Phát hiện, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm ở Quảng Trị

Thứ sáu, 24/03/2023 08:48
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã tham mưu xây dựng và xây dựng theo thẩm quyền kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng (Chỉ thị số 50); Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; các văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII); triển khai chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trong đó đã triển khai chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 50 và nội dung Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí...

Hàng năm, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hoặc lồng ghép các văn bản vào Kế hoạch PCTN để chỉ đạo điều hành theo thẩm quyền. Mặt khác, thường xuyên theo dõi, đôn dốc các đơn vị, địa phương báo cáo công tác triển khai thực hiện và những kết quả đạt được để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền khác khi có yêu cầu.

Trong 10 năm qua (từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2021), qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN của các cơ quan thanh tra, đã phát hiện 18 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Theo đó, đã chuyển 18 vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh việc phát hiện và chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị thanh tra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các cơ quan cùng cấp: Công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận 12 vụ/23 bị can có dấu hiệu tội phạm về quản lý, điều hành trong các lĩnh vực tài chính, tài sản, nhà ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Theo đó, qua quá trình phối hợp, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm cơ quan điều tra các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 12 quyết định khởi tố vụ án và tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã xét xử 12 vụ án liên quan đến tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực đất đai; mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng…

leftcenterrightdel
Thành cổ Quảng Trị - Khu di tích Quốc gia đặc biệt

Từ những khó khăn, vướng mắc…  

Tuy nhiên, cùng với những kết quả nêu trên, công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Một số vụ việc cơ quan điều tra chậm thông báo trả lời về kết quả xử lý. Từ đó, gây khó khăn cho cơ quan chuyển hồ sơ về hướng xử lý, nhất là về thời hiệu xử lý hành chính đối với các vụ việc cơ quan điều tra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Theo quy định của pháp luật, thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Đến khi cơ quan điều tra có quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển trả hồ sơ thì đã quá thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định. Mặt khác, thời kỳ thanh tra thường từ 2-3 năm, tính từ thời điểm tiến hành thanh tra trở về trước, khi cần thiết có thể thanh tra trước thời kỳ đó. Như vậy, nếu qua thanh tra phát hiện hành vi vi phạm của công chức xảy ra trong thời kỳ thanh tra, đến khi người có thẩm quyền xem xét xử lý thì đã quá thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định.

Một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định trong việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, như: Văn bản kiến nghị xem xét khởi tố vụ án hình sự được ký bởi người không có thẩm quyền; hồ sơ kiến nghị khởi tố vụ án hình sự không bảo đảm đủ các nội dung theo quy định; chưa bảo đảm thời hạn ban hành quyết định chuyển hồ sơ vụ việc và văn bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra... 

Nhiều vụ việc do cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ không được khởi tố và việc phát hiện được các hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Theo quy định, qua hoạt động thanh tra, cơ quan thanh tra khi phát hiện dấu hiệu tội phạm có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra; trong khi đó, việc xác định và chứng minh được đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chỉ có cơ quan điều tra mới thực hiện được.

Mặt khác, cơ chế phối họp giữa các cơ quan, đơn vị trong PCTN chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức và chưa duy trì thường xuyên. Hệ thống pháp luật về PCTN chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ, nhất là văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng, dẫn đến cách hiểu, vận dụng khác nhau trong quá trình phát hiện, xem xét, xử lý các vụ việc tham nhũng; cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực vẫn còn bất cập, nhiều sơ hở. Trách nhiệm, quyết tâm của một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ PCTN chưa cao; chưa coi trọng đúng mức tầm quan trọng của công tác PCTN.

Bộ máy cán bộ chuyên trách làm công tác PCTN ở địa phương hiện nay chưa được xác định rõ ràng, chất lượng cán bộ làm công tác PCTN chưa đồng đều về chuyên môn và nghiệp vụ; số lượng chưa được bố trí đủ để đảm đương nhiệm vụ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phối hợp giữa các cơ quan phối hợp trong phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu phạm tội.

Trong khi đó, tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn phát sinh với nhiều diễn biến phức tạp và nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, nhất là trên một số lĩnh vực nhạy cảm, như: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính ngân sách, tài chính tín dụng... Số vụ việc tham nhũng phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua chưa nhiều. 

Việc tự phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị hầu như không có. Một số đơn vị, địa phương báo cáo tình hình xử lý các vụ việc tham nhũng còn vắn tắt, chưa đầy đủ thông tin, ảnh hưởng đến chất lượng tổng hợp, báo cáo; việc cung cấp thông tin không kịp thời, đầy đủ gây khó khăn, trở ngại cho công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo khi có yêu cầu.

Theo Thanh tra tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên là do một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, dễ bị lợi dụng; sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường phần nào đã làm suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức từ đó dẫn đến nảy sinh các việc làm tiêu cực, vi phạm pháp luật. 

Hơn nữa, công tác tự kiểm tra, tự giám sát nội bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc, còn mang tính chất hình thức. Việc quản lý và giám sát kinh tế tài chính ở một số đơn vị, địa phương còn lỏng lẻo, nhất là người đứng đầu đơn vị, đây là điều kiện dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của một số đơn vị, tổ chức chưa đảm bảo, còn mang nặng tính hình thức.

Ngoài ra, công tác phối hợp cung cấp thông tin giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát cùng cấp về phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố có vụ việc thiếu kịp thời, dẫn đến công tác theo dõi, tổng hợp thông tin vẫn còn khó khăn.

… đến giải pháp nâng cao hiệu quả

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Thanh tra tỉnh Quảng Trị đề ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thời gian tới.

Một là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về PCTN, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Hai là, tiếp tục thực hiện công tác công khai, minh bạch trong các hoạt động. Trong đó, tập trung thực hiện công tác công khai, minh bạch trong giao dịch hành chính; sử dụng ngân sách nhà nước; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan; xây dựng, thực hiện định mức tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Ba là, đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên trong việc tự phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, không bao che, dung túng, né tránh.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong việc chỉ đạo công tác PCTN; chủ động tự phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vụ án tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý.

Năm là, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh hoạt động có hiệu quả. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan về công tác PCTN. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng nhằm củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Sáu là, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác thực hiện cung cấp thông tin, phát hiện tham nhũng và xử lý tham nhũng. Nghiên cứu, xây dựng và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội, phù hợp với tình hình chính trị tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Bẩy là, đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện Luật PCTN ở các đơn vị, địa phương còn tồn tại nhiều thiếu sót, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng. Khắc phục, đẩy lùi tình trạng tham nhũng và lãng phí đang diễn ra trong các lĩnh vực quản lý./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra