Xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra

Thứ ba, 28/11/2023 10:39
(ThanhtraVietNam) - Xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra (KLTT) là vấn đề quan trọng, cần thiết, là khâu cuối cùng trong hoạt động thanh tra. Hoạt động thanh tra đạt được mục đích đặt ra, một phần lớn nhờ vào việc xử lý vi phạm trong thực hiện KLTT giúp cho KLTT được thực hiện nghiêm trên thực tế. Do đó, việc xử lý vi phạm trong thực hiện KLTT phải được thực hiện chính xác, đúng đối tượng, phù hợp hành vi, nghiêm minh, công bằng. Để làm được điều đó, hoạt động xử lý vi phạm trong thực hiện KLTT cần phải dựa trên những căn cứ pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và khả thi.

1. Đối tượng và hình thức bị xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra

Theo Điều 106 Luật Thanh tra năm 2022 quy định xử lý vi phạm trong thực hiện KLTT: "Người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT mà không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật". Như vậy, đối tượng bị xử lý vi phạm trong thực hiện KLTT bao gồm: Người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT và đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra.

Thứ nhất, người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT.

 Theo quy định tại Điều 105 Luật Thanh tra năm 2022, người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT gồm: "Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, công khai việc thực hiện KLTT và xử lý kịp thời vấn đề phát sinh. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra của mình và của Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra của mình và của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Cơ quan thanh tra tiến hành kiểm tra trực tiếp việc thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan". Theo quy định về tổ chức của thanh tra thì những người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đều là cán bộ, công chức và viên chức.[1]

Thứ hai, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra.

 Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện KLTT, quyết định xử lý về thanh tra ở đây có thể là cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân (dưới góc độ lí luận chung về chủ thể của quan hệ pháp luật ở đây bao gồm tổ chức và cá nhân). Trong đó, đối với cá nhân thì có thể là cán bộ, công chức, viên chức hoặc không phải là cán bộ, công chức, viên chức.

Tóm lại, chủ thể là đối tượng bị xử lý vi phạm trong thực hiện KLTT bao gồm cá nhân và tổ chức.

 Một là, về cá nhân

 Đối với cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức nếu có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể phải chịu một hoặc nhiều loại trách nhiệm pháp lí. Đó có thể là trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật nhà nước và trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, nếu cá nhân đã gánh chịu trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hành chính và ngược lại, vì đây đều là các loại trách nhiệm của chủ thể vi phạm pháp luật.

Đối với cá nhân mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức nếu có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể phải chịu một hoặc nhiều loại trách nhiệm pháp lí. Đó có thể là trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự. Cũng tương tự đối với cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức nếu cá nhân đã gánh chịu trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hành chính và ngược lại.

Hai là, về tổ chức

Đối với tổ chức dù là cơ quan nhà nước hay không phải là cơ quan nhà nước nếu có vi phạm trong thực hiện KLTT thì tùy theo tính chất, mức độ có thể phải chịu hai loại trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự.

2. Đánh giá và góp ý quy định có liên quan trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra

Thứ nhất, theo Chương VIII Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra (Dự thảo)[2], quy định về xử lý vi phạm trong việc thực hiện KLTT, thì đối tượng bị xử lý vi phạm trong việc thực hiện KLTT chỉ bao gồm cá nhân (cán bộ, công chức, viên chức và không phải là cán bộ, công chức, viên chức). Như vậy, đối chiếu với các đối tượng có thể bị xử lý vi phạm trong việc thực hiện KLTT quy định trong Luật Thanh tra năm 2022, thì quy định tại Dự thảo chưa đầy đủ các đối tượng có thể bị xử lý vi phạm trong việc thực hiện KLTT. Vì vậy, tác giả cho rằng, Dự thảo cần phải được bổ sung đối tượng có thể bị xử lý vi phạm trong việc thực hiện KLTT là tổ chức (bao gồm cơ quan nhà nước và tổ chức khác) để phù hợp với Luật Thanh tra năm 2022.

leftcenterrightdel

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự án luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh:  Ngọc Thành/vov.vn 

Thứ hai, tại Điều 64 và Điều 65 Dự thảo quy định cụ thể các hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức mà lại không quy định cụ thể các hình thức xử lý của các loại trách nhiệm pháp lý còn lại (trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự). Tác giả cho rằng, Dự thảo không cần thiết phải quy định nêu tên cụ thể các hình thức xử lý kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức và kể cả cũng không cần thiết phải quy định nêu tên cụ thể các hình thức xử lý của các loại trách nhiệm pháp lý khác, bởi các hình thức xử lý vi phạm đã được các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành quy định, chẳng hạn như: Luật Cán bộ, công chức, viên chức; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính… Hơn nữa, việc quy định rõ các hình thức xử lý vi phạm trong một văn bản quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra là không khả thi.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định cùng một hành vi nhưng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà đối tượng vi phạm trong thực hiện KLTT có thể phải chịu các loại trách nhiệm pháp lý khác nhau là không chính xác, không bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng, có thể sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền.

Từ các lý do trên, tác giả cho rằng, cần thiết nên có một nghị định quy định riêng về xử lý vi phạm trong thực hiện KLTT, vấn đề này đã được Luật Thanh tra năm 2022 quy định. Chúng ta có thể căn cứ vào mức độ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của các chủ thể trong thực hiện KLTT; mức độ lỗi; thời hạn không thực hiện nghĩa vụ; hậu quả của việc thực hiện không đúng, không đầy đủ và không thực hiện của các chủ thể… để tiến hành xác định hình thức trách nhiệm pháp lý tương ứng.


[1]Điều 13, Điều 17, Điều 21, Điều 25, Điều 29, Điều 33 Luật Thanh tra năm 2022.

Ths. Dương Văn Quý
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra