Tìm giải pháp tổng thể, chiến lược về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay

Thứ sáu, 18/08/2023 08:51
(ThanhtraVietNam) - Các quan điểm lớn của Đảng về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần phải có sự quan tâm nghiên cứu thấu đáo, toàn diện về mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và PCTN làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp tổng thể, chiến lược về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.

Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế

Hiến pháp 2013 ra đời đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, thể hiện sự phát triển về nhận thức trong việc thừa nhận nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền (NNPQ). Theo đó, Hiến pháp đã bổ sung quy định tại Điều 3: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước được ghi nhận chính thức trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở nước ta. Quy định này là sự bổ sung và hoàn thiện nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam; là cơ sở cho việc tiếp tục tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN) giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, để thể chế hoá trong các văn bản pháp luật phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Vừa qua, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022) đã tiếp tục khẳng định nhất quán nguyên tắc: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong NNPQ XHCN Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân”. Để hiện thực hóa quan điểm này, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Nhà nước ta phải quan tâm đến việc “hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, được kiểm soát hiệu quả”. Trọng tâm là “hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

leftcenterrightdel
Hội thảo khoa học "Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng" do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Tạp chí Thanh tra và Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 21/3/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội). Ảnh: Hà Tuấn 
leftcenterrightdel
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo khoa học "Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng". Ảnh: Hà Tuấn  

Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, tiêu cực là việc sử dụng cơ chế, thiết chế, phương thức, biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực. Bài phát biểu Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 đã nhấn mạnh tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là một trong những “sản phẩm” của “sự tha hóa” quyền lực, không có tha hóa quyền lực thì không có tham nhũng; cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn, “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”.

Theo đó, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực. Phải hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực trên tất cả các lĩnh vực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao. Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, tiêu cực phải phù hợp với đặc điểm thể chế chính trị của nước ta, tuân thủ đúng các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của Đảng, Nhà nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để kiểm soát quyền lực; tiến hành kiểm soát bên trong và kiểm soát từ bên ngoài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức vụ, quyền hạn.

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng lớn về tiếp tục xây dựng NNPQ XHCN, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng là sứ mệnh lịch sử khách quan của hệ thống chính trị và người dân. Theo đó, các quan điểm lớn của Đảng về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo yêu cầu xây dựng NNPQ XHCN trong giai đoạn mới đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần phải có sự quan tâm nghiên cứu thấu đáo, toàn diện về mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và PCTN làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp tổng thể, chiến lược về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.

Nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Thực hiện yêu cầu đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Hội thảo ngày mai (18/8) là một trong 04 hội thảo khoa học được tổ chức trong khuôn khổ Đề tài độc lập cấp Quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra là đơn vị chủ trì phối hợp với Tạp chí Thanh tra và Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Hội thảo với mục đích thu thập, chia sẻ thông tin, quan điểm, nhận thức về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, trực tiếp phục vụ cho việc nghiên cứu Đề tài.

Ở hai Hội thảo đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội (ngày 21/3/2023) và Nha Trang, Khánh Hòa (ngày 30/3/2023) góp phần thu hút sự quan tâm, sự chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng các nhà khoa học, của các cơ quan chức năng, các cán bộ thực tiễn và người dân trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học và những người làm công tác thực tiễn gặp gỡ, trao đổi, thảo luận dân chủ, sôi nổi và trách nhiệm, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, pháp luật và thực tiễn có liên quan đến kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam hiện nay.

Theo Hợp đồng đặt hàng thực hiện đề tài khoa học và công nghệ số 05/2021/ĐTĐL.XH-XNT ngày 01 tháng 10 năm 2021 được ký giữa Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thì mục tiêu tổng quát của Đề tài là xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN); đáp ứng toàn diện, kịp thời yêu cầu của công cuộc PCTN ở Việt Nam.

Trong đó, kết quả đầu ra khi nghiên cứu trụ cột nội dung “Cơ sở lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN” phải đạt được 02 mục tiêu cụ thể: Làm rõ các triết lý, tư tưởng, quan niệm về quyền lực, kiểm soát quyền lực và kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; Làm rõ các đặc trưng lý thuyết của kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong thể chế chính trị Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Tạp chí Thanh tra và Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: Hà Tuấn 

Bám sát yêu cầu đặt hàng với tính thực tiễn rất cao nêu trên, hội thảo “Quan điểm định hướng về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” ngày 18/8 được tổ chức nhằm thu thập ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và cán bộ thực tiễn để đề xuất quan điểm định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam thời gian tới trên cơ sở các nghiên cứu lý thuyết và thực trạng về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, nội dung hội thảo sẽ đưa ra các vấn đề: Bối cảnh và dự báo về tình hình tham nhũng và công tác PCTN (Bối cảnh lịch sử có liên quan; dự báo về tình hình tham nhũng và nguy cơ tha hóa quyền lực và dự báo về công tác PCTN); mục tiêu kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam (Mục tiêu kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong khu vực công; mục tiêu kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong khu vực tư; mục tiêu cải thiện chỉ số cảm nhận tham nhũng và công tác PCTN).

Bên cạnh đó, các quan điểm định hướng kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam cũng sẽ được đưa ra tại hội thảo: Về hoàn thiện hệ thống lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; về vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và các chủ thể Nhà nước và xã hội trong kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; về chủ thể, đối tượng, nội dung và phương thức kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; về hợp tác công - tư trong kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; về xây dựng văn hóa liêm chính trong kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; về kế thừa, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và trong lịch sử Việt Nam về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN.

Tham luận Hội thảo sẽ được tập hợp, in thành kỷ yếu phục vụ trực tiếp tại Hội thảo và được tuyên truyền trên các ấn phẩm của Tạp chí Thanh tra (Tạp chí Thanh tra in và Tạp chí điện tử Thanh tra (Thanhtravietnam.vn))./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra