Ngày 15 tháng 9 năm 2009 Chính phủ ban Nghị định số 76/2009/NĐ-CP (NĐ76) về việc “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004”(NĐ204), quy định về phụ cấp thâm niên nghề áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Tiếp theo, ngày 24 tháng 12 năm 2009 liên bộ Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2009/TTLT-BNV-BTC (Thông tư 04) hướng dẫn triển khai NĐ76.
Điểm a, Khoản 2 Điều 1 của NĐ76 quy định
a) Phụ cấp thâm niên nghề: Áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, toà án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm.
Có thể thấy, theo logic hình thức, đối tượng được hưởng thâm niên trong các ngành nói chung và Thanh tra nói riêng là “những cán bộ công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành”. Quy định này được hiểu theo hai cách như sau:
- Là những người đã được xếp lương theo các ngạch công chức hoặc đang giữ các chức danh chuyên ngành.(1)
- Là những người đã được xếp lương theo ngạch chuyên ngành hoặc đang giữ các chức danh chuyên ngành (2). Thông tư 04 triển khai theo cách hiểu này.
(1) Theo NĐ204, không kể ngạch Chuyên gia, công chức nói chung có các ngạch như ngạch Chuyên viên (gồm CV, CV Chính, CV Cao cấp), ngạch Cán sự và ngạch Nhân viên (kế toán, văn thư, lái xe…). Tuỳ theo từng chuyên ngành như thanh tra, kiểm lâm, kiểm toán, kiểm tra (bên Đảng), tòa án … còn có các ngạch tương đương như Thanh tra viên (TTV) gồm TTV, TTV chính, TTV cao cấp hoặc Kiểm tra viên (KTV, KTV chính, KTV cao cấp)... Đối với ngành kiểm toán có thêm Kiểm toán dự bị, còn với kiểm lâm còn có cả ngạch Kiểm lâm sơ cấp v.v… Tuy nhiên, do đặc điểm công tác nên ngành Thanh tra luôn tồn tại nhiều ngạch công chức khác nhau để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung, có người trực tiếp tham gia công tác Thanh tra, có người làm công tác nghiên cứu, tổ chức hoặc phục vụ… Ngay trong một cơ quan, thậm chí trong một đoàn thanh tra cũng luôn có sự phối hợp này. Như vậy, hiểu theo cách (1) của NĐ76 sửa đổi, chỉ cần có biên chế chính thức và được xếp ngạch công chức nói chung, nếu đủ thời gian 5 năm sẽ được hưởng chế độ thâm niên ngành. Xin nhấn mạnh, hàng vạn cán bộ công chức trong 7 ngành đặc thù nói chung và TTCP nói riêng đều có nguyện vọng nên thực hiện NĐ76 theo hướng này.
Cũng có ý kiến cho rằng không thể vì trong điểm a, Khoản 2, Điều 1, NĐ76 thiếu từ chuyên ngành tiếp sau từ ngạch nên "bắt bẻ" phải hiểu theo cách (1). Rằng nếu vậy thì trong quy định nói trên của NĐ76 cũng không cần phải nêu thêm các chức danh chuyên ngành bởi nhóm đối tượng này mặc nhiên đã là công chức được xếp ngạch rồi. Tuy nhiên, trong thực tế những người đang giữ chức danh chuyên ngành có thể là công chức đã được xếp ngạch nhưng còn rất nhiều trường hợp họ đang là cán bộ, viên chức hay từ quân đội và công an chuyển sang.
(2) Nếu hiểu theo hướng dẫn của Thông tư 04 thì sẽ xảy ra một số mâu thuãn trong văn bản NĐ76 đối với một số ngành đặc thù. Lấy ví dụ đối với ngành Thanh tra: Khoản 2, Điều 14 Luật Thanh tra (2004) ghi rõ: “Thanh tra Chính phủ có Tổng Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra và Thanh tra viên”. (Ở cấp tỉnh, huyện, bộ, sở có các chức danh tương tự là chánh thanh tra, phó chánh thanh tra và thanh tra viên). Có thể thấy vế sau của cụm từ “hoặc giữ chức danh chuyên ngành” trong NĐ76 chính là để chỉ nhóm đối tượng này. Vì thanh tra viên thực chất cũng là một chức danh (trước năm 1992 khi chưa có quy định bổ nhiệm TTV, trong các văn bản chính thức ta thường gọi nhóm đối tượng này là cán bộ thanh tra hoặc thanh tra viên). Như vậy đối với ngành Thanh tra, nếu hiểu theo hướng dẫn của Thông tư 04 thì NĐ76 chỉ cần viết: “…những cán bộ công chức đã được xếp lương theo các chức danh chuyên ngành…” là đủ. Nói như vậy để thấy rằng giữa NĐ76 của Chính phủ (là văn bản luật phải mang tính bao quát chung đối với nhiều ngành nghề) và hướng dẫn của Thông tư 04 (đối với từng chuyên ngành) ít nhiều đang có độ “lệch pha” ?
 |
Ảnh minh họa: Đất Việt |
Trong thực tiễn, hướng dẫn trong Thông tư 04 còn nhiều điều mâu thuẫn và bất cập khác ảnh hưởng đến tâm tư và quyền lợi của nhiều người. Hệ quả là tính tích cực của NĐ76 trong việc quan tâm, nâng cao đời sống cán bộ công chức, tạo ra động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các ngành đặc thù đã giảm đi khá nhiều. Chúng tôi chưa có số liệu thống kê chung của 7 ngành nghề liên quan, song theo tác giả Thái Sinh (Diễn đàn thanh tra ngày 30/8/2010, Thanhtravietnam.vn - P.V) thì ngành Thanh tra hiện có khoảng 5000 cán bộ công chức (trên 53%) không được hưởng chế độ thâm niên ngành. Những người đã công tác lâu năm trong ngành, cũng làm nhiệm vụ như TTV nhưng do điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ không đủ điều kiện để bổ nhiệm TTV (do quy trình chặt chẽ theo quy định) dẫn đến so bì mặc cảm thiệt thòi, giảm sút chất lượng công tác. Tác giả còn nêu ví dụ về sự thiếu công bằng về thời gian hưởng thâm niên giữa các ngành với nhau (đối tượng tập sự của TTCP chậm 2 năm so với ngành tòa án).
Cũng chính vì quan niệm “ngạch thâm niên” như trên nên đã có cách thực hiện máy móc NĐ76, gây phiền toái và ảnh hưởng đến quyền lợi cán bô công chức. Cũng trong điểm a, Khoản 2, Điều 1 NĐ76 quy đinh: “ Sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành cơ yếu, hải quan, toà án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.”. NĐ76 quy định như thế nhưng do tư duy “phải là TTV mới được tính thâm niên nghề” nên nhiều người bị cắt xén thời gian thâm niên làm việc liên tục trong ngành đáng ra công chức phải được hưởng. Rất nhiều người công tác liên tục trong ngành thanh tra nhưng do năm 1992 TTCP mới quy định bổ nhiệm ngạch thanh tra theo Pháp lệnh Thanh tra nên “bỗng dưng” bị mất hàng chục năm thâm niên trước năm 1992. Đây là một trong những bất cập cần phải được cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi.
Có một hiện trạng nữa mà Thông tư 04 hướng dẫn có tính chất phân biệt đến vô lý: Ví dụ một trung tá quân đội hoặc công an có 20 năm thâm niên, đã chuyển ngành về TTCP được 2 năm. Theo NĐ76, họ là đối tượng được hưởng ngay thâm niên nghề 22%/tháng (gồm 20% (quân đội)+ 2% (TTCP) và mỗi năm tiếp theo được cộng thêm 1%. Nhưng do chưa được bổ nhiệm TTV hoặc đã được bổ nhiệm nhưng chưa đủ 5 năm nên họ phải chờ để được cộng dồn thâm niên nghề. Và nếu sau 6 năm 01 tháng vị cán bộ này về hưu, được cộng dồn 25% thâm niên (trừ 1 năm bổ nhiệm TTV), đáng lẽ thâm niên bình quân tại thời điểm nghỉ hưu để tính bảo hiểm xã hội là 23%/tháng (21+22+23+24+25) rồi chia đều cho 5 năm) thì thâm niên bình quân thực tế chỉ còn 0,41%/tháng (lấy 25% thâm niên mới được hưởng 1 tháng cuối chia đều cho 60 tháng (5 năm cuối). Một con số quá chênh lệch! Tất nhiên còn có cách tính thâm niên khác dành cho quân nhân chuyển ngành nhưng dù cách nào thì người hưởng vẫn bị thiệt thòi. Vấn đề là hiện nay do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều cán bộ cao cấp trong ngành kiểm tra hoặc trong quân đội, công an và kiểm toán có thâm niên cao được trên điều động về TTCP, nếu cứ theo cách tính trên thì họ đều trở thành “tân binh” trong vấn đề hưởng chính sách thâm niên nghề! Quy định của Thông tư 04 cũng mâu thuẫn với Luật Sĩ quan QĐND và Luật CAND, không chỉ ảnh hưởng quyền lợi của công chức mà còn gây rắc rối cho cơ quan kế toán và bảo hiểm trong việc thực hiện các chế độ chính sách khác.
Cần khẳng định rằng NĐ76 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ204 về chế độ thâm niên tiền lương đối với lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức là một sự quan tâm, khích lệ to lớn của Đảng và Nhà nước đối với các ngành nghề có tính đặc thù. Tuy nhiên rất nhiều ý kiên cho rằng việc quy định hưởng chế độ thâm niên nghề trong Thông tư 04 là quá khu biệt so với tinh thần NĐ76. Do đó, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần có sự xem xét sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tiễn./.
Phạm Minh Mẫn