“Công khai” là phương thức hướng đến sự “minh bạch”
Nằm trong chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đề tài “CK, MB và TNGT trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” do Viện Khoa học Môi trường và Xã hội là đơn vị chủ trì; GS.TS Phan Trung Lý, Nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII là chủ nhiệm được triển khai thực hiện từ tháng 4/2019.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: L.A
Theo GS.TS Phan Trung Lý, Đề tài bao gồm 7 nội dung nghiên cứu: Xây dựng nhà nước pháp quyền và những vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện CK, MB và TNGT; kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện CK, MB và TNGT trong tổ chức và hoạt động của các CQHCNN; thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về CK, MB và TNGT trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính ở Việt Nam hiện nay; phân tích, đánh giá những yếu tố tác động đến CK, MB và TNGT của nền hành chính Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; sự tham gia của các tổ chức xã hôi, doanh nghiệp, báo chí và người dân vào việc thúc đẩy MB và TNGT trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính ở Việt Nam; xây dựng bộ chỉ số xác định mức CK, MB và TNGT của CQHCNN ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đề xuất hệ giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện việc CK, MB và TNGT rong tổ chức và hoạt động của các CQHCNN ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Đề tài (người đang đứng). Ảnh: L.A
“Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài là nhằm khái quát hóa những quan điểm, khái niệm, nhận thức chung về lý luận cũng như pháp luật và thực hiện pháp luật về CK, MB và TNGT trong tổ chức và hoạt động của các CQHCNN”, GS.TS Phan Trung Lý khẳng định.
Trong khuôn khổ của Đề tài, ngày 19/5, Viện Khoa học Môi trường và Xã hội tổ chức hội thảo khoa học “Trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các CQHCNN ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tham dự hội thảo, TS. Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chia sẻ, tăng cường CK, MB và TNGT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước đang là xu hướng tất yếu của nền hành chính hiện đại. Đảng, Nhà nước ta đã và đang nỗ lực thực hiện những cam kết phục vụ nhân dân; mở rộng và kêu gọi sự tham gia tích cực của người dân thực hiện giám sát, phản biện các hoạt động quản lý Nhà nước. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, thuật ngữ “minh bạch” được sử dụng phổ biến. Trong phạm vi hẹp, “công khai” được coi là một hình thức để bảo đảm hướng đến sự “minh bạch” về tổ chức hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. “Công khai” chỉ là một phương thức để hướng đến sự “minh bạch”.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: L.A
Bên cạnh đó, CK, MB và TNGT về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) quan trọng nhất nhằm tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát việc thực thi quyền lực công. Ý nghĩa sâu xa của biện pháp này xuất phát từ nhu cầu kiểm soát quyền lực Nhà nước. Thông qua việc CK, MB và TNGT về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người dân và xã hội có thể nhận biết và chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình cũng như đòi hỏi cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức Nhà nước thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Những người có chức vụ, quyền hạn cũng phải có ý thức, trách nhiệm cao hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình. Hiện nay, nhất là trước các yêu cầu của công tác PCTN, cộng đồng quốc tế rất quan tâm và đề cao ý nghĩa của CK, MB trong việc bảo đảm sự giám sát của xã hội đối với việc thực thi quyền lực công.
Nói về TNGT, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, cho tới thời điểm hiện nay, các văn pháp quy phạm pháp luật về thanh tra không quy định riêng về TNGT của người có thẩm quyền tiến hành thanh tra. Tuy nhiên, do các cơ quan thanh tra nằm trong hệ thống hành chính và hoạt động thanh tra là hoạt động thực thi quyền lực Nhà nước, liên quan đếm quyền trong hoạt động thanh tra phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định chung là giải thích và làm rõ nội dung của quyết định, hành vi thực thi công vụ trong một số trường hợp cụ thể.
Công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là biện pháp quan trọng
PGS.TS Nguyễn Tất Viễn – Nguyên Ủy viên chuyên trách, thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thì cho rằng, để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN trong việc CK, MB và giải trình về hoạt động của mình, trước tiên phải xác định được người đứng đầu đó là ai. PGS.TS Nguyễn Tất Viễn cũng đưa ra lời khuyên, để xác định người đứng đầu là ai thì cần xem xét cách thức tổ chức quyền hành pháp và các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành pháp. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải xác định được người đứng đầu là một tập thể hay cá nhân có vướng mắc.
Mặt khác, theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, trong thời gian tới, để giải quyết những vướng mắc thực tiễn về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu rất cần xác định phạm vi trách nhiệm của người đứng đầu đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự quản lý Nhà nước và là chủ thể hưởng thụ các dịch vụ công do CQHCNN cung cấp; đối với nội bộ CQHCNN ….”Việc phân định rạch ròi thẩm quyền quyết định về chủ trương của cấp ủy, tổ chức đảng với việc tổ chức thực hiện của CQHCNN, khi xảy ra vi phạm không quy trách nhiệm được cho cơ quan nào và cá nhân nào”, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn bày tỏ.
TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra phát biểu góp ý tại hội thảo. Ảnh; L.A
Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho biết, CK, MB, giải trình về tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước được xác định là một trong những biện pháp quan trọng góp phần PCTN hiệu quả. Việc kê khai TSTN trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu. Hầu hết các đối tượng thuộc diện kê khai đã kê khai TSTN theo quy định, thể hiện được trách nhiệm của mình và dần trở thành hoạt động bình thường, tâm lý e ngại phải kê khai TSTN đã dần được khắc phục… Để thực hiện việc CK, MB, giải trình về TSTN đòi hỏi phải thực hiện nhiều biện pháp (tổ chức thực hiện việc kê khai, xác minh tài sản khi có dấu hiệu kê khai không trung thực, xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức kê khai TSTN… Trong các biện pháp đó, việc công khai bản kê khai tài sản có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện cần thiết để xã hội giám sát việc kê khai TSTN của người có chức vụ, quyền hạn.
Với thực tiễn như hiện nay và với quy định hiện tại của Luật PCTN năm 2018, thời gian tới, theo TS. Nguyễn Tuấn Khanh, cần sớm ban hành Nghị định về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn để đảm bảo việc thực hiện Luật PCTN năm 2018, đặc biệt là hướng dẫn những điểm mới trong Luật PCTN; quy định rõ, giải thích và phân loại chi tiết các loại TSTN phải kê khai kèm theo Mẫu bản kê khai TSTN để việc kê khai được thuận tiện, tránh thiếu sót.
Đồng thời, quy định về trình tự, thủ tục, phương thức xây dựng Kế hoạch xác minh TSTN hàng năm của các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập; quy định về trình tự, thủ tục để các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc xác minh TSTN khi chưa có căn cứ tiến hành xác minh; quy định về cơ chế kê khai, nộp, quản lý bản kê khai TSTN hay quy định chi tiết về việc xử lý đối với người không trung thực trong việc kê khai hoặc giải trình nguồn gốc TSTN…
“Về lâu dài, mặc dù pháp luật hiện hành không quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp trong mọi trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm đáng kể, nhưng rõ ràng, đây là một sự phát triển theo hướng tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế trong kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn đòi hỏi cần có những quy định pháp luật phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, TS. Nguyễn Tuấn Khanh khẳng định./.
Lan Anh