Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Các cấp uỷ đảng và cấp chính quyền có chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; thường xuyên lắng nghe ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phản ánh với Đảng và Nhà nước những vấn đề mà nhân dân quan tâm, tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật. Thực hiện tốt Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quy chế dân chủ ở mọi cấp để Mặt trận, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị”.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua cũng nêu rõ: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”.
Trên cơ sở đó, ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Cùng với các quy định của Đảng, trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước cũng quy định rõ về vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia công tác xây dựng pháp luật. Điều 9, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Điều 21, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 quy định MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật như sau:
1. Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật.
3. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến; tiếp thu và phản hồi kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có 10 điều quy định về vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác tham gia góp ý, xây dựng pháp luật. Trong đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 4); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (Điều 6); Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những vấn đề được luật giao (Điều 18) và đặc biệt Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với các chủ thể khác như Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (Điều 32).
Thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia xây dựng, góp ý kiến về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, hội viên. Nhiều bản góp ý của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên do phát huy được trí tuệ của đội ngũ tư vấn, cộng tác viên mà có chất lượng cao, được cơ quan soạn thảo tiếp thu để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội, qua đó, góp phần làm cho các văn bản pháp luật được thông qua có tính khả thi hơn.
Trong điều kiện chưa có cơ chế Tòa án xét xử các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trái Hiến pháp, pháp luật, thì hoạt động giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam (theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Luật MTTQ Việt Nam) có vai trò hết sức quan trọng, giúp phát hiện, xử lý những nội dung trái pháp luật của văn bản.
Có thể nói hoạt động tham gia góp ý, xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam từ khâu xây dựng văn bản đến khâu góp ý văn bản, phản biện xã hội dự thảo văn bản đến khi giám sát các văn bản đã và đang thi hành là một chuỗi hoạt động có mối liên hệ khăng khít với nhau, tạo sự đồng bộ trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả của công tác tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên khẳng định tính đúng đắn, thực tế khách quan đồng thời góp phần khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên còn có những hạn chế như: Công tác tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên chưa đồng bộ, thực chất, một số tổ chức thành viên chưa quan tâm đến công tác góp ý xây dựng pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình; Công tác xây dựng pháp luật mới được thực hiện chủ yếu ở cấp Trung ương (trong khối MTTQ Việt Nam chủ yếu chỉ có Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 05 tổ chức chính trị - xã hội và Hội Luật gia Việt Nam); việc tham gia góp ý của MTTQ Việt Nam chỉ tiến hành khi được cơ quan Nhà nước yêu cầu); Hình thức cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến công khai trên cổng thông tin điện tử chưa thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và thiếu cơ chế phản hồi, tiếp thu các ý kiến góp ý; Việc tiếp thu của các cơ quan dự thảo văn bản còn hình thức, chưa có cơ chế phản hồi tiếp thu hay không tiếp thu, và lý do…
Để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các thành viên trong tham gia xây dựng pháp luật, theo tác giả, cần quan tâm làm tốt những vấn đề sau:
Một là, cần nâng cao nhận thức về công tác tham gia góp ý, xây dựng pháp luật, phản biện xã hội, giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, coi đây là một công việc trọng tâm trong góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Hai là, làm tốt vai trò đầu mối của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong công tác tham gia xây dựng pháp luật. MTTQ Việt Nam có trách nhiệm điều phối, hiệp thương với những tổ chức thành viên, nội dung nào phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thành viên nào thì giao cho thành viên đó góp ý, xây dựng. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên, đồng thời đảm bảo gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra văn bản với soạn thảo, phản biện xã hội, theo dõi thi hành pháp luật, giám sát văn bản và vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tăng cường các điều kiện đảm bảo cho công tác xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam. Sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phản biện xã hội dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi thông qua để phù hợp với Luật Mặt trận và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 (hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa có nội dung phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam).
Bốn là, đảm bảo nguồn lực, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam. Đây là một công tác khó khăn, phức tạp, người làm công tác xây dựng pháp luật phải có kiến thức chuyên sâu về pháp luật đồng thời am hiểu lĩnh vực kinh tế xã hội, hiểu biết về quản lý chính sách, phân tích chính sách, nắm vững kỹ thuật soạn thảo văn bản… Vì vậy MTTQ và các tổ chức thành viên cần quan tâm bố trí những cán bộ có năng lực làm công tác này. Chịu khó nghiên cứu văn bản chuyên sâu… Cần xây dựng chiến lược đào tạo lâu dài đối với đội ngũ cán bộ.
Năm là, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, nhất là kiến thức chuyên sâu về pháp luật và các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đội ngũ làm công tác góp ý, xây dựng luật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên (như Ban Dân chủ - Pháp luật của MTTQ, Ban Chính sách pháp luật, Ban Kiểm tra của các tổ chức thành viên…) Cách tổ chức công việc cần hợp lý, chuyên nghiệm gắn kết chặt chẽ công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật với công tác xây dựng, ban hành, tổ chức thi hành pháp luật.
Sáu là, quan tâm bố trí tài chính cho công tác xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; đồng thời cần đảm bảo sự phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan, sự tham gia rộng rãi của các tổ chức thành viên, của phương tiện thông tin đại chúng và mọi tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật, giám sát văn bản, phản biện xã hội đối với những dự thảo văn bản.
Từ những phân tích ở trên, cho thấy để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong xây dựng pháp luật thì yêu cầu hoàn thiện về thể chế, nâng cao nhận thức, kinh phí, đào tạo đội ngũ cán bộ… cho công tác này là hết sức quan trọng nhằm xây dựng một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.
Ths. Đặng Thị Kim Ngân,
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam