Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang được thành lập theo Quyết định số 2454/QĐ-BYT ngày 18/5/2021 của Bộ Y tế. Ngay khi nhận nhiệm vụ, các thành viên đã tích cực chủ động tham mưu, phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch thông qua các cuộc họp, bàn thảo, bám sát thực địa... Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế đã huy động hơn 2.500 nhân lực y tế hỗ trợ toàn diện công tác chống dịch tại Bắc Giang, cùng với triển khai đồng loạt các giải pháp căn cứ vào diễn tiến của dịch, đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và ghi nhận xu hướng ca mắc mới giảm mạnh.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phối hợp rất chặt chẽ với Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Giang. (Ảnh: Bộ Y tế)
Áp dụng biện pháp cách ly phù hợp với tình hình thực tế
So với các làn sóng dịch trước đó tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, đợt dịch lần này tại Bắc Giang có rất nhiều điểm khác về quy mô, tốc độ lây lan lẫn mức độ nguy hiểm của biến chủng của SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ. Đặc biệt do dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên số lượng công nhân có liên quan dịch tễ tại ổ dịch quá lớn, lên tới vài chục nghìn người, dẫn tới thực tế là không thể tổ chức cách ly tập trung hết được những người này.
Để ứng phó tình huống cấp bách trên, các chuyên gia của Bộ Y tế thuộc Tổ điều tra, giám sát dịch tễ do PGS. TS. Trần Như Dương đứng đầu, đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng phong tỏa ngay các khu dân cư tập trung đông công nhân có nguy cơ cao, như: Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng, Quang Biểu... Đưa thiết chế cách ly tập trung vào những khu vực này để thiết lập mô hình khu cách ly y tế tập trung tại chỗ nhằm khoanh vùng, khống chế dịch ngay. Thực hiện nghiêm ngặt việc nội bất xuất, ngoại bất nhập không cho nguồn lây có cơ hội thoát ra ngoài để lây lan sang các địa phương khác.
Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt việc cách ly tại nhà với từng hộ gia đình ở bên trong ổ dịch để ngăn chặn dịch lây lan với nguyên tắc “Người nhà nào ở yên nhà ấy; không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài; không cho ai đến chơi nhà ai; không cho ai vào nhà mình với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài”.
Một trong những biện pháp quyết liệt được Bắc Giang triển khai thực hiện là lấy mẫu xét nghiệm quét định kỳ 3 ngày/lần tại những khu vực phong tỏa để phát hiện và đưa nhanh người nhiễm ra khỏi cộng đồng. Đây là quá trình làm sạch ổ dịch, được tỉnh đã và đang làm rất kiên trì, thường xuyên, liên tục và mang lại hiệu quả cao. Mặt khác, tỉnh Bắc Giang cũng đã tổ chức việc kéo giãn, rút giảm mật độ công nhân tại những điểm nóng có mật độ quá cao để làm giảm nguy cơ lây lan trong ổ dịch, đặc biệt tại thôn Núi Hiểu.
Bằng việc triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ nêu trên, Bắc Giang dần khống chế được dịch bệnh, số ca nhiễm có xu hương giảm dần.
Linh hoạt trong xét nghiệm
Do biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 trong đợt dịch mới có tốc độ lây lan nhanh, lại ở ở khu công nghiệp nên số lượng ca bệnh có liên quan dịch tễ lên tới vài chục nghìn người. Vì vậy, việc xét nghiệm phải thực hiện nhanh trên diện rộng, phạm vi lớn. Trong khi xét nghiệm realtime PCR (RT-PCR) bắt buộc phải thực hiện trong phòng thí nghiệm và cần có thời gian nên việc áp dụng test nhanh kháng nguyên được đề xuất triển khai để sàng lọc tại chỗ các nguồn lây nhiễm mạnh.
Công tác lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện ở từng ngõ xóm để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. (Ảnh: Bộ Y tế)
Test nhanh được sử dụng cho các trường hợp có triệu chứng và thực hiện tại các khu vực tỷ lệ lây nhiễm cao và khu cách ly tập trung, còn phương pháp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp/ mẫu đơn được chỉ định linh hoạt theo tình hình dịch tại từng khu vực. Các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao thực hiện theo kế hoạch 72h/lần, các khu vực cộng đồng 5 ngày/lần để tầm soát nguy cơ lan bệnh trong cộng đồng.
Tại Bắc Giang, phương pháp lấy mẫu xét nghiệm cũng thực hiện theo hình thức mới, chia nhỏ các nhóm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lấy mẫu nhằm hạn chế tới mức tối đa việc lây nhiễm chéo. Nhờ áp dụng phương pháp mới trên, các ổ dịch nóng tại Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng (huyện Việt Yên) đã từng bước được sàng lọc, làm sạch. Tới nay, tại các ổ dịch đã gần như được khống chế và kiểm soát.
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề thiếu hụt về nhân lực y tế, Tổ xét nghiệm đã tham mưu lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thử nghiệm mô hình hướng dẫn người dân tự lấy mẫu test nhanh cho nhau (triển khai thí điểm tại các khu cách ly tập trung). Cụ thể, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phối hợp cùng lực lượng nhân viên y tế tới từ các đoàn chi viện tổ chức nhiều buổi tập huấn cho người dân tự lấy mẫu trong các khu cách ly tập trung, xây dựng video hướng dẫn tự lấy mẫu test nhanh và hướng dẫn nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh trong cộng đồng.
Thành lập Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất từ trước đến nay
Với số ca mắc Covid-19 lên đến gần 3.000 trường hợp, dự báo trong những ngày tới, số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng cao song mức tăng có chiều hướng giảm. Trước tình hình đó, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Tổ trưởng điều trị Bộ phận thường trực, không thể nào thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến cùng một lúc vì rất tốn kém và mất thời gian. Do đó, Bộ phận thường trực đã thảo luận và thống nhất với UBND tỉnh Bắc Giang phương án tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của tỉnh. Cụ thể, tận dụng ký túc xá các Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự, Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn, Trung tâm chăm sóc người có công… và một số cơ sở khác nhằm thiết lập làm cơ sở thu dung điều trị ban đầu bệnh nhân mắc Covid-19.
Những ca dương tính không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị ở các cơ sở nêu trên. Tất cả bệnh nhân ở đây đều có bệnh án, được theo dõi y tế như ở bệnh viện, gồm: Được xét nghiệm, chụp X-quang để theo dõi diễn tiến của phổi, cùng với các hỗ trợ về mặt sức khỏe để bệnh nhân nhanh hồi phục và giảm nguy cơ diễn biến nặng.
Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh có quy mô hơn 600 giường. (Ảnh: Bộ Y tế)
Một điểm mới trong công tác điều trị lần này là biểu hiện lâm sàng của ca bệnh khác với đợt dịch trước: Ngay cả những người trẻ không có bệnh nền thì diễn biến tổn thương phổi cũng rất nhanh, thường xảy ra từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, từ khi có triệu chứng sau vài ngày đã xuất hiện mờ trắng hai bên phổi, nên nguy cơ tử vong có thể ở các nhóm độ tuổi. Vì vậy, phương án thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất từ trước đến nay được ra đời, đáp ứng yêu cầu với đầy đủ hệ thống và phương tiện cần thiết.
Cùng với Bệnh viện Phổi Bắc Giang được thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực với 58 giường, thì Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) quy mô lớn nhất miền Bắc với 101 giường đã được ra mắt ngày 04/6/2021 sau 5 ngày khẩn trương triển khai thi công. Hệ thống thiết bị máy móc, bao gồm: 60 máy thở, máy siêu âm mới, máy chụp X-quang... có thể thực hiện hồi sức mức độ cao nhất như ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu, thở máy, giường thở máy lên đến 70 bệnh nhân thở máy liên tục./.
PV