy nhiên, qua thanh tra, công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Cụ thể:

Một là, trong tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn không ít vi phạm, sai sót, nhưng việc triển khai thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý. Với số lượng trên 23.000 người đang được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, vẫn còn không ít trường hợp hưởng không đúng chế độ do việc kê khai, xác nhận, giám định, thẩm định, xét duyệt, chi trả có sai sót. Ví dụ: Thanh tra 95 hồ sơ thương binh, phát hiện có 23 hồ sơ (24%) có dấu hiệu vi phạm cần xác minh làm rõ (giấy tờ gốc bị tẩy xóa, nghi vấn sử dụng dấu giả, xác nhận theo giấy tờ gốc nhưng thực tế không có giấy tờ gốc…); thanh tra 530 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học phát hiện có 06 hồ sơ hưởng chế độ không đúng quy định, 156 trường hợp hồ sơ có sai sót trong thành phần hồ sơ (30%); qua thanh tra cũng phát hiện có 188 trường hợp được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh giai đoạn  2009 - 2012 cộng thêm tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học không đúng quy định… Trong khi đó, vẫn còn một số trường hợp kê khai đề nghị hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng nhưng chưa được giải quyết, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, kiến nghị tại Sở Lao động, Thương binh và xã hội của tỉnh Bắc Kạn. Khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực này chiếm đến 76% tổng số khiếu nại, tố cáo của các lĩnh vực do Sở Lao động, Thương binh xã hội tỉnh Bắc Kạn quản lý.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa 

Mặc dù thực trạng nêu trên vẫn đang tiếp diễn, nhưng trong 5 năm qua Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cũng mới tiến hành được 7 cuộc thanh tra về lĩnh vực này (trong đó có 2 cuộc phục vụ cho giải quyết khiếu nại, tố cáo).  Thanh tra tỉnh, Thanh tra cấp huyện ở Bắc Kạn cũng ít tiến hành thanh tra nội dung này. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng cán bộ thanh tra còn mỏng, lĩnh vực thanh tra rộng, một số cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa thật sự chú trọng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra.

Hai là, pháp luật quy định về thời hạn thanh tra chưa hợp lý, rất khó thực hiện trong thực tế. Thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng có đặc thù riêng: Hồ sơ nhiều, việc xác minh khó khăn do sự việc đã xảy ra từ lâu, bản thân người kê khai để hưởng chính sách già, yếu, không nhớ hết sự việc; nhiều cơ quan xác nhận, chứng nhận đã giải thể hoặc không lưu giữ đầy đủ hồ sơ; thời gian giám định thường kéo dài… Trong khi đó, pháp luật về thanh tra quy định thời hạn cho một cuộc thanh tra do thanh tra sở tiến hành chỉ có 30 ngày, nếu kéo dài cũng không quá 45 ngày, không được trừ thời gian trong trường hợp phải xác minh nhiều nơi, trường hợp phải trưng cầu giám định, trường hợp quy mô của cuộc thanh tra rộng…

Ba là, lực lượng cán bộ, công chức thanh tra và cộng tác viên thanh tra vừa hạn chế về số lượng, vừa hạn chế về nghiệp vụ thanh tra và kiến thức, kinh nghiệm về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là lĩnh vực đặc thù, rộng về địa bàn, đông về đối tượng, nhưng số lượng cán bộ thanh tra hạn chế (Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hiện nay chỉ có 3 người), lại phải đảm nhiệm thanh tra 12 lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng làm cho lực lượng thanh tra sở luôn thay đổi, dẫn đến nghiệp vụ, kinh nghiệm thanh tra hạn chế; việc sử dụng cộng tác viên thanh tra cũng rất khó khăn, do các đơn vị đều phải tập trung vào hoàn thành nhiệm vụ của mình, nên không cử được người tham gia hoặc cử người không đúng theo yêu cầu của cuộc thanh tra.

Bốn là, việc thực hiện kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra hết sức khó khăn, nhất là việc thu hồi số tiền hưởng sai quy định cho ngân sách nhà nước. Qua 07 cuộc thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 13.701.200.000 đồng, nhưng thực tế đến nay mới chỉ thu hồi được 175.320.000đ, bằng 1,28% tổng số tiền phải thu hồi. Nguyên nhân được xác định do các đối tượng bị thu hồi tiền là những người nghèo, già yếu, bệnh tật, cuộc sống có nhiều khó khăn, thời gian hưởng chính sách sai quy định đã diễn ra trong thời gian dài, nay bị cắt trợ cấp nên rất khó khăn, không có điều kiện nộp trả số tiền đã hưởng sai.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên, cần phải tiến hành một số giải pháp như:

Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách ưu đãi  người có công với cách mạng và thanh tra thực hiện chính sách này.

Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm, đảm bảo khách quan chính xác, công bằng trong thực hiện chính sách của Nhà nước. Không chỉ Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mà Thanh tra tỉnh, Thanh tra cấp huyện cũng cần tích cực triển khai thanh tra lĩnh vực này.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, trong đó có việc quy định thời hạn cho một cuộc thanh tra hợp lý, sát với thực tiễn, cần tính đến giảm trừ thời gian phải xác minh nhiều, thời gian giám định, những cuộc thanh tra đặc thù… (tương tự như quy định của Luật Tố cáo 2018). Hoàn thiện pháp luật về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có những quy định đặc thù trong thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, nhất là việc thu hồi khoản tiền mà các đối tượng đã hưởng sai quy định.

Thứ tư, xây dựng cơ quan thanh tra và đội ngũ cán bộ thanh tra sở, thanh tra huyện có cơ cấu, số lượng hợp lý, theo hướng chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức thanh tra sở theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng cần được tính toán hợp lý để cán bộ, công chức thanh tra có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ./.

Đoàn Quốc Bảo

Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn

Tài liệu tham khảo

1.    Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2007, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012;

2.    Chỉ thị số 02/CT- TTg ngày 25/01/2016 và Chỉ thị 21/CT- TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và chăm sóc người có công với cách mạng;

3.    Các kết luận thanh tra của Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn về thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng từ năm 2014 đến 2018.

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra