Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

Thứ tư, 23/08/2023 21:31
(ThanhtraVietNam) - Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045, trong đó đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực.

Nhân dân trước hết và trên hết là chủ thể của mọi quyền lực trong xã hội

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đạt được những thành tựu rất quan trọng; tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Đảng ta đề ra mục tiêu tổng quát xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: Hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Thực hiện mục tiêu này, Đảng ta nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về Nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền: Lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quán triệt quan điểm đó là quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tôn trọng, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Có thể thấy, quyền lực Nhà nước không phải là quyền lực tự có của Nhà nước mà là quyền lực phái sinh từ quyền lực Nhân dân. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhân dân trước hết và trên hết là chủ thể của mọi quyền lực trong xã hội.

leftcenterrightdel
Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII). Ảnh: VGP 

Nhân dân thiết lập nên quyền lực nhà nước, các loại quyền lực Nhà nước và các cơ quan thực hiện các loại quyền lực đó, uỷ quyền một phần quyền lực của mình cho các cơ quan nhà nước thực hiện, “để lại” một phần quyền lực để trực tiếp thực hiện và tham gia thực hiện quyền lực Nhà nước đã được uỷ quyền thông qua các hình thức khác nhau. Khi đã uỷ quyền để các cơ quan Nhà nước thực hiện một phần quyền lực của mình, Nhân dân có toàn quyền kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện phần quyền lực đã được uỷ quyền, phản biện đối với chính sách, pháp luật do Nhà nước đưa ra để phát triển đất nước vì ấm no, hạnh phúc và phồn vinh của Nhân dân.

Quyền lực nhà nước phải được giới hạn, phải được kiểm soát

Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước phải được giới hạn, phải được kiểm soát. Giới hạn quyền lực nhà nước tốt là góp phần kiểm soát tốt quyền lực Nhà nước, bảo đảm để quyền lực Nhà nước được thực thi đúng mục tiêu, lý tưởng của nó, thúc đẩy xã hội phát triển ổn định, bền vững, vì ấm no, hạnh phúc và sự phồn vinh của Nhân dân.

Để kiểm soát quyền lực Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúng ta cần hoàn thiện thể chế, phương thức giới hạn quyền lực Nhà nước. Giáo sư Võ Khánh Vinh cho rằng, giới hạn quyền lực Nhà nước phải dựa vào và sử dụng hiệu quả phương thức pháp quyền; tiếp tục hoàn thiện các thể chế pháp luật, thiết chế, phương thức tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước nói chung, các loại quyền lực nhà nước nói riêng.

Theo đó, tiếp tục phân định rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng, giới hạn quyền lực Nhà nước, quyền làm chủ của Nhân dân để làm cơ sở cho việc xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực tương ứng: Kiểm soát quyền lực của Đảng, kiểm soát quyền lực Nhà nước, kiểm soát quyền lực Nhà nước từ phía Nhân dân.

Cần phân định rõ hơn quyền lực Nhân dân và quyền lực nhà nước theo hướng đề cao hơn các quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân, thể chế hoá đầy đủ và thực hiện hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp; mở rộng các hình thức thực hành dân chủ trực tiếp; hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân theo hướng quy định người dân có quyền đề nghị trưng cầu ý dân với Quốc hội, những vấn đề bắt buộc phải trưng cầu ý dân, những vấn đề không trưng cầu ý dân, mở rộng phạm vi trưng cầu ý dân do Quốc hội quyết định đối với những vấn đề quan trọng ở địa phương.

Đồng thời, phân định, điều chỉnh lại một cách khoa học, hợp lý, đúng bản chất các thẩm quyền, các quyền giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, thẩm quyền của Chủ tịch nước, giữa Trung ương và địa phương theo hướng bảo đảm tính liên tục, liên thông, không đứt gãy, không có khoảng trống, không chồng lấn, tính thống nhất của quyền lực nhà nước, tạo điều kiện cho việc hình thành trạng thái cân bằng, thăng bằng hài hoà, hợp lý quyền lực Nhà nước về mặt hiện thực, bảo đảm sự tương tác lẫn nhau, sự không tách rời nhau, không biệt lập với nhau của các loại quyền lực Nhà nước.

GS Võ Khánh Vinh cũng cho rằng chúng ta cần phân định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền; bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền địa phương. Đó chính là tạo ra các căn cứ đầy đủ, rõ ràng, minh bạch cho việc kiểm soát hiệu quả bên trong quyền lực Nhà nước.

Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước theo hướng dựa vào sự phân định giới hạn quyền lực Nhà nước để mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm; kiểm soát quyền lực gắn với xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.

Đi cùng với việc kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực Nhà nước của Đảng, của Nhà nước và của Nhân dân; hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, khiếu nại, tố cáo và các quyền tự do của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong giám sát, kiểm soát quyền lực Nhà nước./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra