Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc Sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Tư pháp của Thanh tra Bộ Tư pháp và nghiệp vụ công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp.
Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Sở, lực lượng Thanh tra Sở Tư pháp Kon Tum đã không ngừng phát triển về mọi mặt. Công chức Thanh tra Sở luôn có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực đáp ứng với yêu cầu công tác; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Mặc dù với lực lượng biên chế được giao còn mỏng, chỉ với 03 đồng chí, gồm 01 Chánh Thanh tra, 01 thanh tra viên và 01 chuyên viên nhưng thời gian qua, Thanh tra Sở đã tích cực tham mưu Giám đốc Sở thực hiện tốt công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở được giao thêm nhiệm vụ quan trọng, đó là giúp Giám đốc Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, với khối lượng công việc tương đối lớn và tính chất phức tạp ngày càng tăng, nhất là phải thẩm tra các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Điều này đòi hỏi các công chức Thanh tra Sở không chỉ vững nghiệp vụ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng mà còn phải nắm vững các quy định của pháp luật về công tác xử lý vi phạm hành chính mới có thể giúp Giám đốc Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt quản lý nhà nước trong công tác này.
Thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 54/2014/NĐ-CP ngày 29/5/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp, thời gian qua, Thanh tra Sở từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công chức Thanh tra Sở đã được cơ quan cử đi đào tạo các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên, thanh tra viên chính và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Thanh tra tỉnh, định hướng của Thanh tra Bộ Tư pháp và sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở, Thanh tra Sở đã kịp thời xây dựng và tham mưu Giám đốc Sở phê duyệt các kế hoạch công tác thanh tra để làm cơ sở triển khai các cuộc thanh tra theo đúng quy định. Kế hoạch công tác thanh tra hàng năm đã xác định cụ thể đối tượng thanh tra, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, như: Thanh tra hành chính đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở và thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Tư pháp.
Với chủ trương xã hội hóa và sự phát triển lớn mạnh của các tổ chức bổ trợ tư pháp như các tổ chức hành nghề công chứng; các tổ chức hành nghề đấu giá và các tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng Luật sư, Công ty Luật)… Về cơ bản các tổ chức bổ trợ tư pháp được thành lập đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều vi phạm diễn ra như tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng; công chứng viên công chứng hợp đồng, giao dịch không đúng pháp luật; cá biệt, có trường hợp công chứng viên tiếp tay cho một trong các bên tham gia hợp đồng, giao dịch để tẩu tán tài sản nhằm né tránh nghĩa vụ trả nợ; công chứng viên cung cấp dịch vụ ngoài trụ sở không đúng đối tượng hoặc trích phần trăm cho các tổ chức tín dụng… Trong hoạt động đấu giá vẫn còn trình trạng thông đồng, dìm giá, móc nối để tiêu cực, phá giá, bỏ cọc; người có tài sản đấu giá lựa chọn tổ chức đấu giá không đúng quy định. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm, thiếu sót trong các lĩnh vực hành chính tư pháp như hộ tịch, chứng thực, quốc tịch, nuôi con nuôi… vẫn còn xảy ra phổ biến.
Để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, thì công tác thanh tra có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Bởi, thông qua công tác thanh tra các vi phạm đều được xem xét, xử lý triệt để. Chính vì vậy, Thanh tra Sở đã rất nỗ lực triển khai việc xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định pháp luật (từ năm 2017 đến nay, Chánh Thanh tra Sở đã ban hành 07 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 40 triệu đồng); xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; đồng thời, đối với các kiến nghị xử lý về thanh tra đều có cơ chế thi hành triệt để theo Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/03/2015 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành cũng luôn được chú trọng mặc dù do đặc thù của ngành Tư pháp, những năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở là rất ít. Từ năm 2017 nay, Thanh tra Sở tham mưu Giám đốc Sở thụ lý, giải quyết đối với 05 đơn tố cáo có liên quan đến hoạt động công chứng và đấu giá. Các đơn thư đều được xem xét, giải quyết theo đúng quy định, không phát sinh đơn thư tố cáo vượt cấp, kéo dài, tồn đọng.
Từ năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở đã tham mưu Giám đốc Sở xử lý trên 30 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân không thuộc thẩm quyền giải quyết. Việc xử lý chú trọng vào nội dung hướng dẫn để người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đơn đến đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Ngoài ra, căn cứ Luật Tiếp công dân năm 2013, hàng năm, Thanh tra Sở đều tham mưu Giám đốc Sở ban hành Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ và triển khai thực hiện nghiêm túc. Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Quy chế tiếp công dân của Sở; tham mưu cử công chức thường trực tiếp công dân theo quy định.
Công tác phòng, chống tham nhũng được Thanh tra Sở tham mưu triển khai đạt kết quả tốt. Định kỳ hàng năm, căn cứ kế hoạch triển khai công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh, Thanh tra Sở đã tham mưu Giám đốc Sở ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng để triển khai tại đơn vị. Việc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống tham nhũng nên tại cơ quan Sở Tư pháp không xảy ra các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Theo quy định tại Nghị định số 59/2019/ND-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ về một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cán bộ, công chức làm công tác thanh tra là vị trí thuộc diện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ công chức thanh tra đáp ứng với yêu cầu công việc. Mặt khác, do số lượng biên chế ít nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng, nhất là các nhiệm vụ không gắn với chức năng, nhiệm vụ của thanh tra nên ảnh hưởng đến việc bố trí, sắp xếp, phân công công chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là phải trưng tập nhân sự các phòng, đơn vị thuộc Sở tham gia các Đoàn thanh tra do Giám đốc Sở quyết định thành lập. Ngoài ra, kinh phí bố trí cho công tác thanh tra còn nhiều hạn chế, các nhiệm vụ chi trong hoạt động thanh tra như công tác phí, trang phục thanh tra, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra đều được cân đối từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị nên ảnh hưởng đến tính chủ động trong công tác thanh tra.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, cũng như phát huy vai trò của Thanh tra Sở đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tư pháp tại địa phương, cần chú trọng triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và tập thể lãnh đạo Sở, nhất là người đứng đầu trong công tác thanh tra, tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Ban hành và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Thanh tra Sở với các phòng, đơn vị thuộc Sở trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra Sở.
Thứ hai, kiến nghị phát huy vai trò, vị trí của cơ quan thanh tra trong hệ thống các cơ quan nhà nước, chú trọng đảm bảo tính độc lập cần thiết của cơ quan thanh tra; đồng thời, kiến nghị xem xét, hạn chế việc luân chuyển cán bộ, công chức làm công tác thanh tra để duy trì sự kế thừa, ổn định về tổ chức của các cơ quan thanh tra.
Thứ ba, tăng cường biên chế và kiện toàn tổ chức Thanh tra Sở như bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm các chức vụ, chức danh còn khuyết (như: Phó Chánh Thanh tra, các thanh tra viên) đối với công chức Thanh tra Sở đủ điều kiện theo quy định. Cần có chính sách đãi ngộ hợp lý hơn đối với những công chức làm công tác thanh tra nhằm động viên, khuyến khích để gắn bó với nghề và giữ gìn sự thanh liêm, trong sạch của công chức làm công tác thanh tra. Tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thứ tư, kiến nghị Thanh tra tỉnh, Thanh tra Bộ Tư pháp thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, có chương trình tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu để nâng cao chất lượng tham mưu cho công chức làm công tác thanh tra.
Thứ năm, Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên, thanh tra viên chính; các lớp bồi dưỡng về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; các lớp tập huấn kỹ năng của trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành hoặc trưởng đoàn, tổ trưởng tổ xác minh giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiêu cực… để công chức Thanh tra Sở nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành Tư pháp nói chung và Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum nói riêng, Thanh tra Sở xác định tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác, tham mưu đẩy mạnh công tác thanh tra, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, góp phần cùng với các đơn vị thuộc Sở triển khai thực hiện hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chuyên môn của ngành cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, mỗi công chức của Thanh tra Sở xác định không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, năng lực công tác, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tư pháp tại địa phương./.