Việc bảo vệ BMNN luôn được đề cao. Ngay từ thời phong kiến Việt Nam, việc giữ BMNN, nhất là bí mật quân cơ đã rất được coi trọng, có những quy định xử lý bằng hình phạt rất nặng đối với những hành vi để lộ BMNN. Quốc triều hình luật hay còn gọi là Luật Hồng Đức quy định “Những người tiết lộ những việc đại sự cần giữ bí mật thì xử tội chém (đại sự như là việc mưu kín để đánh giặc cùng bắt những kẻ mưu phản…); không phải việc đại sự cần giữ bí mật, thì xử phạt 70 trượng, biếm 03 tư. Tiết lộ những việc bàn trong điện đình cần giữ bí mật thì xử tội lưu...”(1); “Khi có việc đi đánh dẹp bí mật, kẻ nào báo cho giặc biết tin tức, cùng là thông đồng với người ngoài để làm gián điệp thì bị chém. Người biết mà dung túng thì cũng cùng một tội”(2).
Trong những năm tháng chiến tranh, công tác bảo vệ BMNN đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện có hiệu quả. Công tác bảo mật đã xây dựng thành các phong trào “Bảo mật - phòng gian” và trở thành câu cửa miệng trong nhân dân: “Ở đây tai vách mạch rừng, những điều bí mật xin đừng nói ra”. Việc làm tốt công tác bảo vệ BMNN đã góp phần quan trọng cho thắng lợi của 02 cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng ta phát động, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội đáng khích lệ, nhưng các thế lực thù địch đang gia tăng thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để đạt được mục tiêu trên, chúng đã dùng mọi thủ đoạn để thâm nhập nội bộ, cài cắm nội gián, tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp, sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật hiện đại để thu thập, lấy cắp, chiếm đoạt BMNN của ta. Các tổ chức phản động luôn tìm các thủ đoạn chống phá, đánh cắp BMNN gây mất ổn định xã hội; tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng sự phát triển của mạng Internet để cài đặt phần mềm gián điệp lên máy chủ của các trang Web của Đảng và Nhà nước, lực lượng vũ trang và đánh cắp thông tin, dữ liệu. Ngoài ra, còn tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mâu thuẫn nội bộ, có đối tượng sử dụng tài liệu BMNN để gây ảnh hưởng, trục lợi.
Xác định rõ tầm quan trọng của bảo vệ BMNN, trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược còn đang gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh 154-SL ngày 17/11/1950 về việc ấn định những biện pháp trừng trị việc tiết lộ bí mật, sau đó ban hành sắc lệnh 69-SL ngày 05/12/1951 bổ khuyết Sắc lệnh trên. Các năm 1962, 1992, Chính phủ ta đã ban hành Nghị định về bảo vệ BMNN. Pháp lệnh Bảo vệ BMNN, gần đây là Luật Bảo vệ BMNN và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ BMNN đã tạo ra cơ sở pháp lý để các Bộ, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Do đó, công tác bảo vệ BMNN ngày càng được củng cố chặt chẽ; công tác phòng, chống âm mưu thu thập BMNN của các thế lực thù địch và các loại tội phạm đã được triển khai thực hiện góp phần bảo vệ an ninh nội bộ, giữ vững ổn định về chính trị, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đối nội và đối ngoại của đất nước.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ BMNN ở nhiều nơi, nhiều lúc đang có biểu hiện bị buông lỏng, ý thức bảo vệ BMNN của bộ phận cán bộ, công chức nhà nước và lực lượng vũ trang chưa được đề cao, còn nhiều sơ hở, mất cảnh giác. “Việc thực hiện quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ BMNN ở hầu hết các bộ, ban ngành, địa phương hiệu quả còn thấp”(3); việc thực hiện quy chế bảo vệ BMNN ở một số cơ quan, tổ chức còn lỏng lẻo, nhất là khi trao đổi, cung cấp tin, tài liệu trong quan hệ đối ngoại... Tình hình lộ lọt BMNN diễn ra rất nghiêm trọng cả ở Trung ương và địa phương. “Theo thống kê từ năm 2001 đến nay, đã phát hiện 844 vụ lộ, lọt BMNN”(4). Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tin, tài liệu, vật mang BMNN về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển đất nước, quan hệ đối ngoại, giải quyết tranh chấp biên giới và về nhân sự, tổ chức, kinh tế, quốc phòng an ninh, trong đó có nhiều tài liệu Tuyệt mật, Tối mật đã bị lộ, lọt. Ngay trong ngành Công an cũng để xảy ra lộ, lọt BMNN, có những vụ rất nghiêm trọng, phải xử lý cán bộ trước pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, đến uy tín của Ngành và gây dư luận không tốt trong nhân dân(5). Chính vì vậy, bảo vệ BMNN được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà nước ta hiện nay, nhưng vừa bảo vệ được BMNN vừa không ảnh hưởng đến việc tiếp cận thông tin của nhân dân, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển, hội nhập của đất nước và đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vấn đề đang được đặt ra.
Thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ BMNN, từ năm 2005 đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra CAND tổ chức 03 đợt thanh tra diện rộng về công tác bảo vệ BMNN với tổng số 267 cuộc đối với các đối tượng là các bộ, ngành, UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị ở trong và ngoài lực lượng Công an. Ngoài ra, Bộ Công an đã thường xuyên tổ chức 24 cuộc kiểm tra đối với các cơ quan tổ chức cả ở trong và ngoài lực lượng CAND, trong đó có các bộ, cơ quan ngang bộ, Cơ quan của Đảng và UBND các cấp.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện nhiều hạn chế, thiết sót, nhược điểm trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ BMNN, để đưa ra các kiến nghị thích hợp, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân lên một bước, hạn chế lộ lọt bí mật nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai thanh tra chưa đảm bảo như Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 21/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ(6); số lượng các cuộc thanh tra (cả thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất) được tổ chức chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Chất lượng thanh tra của một số địa phương chưa cao, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành trong CAND, kết luận thanh tra sơ sài, chưa phát hiện được các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN, nhất là, tập thể, cá nhân làm mất, lộ, lọt BMNN để kiến nghị xử lý và có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình lộ, lọt BMNN sẽ diễn biến phức tạp, cần thiết phải tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ BMNN. Đồng thời, phải không ngừng đổi mới nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần bảo vệ an ninh, chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ BMNN của Bộ Công an.
Thực hiện kế hoạch số 263/KH-BCA-X05 ngày 23/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác thanh tra năm 2019 của lực lượng CAND và Hướng dẫn số 156/HD-X05-P5 ngày 23/01/2019 của Thanh tra Bộ, năm 2019 lực lượng thanh tra CAND sẽ triển khai thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN diện rộng. Trong đó, Thanh tra Bộ sẽ chủ trì tiến hành thanh tra đối với 02 bộ và 02 UBND cấp tỉnh, Thanh tra Công an địa phương chủ trì tiến hành thanh tra đối với UBND cấp huyện, cấp sở, ngành và các đơn vị trong CAND. Để góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành bảo vệ BMNN năm 2019 của lực lượng CAND, thiết nghĩ, cần triển khai thực hiện một số biện pháp cụ thể như sau:
Một là, cần làm tốt công tác chuẩn bị thanh tra. Trước hết là tổ chức sưu tầm, nghiên cứu kỹ để nắm chắc các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN cũng như các văn bản pháp luật có liên quan (tổng số 98 đầu văn bản tài liệu), làm căn cứ để tiến hành thanh tra.
Hai là, lực lượng thanh tra CAND đơn vị chủ trì tiến hành thanh tra cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng (A03, A05 Bộ Công an, PA03, P05… Công an tỉnh) khảo sát, nắm tình hình để lựa chọn đối tượng thanh tra phù hợp theo đúng Hướng dẫn của Thanh tra Bộ để kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ra quyết định thanh tra, phê duyệt kế hoạch thanh tra.
Ba là, lựa chọn cán bộ có trình độ năng lực, có kinh nghiệm thanh tra, cán bộ am hiểu sâu sắc hoặc các chuyên gia về công tác bảo vệ BMNN và cán bộ có trình độ công nghệ thông tin tham gia các Đoàn thanh tra.
Bốn là, trước khi tiến hành thanh tra cần phân công nhiệm vụ cụ thể và làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, thành viên của Đoàn thanh tra. Trong quá trình thanh tra, lãnh đạo và các thành viên của Đoàn thanh tra phải chấp hành điều lệnh CAND và các quy định của pháp luật về thanh tra không làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức được thanh tra, đồng thời hoàn thành đầy đủ các mục tiêu và nội dung của kế hoạch thanh tra đã đề ra.
Có thể khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn nào, BMNN luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nhà nước, liên quan trực tiếp đến mọi lĩnh vực cả về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Do đó, bảo vệ BMNN cũng chính là góp phần thiết thực, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển đất nước, đây cũng chính là nhiệm vụ và yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài./.
Thượng tá Vũ Hồng Thanh
Chú thích:
(1) Điều 20 Chương Vi chế, Quốc triều hình luật, Viện sử học NXB pháp lý - Hà Nội 1991.tr 70;
(2) Điều 15 Chương Quân chính, Sđd trang 105;
(3) Thượng tướng, GS, TS Tô Lâm chủ biên Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VI và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới, trang 78;
(4) Tờ trình Dự án luật Bảo vệ bí mật nhà nước;
(5) Vụ Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phân xây dựng Bắc Nam 799, Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã bị truy tố, xét xử về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước;
(6) Bộ Công an thanh tra chuyên ngành bảo vệ BMNN tại các cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh trực thuộc Trung ương định kỳ 02 năm một lần hoặc tiến hành thanh tra đột xuất.