Trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước

Thứ hai, 03/02/2020 14:10
(ThanhtraVietNam) - Công tác tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) trong thời gian gần đây mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song cũng bộc lộ những hạn chế dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc công dân đã khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương. Do vậy, cần có những giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cơ quan HCNN, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Quy định của pháp luật hiện hành về tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cơ quan HCNN

Khoản 2 và Khoản 4, Điều 18 Luật Tiếp công dân 2013 và Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 15/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân quy định người đứng đầu các cơ quan HCNN trong việc tiếp công dân có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình”. Điều 32, Chương V, Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014, quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan HCNN trong việc tiếp công dân: Thủ trưởng cơ quan HCNN có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Luật tiếp công dân”. Ngoài ra, theo Khoản 5, Điều 12 Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày trong 01 tháng. Và Khoản 5, Điều 13 quy định Chủ tịch UBND cấp huyện phải tiếp công dân định kỳ ít nhất 02 ngày trong 01 tháng.

Luật Tiếp công dân 2013 quy định về việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về lịch tiếp công dân của người đứng đầu. Theo đó, lịch tiếp công dân của người đứng đầu phải được “niêm yết chậm nhất là 05 ngày làm việc, trước ngày tiếp công dân; trường hợp không thể thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã công bố do có lý do chính đáng thì có thể lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác”. Đồng thời, Luật cũng quy định về nơi tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan HCNN, bao gồm: Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân hoặc nơi làm việc khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm tiếp công dân bố trí và phải được thông báo công khai hoặc thông báo trước cho người được tiếp. Bên cạnh đó, Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 quy định: Khi tiếp công dân, nếu vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết thì thủ trưởng cơ quan HCNN phải trả lời ngay cho công dân biết; nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu xem xét thì nói rõ thời hạn giải quyết và người cần liên hệ tiếp để biết kết quả giải quyết.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Như vậy, Luật Tiếp công dân 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành chính là cơ sở pháp lý nhằm xác định rõ trách nhiệm, điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan HCNN. Từ đó, giúp người đứng đầu các cơ quan này thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác tiếp công dân; quan tâm, chú trọng hơn đến công tác tiếp công dân cũng như việc xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và chế độ, chính sách đối với công chức làm công tác tiếp công dân. Thông qua công tác tiếp công dân, người đứng đầu các cơ quan HCNN đã kịp thời xử lý vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền đưa hoạt động này vào nề nếp, có hiệu quả.

Thực tiễn thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cơ quan HCNN

Thực tế cho thấy, thủ trưởng các cơ quan HCNN nhìn chung đã có nhận thức về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình. Nhiều lãnh đạo đã trực tiếp tiếp công dân theo quy định, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho một số cơ quan chuyên môn; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới; hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tại các bộ, ngành, nhiều Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã có sự quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Tiếp công dân. Cụ thể, đã ban hành Quy chế, Thông tư quy định về việc tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày trong 01 tháng của Bộ trưởng. Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng tiếp công dân để tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ. Việc tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng được thực hiện căn cứ vào yêu cầu, đề nghị của công dân, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ hoặc các Vụ chức năng bố trí lịch tiếp.

Tại các địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Giám đốc các sở, thủ trưởng ban ngành nhìn chung cũng đã nhận thức được trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của mình theo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tại UBND các xã, phường, thị trấn hiện nay cũng đã ban hành nội quy tiếp công dân, lịch tiếp công dân và niêm yết tại địa điểm tiếp công dân hoặc tại bộ phận một cửa. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn là người trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân nên đã thường xuyên đề xuất với cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, thủ trưởng các cơ quan HCNN về cơ bản đã chủ động chỉ đạo việc tiếp công dân định kỳ nhằm giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; không phát sinh quá nhiều điểm nóng, phức tạp; nhiều trường hợp qua tiếp công dân trực tiếp với thủ trưởng các cơ quan HCNN, khiếu nại, tố cáo được chấm dứt. Nhờ vậy, tình hình an ninh - chính trị, trật tự - xã hội trên địa bàn nhìn chung ổn định, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Việc số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên các cơ quan Trung ương giảm cũng như việc tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ của Thủ trưởng các cơ quan HCNN phần nào cho thấy trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan HCNN đối với vấn đề này nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân ngay tại đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

Một số tồn tại, hạn chế

Về quy định của pháp luật, theo tác giả, quy định về thời hạn tiếp công dân định kỳ “ít nhất là 01 ngày/01 tháng” là không thực sự cần thiết vì không phù hợp với thực tế, khó khả thi, gây khó khăn cho công tác tiếp công dân của người đứng đầu, đặc biệt là với Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Bởi lẽ, các chức danh này phải quản lý, điều hành rất nhiều công việc quan trọng khác mà không chỉ riêng việc tiếp công dân.

Về tổ chức thực hiện, trước hết, sự quan tâm, chỉ đạo đối với công tác tiếp công dân nói chung và tiếp công dân định kỳ nói riêng của thủ trưởng các cơ quan HCNN tại nhiều cấp, ngành, địa phương chưa thực sự kịp thời, đúng mức. Bên cạnh đó, nhiều cấp, ngành, địa phương, thủ trưởng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ là không đúng quy định pháp luật. Luật Tiếp công dân 2013 không quy định người đứng đầu được ủy quyền trong công tác tiếp công dân. Theo đó, Khoản 4, Điều 24 Luật Tiếp công dân chỉ quy định “trường hợp không thể thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã công bố do có lý do chính đáng thì có thể lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác”.

Nguyên nhân của những bất cập, vướng mắc

Một là, do nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo một số cấp, ngành, địa phương đối với công tác tiếp công dân định kỳ chưa đầy đủ nên sự quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo mặt công tác này còn hạn chế. Một số nơi, thủ trưởng còn có biểu hiện ngại khó, ngại va chạm, ngại đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, không lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, dẫn đến nguyện vọng của người dân không được đáp ứng. Vì vậy, có những vụ việc đơn giản, có thể giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở nhưng không được xử lý kịp thời dẫn đến khiếu nại kéo dài.

Hai là, do chưa có cơ chế xử lý nghiêm đối với các trường hợp thủ trưởng các cơ quan HCNN các cấp khi không thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo quy định của pháp luật. Việc xử lý sai phạm gặp khó khăn, đặc biệt là khi các cơ quan thanh tra (cấp dưới) tiến hành thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan HCNN (cấp trên chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp). Điều này không đảm bảo được tính khách quan, công tâm.

Ba là, việc thực hiện công tác tiếp công dân định kỳ xuất phát từ nguyên nhân những người đứng đầu cơ quan như các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đều bận rộn, phải phụ trách rất nhiều công việc, không thể dành nhiều thời gian cho những tác nghiệp. Trong khi đó, đội ngũ làm công tác tham mưu tại một số cơ quan, địa phương trình độ chưa được nâng cao.

Giải pháp, kiến nghị

Về hoàn thiện pháp luật:

Một là, kiến nghị sửa đổi quy định tiếp công dân định kỳ tại Luật Tiếp công dân theo hướng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được phép ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ trong một số trường hợp nhất định như: Có lịch công tác đột xuất, trừ trường hợp phức tạp thì thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân (nhưng vẫn phải đảm bảo số lượng tiếp công dân tối thiểu trong 01 năm của người đứng đầu) để đảm bảo tính khả thi trong công tác tiếp công dân. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi của công dân khi muốn gặp trực tiếp lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Hai là, kiến nghị sửa đổi Luật Tiếp công dân theo hướng đối với các cơ quan HCNN không có hoặc có rất ít công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì Thanh tra hoặc Ban Tiếp công dân địa phương phối hợp, phân bổ thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình.

Về tổ chức thực hiện:

Một là, đề nghị thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ ràng, cụ thể hơn nữa trách nhiệm của mình; sâu sát, quyết liệt, trực tiếp đối thoại với người dân, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để các vụ việc phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Hai là, thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân có sai phạm. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra khi đi thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan HCNN các bộ, ngành, địa phương. Bởi lẽ, việc làm rõ những vi phạm của thủ trưởng cơ quan HCNN để xử lý cũng cần phải có bản lĩnh, muốn làm được điều này, thì phải có chế tài cụ thể.

Ba là, hiệu quả công tác tiếp công dân định kỳ nói riêng, tiếp công dân nói chung, và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, sẽ là căn cứ, là một trong những tiêu chí bổ nhiệm lại/đánh giá/thi đua khen thưởng của cá nhân người đứng đầu cũng như của đơn vị. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần nhận thức rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng, nếu làm tốt sẽ đem lại hiệu quả đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và nhà nước.

Bốn là, đề nghị các cán bộ làm công tác tham mưu cho thủ trưởng trong việc tiếp công dân phải chủ động đề xuất, xây dựng và trình người đứng đầu quyết định lịch tiếp công dân định kỳ (trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm, dự kiến nội dung và thành phần tham dự), đồng thời có thể dự báo tốt các tình huống, vận dụng các quy định pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong trường hợp cơ quan, địa phương nào có nhiều công dân đăng ký người đứng đầu tiếp, cần phải lập danh sách, bố trí, sắp xếp thứ tự các vụ việc theo yêu cầu của công dân. Việc sắp xếp thứ tự các vụ việc cũng cần phải tính đến tính chất, mức độ gay gắt, phức tạp, cấp thiết… 

Năm là, nâng cao vai trò giám sát của công dân, cơ quan, tổ chức đặc biệt là vai trò giám sát đại biểu Hội đồng nhân dân; đại biểu Quốc hội, đối với người đứng đầu các cơ quan HCNN trong tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Sáu là, với hoạt động tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, có thể tổ chức tiếp chung với Đoàn đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh định kỳ mỗi tháng 01 ngày. Việc tiếp công dân chung sẽ huy động, tập trung các ban, ngành cũng như sự có mặt của thủ trưởng cơ quan HCNN, sẽ kịp thời xử lý nhiều vụ việc cùng lúc khi công dân đến kiến nghị, phản ánh.

Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo các cấp, các địa phương quan tâm đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đề đạt của nhân dân, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, thẳng thắn, công khai, dân chủ với nhân dân; chỉ đạo kịp thời giải quyết dứt điểm từ cơ sở thì nơi đó tình hình khiếu nại của dân lên các cơ quan cấp trên rất ít. Cấp nào, địa phương nào lãnh đạo không quan tâm đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, không lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, không gặp gỡ, đối thoại với dân, quan liêu, áp đặt, giao toàn quyền cho cấp dưới giải quyết, thì ở đấy tình hình khiếu nại của công dân rất phức tạp, công dân thường xuyên kéo lên Trung ương. Do vậy, việc nâng cao trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay./.

 

Ths. Đào Thị Thu Hà

Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

Tài liệu tham khảo:

1.    Báo cáo tổng kết 03 năm thi hành Luật tiếp công dân của TTCP (12/2017);

2.    Báo cáo số 222/BC-UBND tỉnh Vĩnh Long ngày 05/9/2018 về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 (thực hiện văn bản số 282/BDN, ngày 04/7/2018 của Ban Dân nguyện – UBTVQH từ ngày 15/7/2017 đến ngày 15/8/2018);

3.    Báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại tỉnh Khánh Hòa (số liệu từ 01/01/2017 đến 31/12/2017);

4.    Báo cáo số 107/BC-Ttra huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) ngày 28/11/2017 về kết quả công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; PCTN năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra