Video của 1977 Vlog là hoạt động mở màn cho chiến dịch truyền thông có tên “Vật chủ”, do CHANGE và WildAid thực hiện, để hưởng ứng Chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD), trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, vốn được nghi xuất phát từ ĐVHD. “Vật chủ" là nhằm chỉ những sinh vật bị các loại virus, vi khuẩn … sống ký sinh.
Có thể nói, trong các dịch bệnh kinh hoàng trong lịch sử liên quan đến ĐVHD, các tác nhân truyền nhiễm thường không gây ảnh hưởng đến vật chủ (con vật) mà chúng ký sinh, nhưng chúng lại là mối nguy hiểm lớn đối với những loài không có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với chúng, như loài người chúng ta. Chính vì vậy, thông qua tên chiến dịch, CHANGE và WildAid mong muốn cộng đồng: Đừng tự biến mình thành những vật chủ của các loại virus bằng hành động thiết thực nhất là bản thân không tiêu thụ tất cả các sản phẩm từ ĐVHD, và hãy nói điều đó với những người xung quanh mình.
Ảnh minh họa: BTC cung cấp
Đây là video đầu tiên trong chuỗi 5 video của chiến dịch “Vật chủ” nhằm nhấn mạnh mối quan hệ giữa việc tiêu thụ ĐVHD và sức khỏe cộng đồng, qua đó kêu gọi việc khẩn thiết phải chấm dứt tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD để giúp phòng ngừa những đại dịch tương tự trong tương lai.
1977 Vlog - Top 5 Đại sứ Truyền Cảm hứng của WeChoice Awards 2019 đã có một sự sáng tạo đột phá khi đưa bối cảnh sau cách ly dịch bệnh về với làng Vũ Đại. Vẫn là những câu thoại dí dỏm, châm biếm nhưng đầy sâu sắc xoay quanh cuộc sống hàng ngày của Chí Phèo - Thị Nở, nhưng nội dung được khéo léo đưa ra những tình huống dở khóc dở cười của cuộc sống người dân sau trận đại dịch. Thông qua diễn xuất đầy sáng tạo câu chuyện về tệ nạn tiêu thụ ĐVHD dưới góc nhìn của các tầng lớp khác nhau trong xã hội được thể hiện. Đặc biệt vidieo đã đưa ra lời cảnh báo về các mối nguy cho sức khỏe cộng đồng từ việc tiêu thụ ĐVHD, khi rất nhiều loài ĐVHD có thể mang trong mình các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng, đã từng gây nên rất nhiều đại dịch trong quá khứ.
Chia sẻ về lần đầu tiên tham gia một chiến dịch kêu gọi bảo vệ ĐVHD, Việt Anh - thành viên của 1977 Vlog cho biết “Để thực hiện được video này, nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là vào thời gian giãn cách xã hội, không được tụ tập quá 2 người, không tìm và thuê mướn được đạo cụ. Khi hết lệnh giãn cách thì cả nhóm triển khai ngay thì Hà Nội lại vào những ngày vừa mưa, vừa rét. Khi lên kịch bản, bọn mình cũng gặp khó khăn là làm sao để vừa giải trí, vừa tuyên truyền. Thông qua những câu hài để lại suy ngẫm cho khán giả. Câu chuyện về việc kêu gọi không tiêu thụ, ăn thịt ĐVHD, động vật quý hiếm không mới. Nhiệm vụ của nhóm là truyền tải thông điệp mạnh hơn nữa, để mọi người nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn”.
Trung Anh - thành viên khác của 1977 Vlog xúc động: “Động lực của nhóm có lẽ giống như những người vẫn ngày đêm cố gắng bảo vệ ĐVHD. Đó là muốn tự nhiên vẫn giữ được vẻ đẹp, sự đa dạng, phong phú của nó và con người từ đó sẽ có một môi trường sống tốt hơn, cho hôm nay và cho các thế hệ sau”.
Bên cạnh việc sản xuất các video và nhiều tài liệu truyền thông sáng tạo để thay đổi nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng thay đổi thói quen, chiến dịch “Vật chủ” của CHANGE và WildAid còn có nhiều hoạt động quan trọng khác, bao gồm Giải thưởng báo chí toàn quốc về chủ đề buôn bán ĐVHD, các hoạt động tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan báo chí tại các tỉnh, thành được coi là điểm nóng về ĐVHD; cùng với chuỗi hoạt động mạnh mẽ với giới doanh nghiệp và các doanh nhân tiên phong.
“Đợt Covid-19 vừa qua đã cho mọi người thấy rõ việc lây lan một dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, nên chưa bao giờ các doanh nhân ở Việt Nam lại quan tâm tới một chiến dịch về ĐVHD như vậy. Tôi tin rằng việc cả cộng đồng, báo chí, và giới doanh nghiệp cùng cam kết hành động sẽ là một lời khẳng định tích cực với cộng đồng quốc tế về cam kết của Việt Nam trong việc ngăn chặn hoàn toàn việc buôn bán ĐVHD, phòng tránh các thảm hoạ tương tự cho thế giới”, bà Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc CHANGE chia sẻ./.
Lan Anh