Thứ nhất, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra không chỉ đơn thuần là vấn đề chi tiết hóa nội dung và cơ cấu khóa học cũng như xây dựng các kế hoạch riêng lẻ cho các nhóm đối tượng mà liên quan tới chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Thanh tra. Chiến lược đó không ngoài mục tiêu hướng tới sự phù hợp, phát triển nguồn nhân lực ngành Thanh tra với lộ trình thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn và yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động đã được xác định trong các mục tiêu cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra.
Thứ hai, nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng hệ thống thể chế thống nhất, đồng bộ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra phù hợp với điều kiện của Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế; hệ thống chính sách khuyến khích công chức học tập và tự học để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Bên cạnh đó, tổ chức hệ thống quản lý và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gọn nhẹ, khoa học, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức ngành Thanh tra tại các cấp. Trên cơ sở đó, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo từng giai đoạn:
(1) Giai đoạn từ nay đến năm 2020 nhằm chuẩn hóa, nâng cao phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng các mặt công tác, đặc biệt là tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý sau thanh tra trên cơ sở các quy định của Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật có liên quan.
(2) Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính của đội ngũ công chức ngành Thanh tra, đáp ứng yêu cầu phát triển của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, cả về tổ chức và hoạt động.
Thứ ba, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra còn nhằm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức nói chung và cán bộ công chức ngành Thanh tra nói riêng như:
(1) Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra phải phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nguồn nhân lực ngành Thanh tra trong tương lai. Ngành Thanh tra với đặc trưng là đa ngành, đa lĩnh vực và "phát triển phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập hiện nay; với quá trình đổi mới hệ thống chính trị, cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, phòng, chống tham nhũng và hội nhập quốc tế"..., do đó, chức năng, nhiệm vụ của ngành có thể thay đổi theo thời gian. Vì vậy, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra là một chương trình có tính mở để có sự bổ sung theo sự biến động nhằm phù hợp với định hướng phát triển của ngành.
Theo đó, đến năm 2020, tổng số lao động toàn ngành đạt trên 28.500 người, trong đó 65% có trình độ đại học, trên 20% có trình độ trên đại học; trên 85% được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra; trên 85% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Những căn cứ này nhằm đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng hiện tại và tương lai của ngành Thanh tra. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng hệ thống các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra; xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thích hợp cho toàn ngành trong một giai đoạn nhất định. Đồng thời, kiến nghị lộ trình thực hiện nhằm tạo lập một cơ chế quản lý và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, khoa học phù hợp với điều kiện của đất nước, của bộ, ngành, địa phương theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng các chuẩn mực và phù hợp thông lệ quốc tế.
Mặt khác, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ Nội Vụ hướng dẫn một số điều Nghị định số 101/2017/NĐ-CP quy định: “trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước”; Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025 cũng nhấn mạnh “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế”.
Như vậy, có thể thấy từ những định hướng và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của ngành đã được xác định, cùng với xu hướng phát triển ngành Thanh tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường tính tập trung, thống nhất, chủ động và tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra. Vì vậy, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho công chức ngành Thanh tra phải căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu nguồn nhân lực ngành Thanh tra trong tương lai.
(2) Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thanh tra, góp phần tích cực vào việc đẩy lùi những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ hiện nay. Việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra phải phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn hiện nay trong bối cảnh đất nước đã và đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính nhà nước, yêu cầu cải cách chế độ công vụ, công chức, chính sách tinh giản biên chế, quy định về vị trí việc làm và yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế và phát triển. Do đó, đặt ra rất nhiều cơ hội và thách thức với nền hành chính của Việt Nam, trong đó, để xây dựng được một đội ngũ công chức nói chung và đội ngũ công chức ngành Thanh tra nói riêng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách. Việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra cũng phải hướng tới mục tiêu góp phần đảm bảo chất lượng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính và phù hợp với vị trí việc làm trong thực thi công vụ.
Thực tiễn công tác tổ chức cán bộ nhất là việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí sai phạm, gây bức xúc trong xã hội. Những hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, một trong những nguyên nhân nổi cộm là từ nhận thức, phẩm chất, năng lực của người làm công tác tổ chức cán bộ. Vì vậy, bối cảnh xây dựng Chiến lược đã khẳng định "bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra nhìn chung vẫn chưa theo kịp những yêu cầu ngày càng cao của quản lý nhà nước, chưa đáp ứng hết những đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân. Hiệu lực, hiệu quả công tác của ngành trên các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn hạn chế. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như...; đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra còn thiếu tính chuyên nghiệp, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp...". Quyết định số 2857/QĐ-TTCP ngày 21/10/2011 của Thanh tra Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành Thanh tra thời kỳ 2011 - 2020 đã nhấn mạnh: "cần quán triệt sâu sắc quan điểm cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của công việc, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của ngành Thanh tra. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực ngành Thanh tra là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đồng thời vừa là quyền và vừa là nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong ngành Thanh tra...". Do đó, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra còn nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém về "trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra của một số thanh tra viên, công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu" và trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay, giúp công chức, viên chức ngành Thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu không được đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, nâng cao phẩm chất và năng lực sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả công việc vì lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước, của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân.
Khóa Thanh tra viên cao cấp được đào tạo tại trường Cán bộ thanh tra (TTCP) (Ảnh: K.Dung)
Thứ tư, trước yêu cầu về nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thực thi nhiệm vụ, cải cách hành chính mà cao hơn là thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút những người có đức có tài vào hoạt động công vụ trong cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương” thì ngành Thanh tra phải có những kế hoạch cụ thể đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành, mà đào tạo, bồi dưỡng là một trong những khâu quan trọng. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận số 32-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị, các địa phương đã và đang tiến hành hợp nhất Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra ở cấp tỉnh và cấp huyện. Việc hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra theo phương châm, mục tiêu "xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị". Đây cũng là một nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra sau khi sáp nhập.
Như vậy, trong giai đoạn hiện nay, dưới sự đổi mới của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, về tổ chức bộ máy nói chung và ngành Thanh tra nói riêng đang tác động mạnh mẽ tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Thanh tra phải đủ về số lượng, có chất lượng đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, đội ngũ công chức ngành Thanh tra cần đáp ứng được các yêu cầu đối với đội ngũ công chức nói chung và yêu cầu tiêu chuẩn của ngành Thanh tra nói riêng. Do đó, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra trong điều kiện hiện nay là hết sức quan trọng và cấp thiết./.
TS. Trịnh Văn Toàn
TTCP