Những tác động tỷ USD tới kinh tế toàn cầu và ứng phó mạnh mẽ của ADB đối với đại dịch Covid-19

Thứ sáu, 15/05/2020 16:19
(ThanhtraVietNam) - Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại hàng tỷ USD. Song hành với đó, tổ chức ngân hàng này đã đưa ra những ứng phó, hỗ trợ mạnh mẽ.

Báo cáo cập nhật đánh giá về tác động kinh tế tiềm tàng của Covid-19, những tổn thất về kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương có thể dao động từ 1,7 nghìn tỷ USD trong kịch bản ngăn chặn ngắn với thời gian 3 tháng lên tới 2,5 nghìn tỷ USD trong kịch bản ngăn chặn dài trong 6 tháng, với khu vực này chiếm khoảng 30% tổng mức sụt giảm sản lượng toàn cầu. Có quốc gia có thể bị tổn thất từ 1,1 nghìn tỷ tới 1,6 nghìn tỷ USD. Phân tích mới đã cập nhật những kết quả được trình bày trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2020 mới công bố tháng 4, trong đó ước tính thiệt hại toàn cầu do Covid-19 có thể dao động từ 2 nghìn tỉ tới 4,1 nghìn tỷ USD.

Trước những tác động của đại dịch, các Chính phủ trên khắp thế giới đã hành động nhanh chóng, thực thi các biện pháp như nới lỏng tài chính và tiền tệ, tăng chỉ tiêu cho y tế và hỗ trợ trực tiếp để bù đắp những thiệt hại về thu nhập và doanh thu. Các nỗ lực được duy trì bởi Chính phủ, tập trung vào những biện pháp này, có thể làm giảm bớt tác động về kinh tế của Covid-19 ở mức từ 30% tới 40%, theo nhận định của báo cáo. Điều này có thể làm giảm tổn thất kinh kế toàn cầu do đại dịch trong khoảng từ 4,1 nghìn tỷ tới 5,4 nghìn tỷ USD.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet

Bên cạnh các cú sốc đối với du lịch, tiêu dùng, đầu tư, cũng như các liên kết sản xuất và thương mại thì sự gia tăng chi phí thương mại tác động tới việc di chuyển, du lịch và các ngành nghề; sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang có tác động tiêu cực tới sản lượng và đầu tư; và những chính sách ứng phó của Chính phủ giúp giảm thiểu ảnh hưởng do tác động kinh tế toàn cầu của đại dịch Covid-19.

Mặt khác, bên cạnh việc tăng chi tiêu cho y tế và tăng cường các hệ thống y tế, sự bảo vệ mạnh mẽ đối với thu nhập và việc làm là hết sức cần thiết để tránh được công cuộc phục hồi kinh tế kéo dài và khó khăn hơn. Các Chính phủ cần quản lý sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng; hỗ trợ và tăng cường thương mại điện tử và lô-gis-tíc để cung cấp hàng hóa và dịch vụ; tài trợ cho các biện pháp bảo hộ xã hội tạm thời, trợ cấp thất nghiệp, và phân phối các hàng hóa thiết yếu – đặc biệt là lương thực – để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh mẽ hơn trong tiêu dùng, theo nhận định của báo cáo.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, chia sẻ: “Phân tích mới này trình bày một bức tranh tổng thể về tác động kinh tế tiềm tàng to lớn của Covid-19. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những can thiệp chính sách nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại đối với các nền kinh tế. Những phát hiện này có thể cung cấp định hướng chính sách phù hợp cho các Chính phủ, khi họ xây dựng và thực thi những biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, cũng như giảm nhẹ tác động của đại dịch tới nền kinh tế và người dân của mình”.

Theo các kịch bản ngăn chặn ngắn hạn và dài hạn, những biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại và phong tỏa mà các nền kinh tế nơi dịch bùng phát đã thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 nhiều khả năng khiến thương mại toàn cầu sụt giảm từ 1,7 nghìn tỷ tới 2,6 nghìn tỷ USD. Toàn cầu sẽ giảm từ 158 triệu tới 242 triệu việc làm, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 70% tổng số việc làm bị mất. Thu nhập của lao động trên toàn thế giới sẽ giảm từ 1,2 nghìn tỷ tới 1,8 nghìn tỷ USD – 30% trong số đó sẽ thuộc về các nền kinh tế trong khu vực.

Do tình hình đang diễn biến nhanh chóng, ADB sẽ cập nhật đánh giá tác động của mình, có tính tới các kênh hiệu ứng lan tỏa bổ sung khi cần thiết. Tổ chức này đang tích cực hỗ trợ các thành viên khắc phục những tác động của Covid-19 thông qua gói hỗ trợ ứng phó trị giá 20 tỷ USD được công bố ngày 13 tháng 4. ADB đã phê duyệt một loạt các biện pháp để hợp lý hóa hoạt động, nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và linh hoạt hơn.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra