Bộ Y tế cho biết, Bộ đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường sản xuất và phát triển tài liệu truyền thông 14 video clip về ca khúc “Ghen Cô Vy” và phối hợp với Dancer Quang Đăng phát triển “Vũ điệu rửa tay” ra một số tiếng dân tộc và ngôn ngữ ký hiệu.
Tính đến 6h sáng ngày 02/7/2020, Việt Nam ghi nhận 355 trường hợp mắc Covid-19; 336 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 19 bệnh nhân đang được điều trị và không có ca nào tử vong. Đây là thành quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, các Bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, sự phối hợp liên ngành và các giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai và minh bạch góp phần giúp Việt Nam thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch.
"Vũ điệu rửa tay" của Dancer Quang Đăng từng gây sốt không chỉ trên mạng xã hội Việt Nam mà còn nổi tiếng trên thế giới.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông kịp thời, chính xác cũng góp phần không nhỏ vào kết quả nêu trên. Đó là việc cập nhật các thông tin thường xuyên, liên tục cho Nhân dân về tình hình dịch bệnh; các khuyến cáo, hướng dẫn, thông điệp phòng, chống bệnh… Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc truyền thông các đối tượng yếu thế như người dân ở khu vực miền núi vùng sâu, vùng xa dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người khiếm thính.
Theo số liệu Báo cáo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có 96,2 triệu người; có 53 dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số cả nước, trong đó, 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là: Tày, Thái, Mông, Khmer, Nùng. Địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số là vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong khi đó, các dân tộc thiểu số thường sống ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa, do đó, còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công (như y tế và giáo dục) và khó có thể tiếp cận, cập nhật thường xuyên thông tin.
Chính vì vậy, việc phát triển các tài liệu truyền thông nói trên của Bộ Y tế và UNDP Việt Nam có ý nghĩa rất lớn nhằm nâng cao nhận thức của người dân cần tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, xây dựng tình đoàn kết, đồng thuận làm theo của cộng đồng xã hội nói chung và nhóm người dân tộc thiểu số, nhóm người khuyết tật (người khiếm thính) nói riêng để cùng chung tay bảo vệ thành quả chống dịch bệnh Covid-19 mà chúng ta đang kiểm soát tốt với thông điệp “Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau”./.
Minh Nguyệt