Sự phối hợp giữa các cơ quan trong tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân - Kinh nghiệm thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ năm, 23/04/2020 14:24
(ThanhtraVietNam) - Ngay sau khi Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài được ban hành; Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ký ban hành Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nhiều địa phương đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch tiếp theo trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư. Mỗi địa phương một cách làm khác nhau nhưng nhìn chung, sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành, tới rà soát, kiểm tra, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài được thể hiện rõ.

Tại Hội thảo “Sự phối hợp giữa các cơ quan trong tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân - Kinh nghiệm thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện pháp luật” do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ tổ chức, nhiều đại biểu đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư.

Nêu cao trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu

Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, từ khi có Luật Tiếp công dân, công tác tiếp công dân đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, thể hiện rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Việc thể chế hóa các quy định về cơ sở vật chất, mô hình tổ chức, mối quan hệ phối hợp trong tiếp công dân đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tiếp công dân.

Thực hiện pháp luật về tiếp công dân, tại trụ sở tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh, Ban Tiếp công dân tỉnh đã cử cán bộ thường trực tiếp công dân. Hàng tuần, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh cử cán bộ thường trực tiếp công dân vào ngày thứ 5; Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy cử cán bộ thường trực tiếp công dân vào ngày thứ 3. Hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh duy trì tiếp công dân vào ngày 15 để tiếp nhận, xử lý những nội dung các vụ việc thuộc thẩm quyền, những vụ việc đông người, phức tạp, nhạy cảm, kéo dài để tranh thủ ý kiến của các Sở, Ngành có liên quan từ đó đưa ra những biện pháp xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân định kỳ vào ngày 20; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp công dân định kỳ vào ngày 06; Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân vào ngày 10.Tại các phiên tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, tham gia cùng tiếp còn có lãnh đạo các Sở ngành có liên quan. Từ năm 2014 đến năm 2018, tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, các cơ quan đã tiếp được tổng số 8.056 lượt người; phản ánh 3.946 lượt vụ việc.

“Việc tăng cường tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan: Đoàn Đại Biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan là thể hiện sự quan tâm, chăm lo quyền và lợi ích người dân, doanh nghiệp. Qua đó, các cấp lãnh đạo nắm được tình hình, kịp thời phát hiện, kiến nghị, sửa đổi bổ sung những bất cập của cơ chế, chính sách pháp luật, nhằm thúc đẩy sự ổn định, phát triển, tiến bộ xã hội”, ông Nguyễn Văn Vinh nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Trụ sở tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, ông Vinh cũng bày tỏ băn khoăn, hiện nay, ở Trung ương, Ban Tiếp công dân thuộc Thanh tra Chính phủ, nhưng ở địa phương lại được tách ra, Ban Tiếp công dân chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, đề xuất và đôn đốc nên hiệu quả không cao. Thẩm quyền của Ban Tiếp công dân chưa đảm bảo vai trò kiểm tra, xem xét việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết đơn thư của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nên tác dụng hiệu quả tham mưu hạn chế; công tác tiếp công dân đang thể hiện sự trùng lắp về đối tượng tham gia tiếp, hình thức tiếp, thời gian, số đơn thư, số lượt công dân… Đó là chưa kể lực lượng này chỉ tập trung vào những ngày tiếp công dân và làm những vụ việc đột xuất, còn lại chỉ làm công tác tổng hợp, như vậy dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực, trong khi Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 yêu cầu các địa phương đến năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp. Vì vậy, “chúng ta nên  đề xuất, kiến nghị sửa đổi, chuyển Ban Tiếp công dân ở địa phương sang cơ quan thanh tra để không chỉ phát huy vai trò trong công tác tiếp công dân mà còn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này”, ông Vinh chia sẻ.

Không chỉ vậy, việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân còn bộc lộ những bất cập khó khăn trong cơ chế chính sách nhất là về đất đai (do vậy tỷ lệ phát sinh đơn thư liên quan đất đai chiếm phần lớn). Cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ tiếp công dân có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhất là vụ việc phức tạp đông người vượt cấp. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ lãnh đạo và cán bộ trong quá trình tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất tại Trụ sở tiếp công dân các cấp, Thanh tra tỉnh chưa được quy định cụ thể, nhất là trong tình huống đoàn đông người bị kẻ xấu lôi kéo kích động gây áp lực uy hiếp, nguy cơ mất an toàn. Trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp (không được ủy quyền) chưa phù hợp với thực tiễn tại các địa phương…

Từ những bất cập nêu trên, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đề xuất việc thống nhất cơ quan tiếp công dân từ trung ương đến địa phương. Theo đó, cơ quan tiếp công dân các địa phương nên trực thuộc cơ quan thanh tra để phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định pháp luật về tiếp công dân và phối hợp tiếp công dân. Trong đó, chú trọng ban hành Quy chế phối hợp tiếp công dân của các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân các cấp. Mặt khác, cần có cơ chế bảo đảm an toàn, thường xuyên hỗ trợ kịp thời của cơ quan an ninh khi xảy ra vụ việc đột xuất, cũng như tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân và tiếp công dân tại Thanh tra tỉnh. Cần quy định việc tiếp công dân của lãnh đạo các cấp phù hợp với thực tế để không chồng chéo nội dung, dàn trải. Đồng thời, được ủy quyền, phân công tiếp công dân giúp Chủ tịch UBND các cấp, trong trường hợp đột xuất và yêu cầu chỉ đạo của cấp trên.

Tránh tình trạng trả lời công dân không cụ thể, rõ ràng

Chia sẻ về một số vấn đề liên quan đến hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân và những bất cập, vướng mắc trên địa bàn, ông Từ Văn Hà, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, tình hình thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đã được lãnh đạo các ngành, các cấp duy trì tổ chức công tác tiếp thường xuyên, định kỳ và tập trung tốt cho công tác xử lý đơn theo quy định của pháp luật. Ở cấp tỉnh, thực hiện Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 14/8/2015 của UBND tỉnh Bình Dương về ban hành Quy chế phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, công tác tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo tỉnh được tổ chức mỗi tháng 4 lần vào thứ ba hàng tuần tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh. Tuy nhiên, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền UBND các cấp đôi lúc còn chậm, quá hạn luật định; một số vụ việc có nội dung phức tạp cần phải xác minh nhiều nơi, nhiều bước nên thời gian giải quyết còn kéo dài, gây bức xúc nơi người dân; việc tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận đã có hiệu lực pháp luật vẫn còn chậm, thiếu kiên quyết dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo tiếp tục gửi đơn hoặc quay sang tố cáo chính quyền, đảng viên. Một số vụ việc đã được xem xét, giải quyết, đã được tổ chức đối thoại, gặp gỡ nhiều lần và ban hành thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết hoặc từ chối tiếp công dân nhưng công dân vẫn không chấp hành, liên tục đến các buổi tiếp công dân của lãnh đạo tỉnh tạo áp lực để được xem xét, giải quyết lại hoặc gửi đơn vượt cấp gây phức tạp thêm tình hình an ninh trật tự, tình hình khiếu kiện trên địa bàn…

Chỉ ra những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, ông Từ Văn Hà cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa đồng bộ, chưa có sự liên kết giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc quản lý, theo dõi, cập nhật, tổng hợp thông tin, tài liệu, báo cáo; chưa thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn công tác...

Từ thực tiễn đó, thời gian tới, để phát huy hiệu quả công tác tiếp công dân, cần phát huy và tăng cường trong công tác phối hợp với Ban Tiếp công dân; xử lý nghiêm các trường hợp công dân vi phạm Nội quy tiếp công dân; thực hiện đúng quy định Luật Tiếp công dân đối với trường hợp được từ chối tiếp công dân. Để có cơ sở xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Thành - Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố, hoạt động của các Ban Tiếp công dân từ thành phố đến các quận, huyện đều có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Văn phòng, Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính Thành ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy để cùng tiếp công dân, xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh về một nội dung; xử lý, tiếp nhận các đơn thuộc thẩm quyền của mỗi cơ quan và bảo vệ an toàn tại nơi tiếp công dân. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân đều được các cơ quan giải thích, hướng dẫn cho công dân ngay tại các Ban Tiếp công dân. UBND thành phố cũng thường xuyên có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp trong việc hướng dẫn người dân đến khiếu nại ở các cơ quan Trung ương tại Hà nội về địa phương xem xét giải quyết. Ngoài ra, UBND thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường cán bộ làm công tác tiếp công dân, bố trí cán bộ có năng lực làm công tác tiếp công dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết chế độ bồi dưỡng cho cán bộ tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh nên công tác này ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả. Riêng đối với việc tiếp công dân liên quan đến nông dân, các cơ quan đều mời Hội Nông dân các cấp tham gia để nghe trực tiếp các khiếu nại của nông dân.

Ông Trịnh Việt Cường - Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh khẳng định, công tác tiếp công dân có quan hệ chặt chẽ với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, muốn giải quyết khiếu nại, tố cáo tốt, cần thực hiện tốt việc tiếp công dân. Từ đó, sẽ khắc phục được tình trạng khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp... Tiếp công dân cần tránh tình trạng trả lời công dân không cụ thể, rõ ràng, hứa xem xét rồi để đấy, khiến công dân phải đi lại nhiều lần, gây bức xúc, căng thẳng. Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Trịnh Việt Cường cũng nhận thấy có một số khó khăn như: Cơ sở vật chất phục vụ tiếp công dân còn hạn chế; việc thực hiện phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương, quá trình giải quyết có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, cần lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan nhưng việc trả lời của các cơ quan này còn chậm nên việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mất nhiều thời gian. Nhiều vụ việc hoặc đơn của công dân không thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc đơn không đủ điều kiện xử lý nhưng các cơ quan khác vẫn chuyển đến và đề nghị giải quyết nên công dân lại tiếp tục đến đề nghị được giải quyết.

Đối với những vấn đề từ phía người dân, ông Cường cho rằng, nhiều trường hợp công dân còn có thái độ không đúng mực, thiếu tôn trọng cán bộ tiếp dân, không chấp hành việc hướng dẫn, giải thích của cán bộ tiếp dân cũng như văn bản giải quyết đã có hiệu lực; có những trường hợp quá khích lợi dụng các buổi tiếp dân để quấy rối, thậm chí có những trường hợp đem theo vũ khí, kéo đông người đến nơi tiếp dân làm mất trật tự an ninh công cộng... Ngoài ra, từ thực tế xử lý đơn thư, ông Cường cho biết, tình trạng gửi đơn vượt cấp thường xảy ra, một số trường hợp không gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền mà cố ý gửi đến cơ quan dân cử, để tạo áp lực. Đối với những trường hợp này, không nên chuyển đơn mà hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản để công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền. “Với trường hợp khiếu nại không đạt được mục đích, quay sang tố cáo người giải quyết, cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn cần giải thích cho công dân làm đơn khiếu nại theo Luật Khiếu nại, chứ không có căn cứ để thụ lý, giải quyết theo Luật Tố cáo”, ông Cường nhấn mạnh./.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra