Hiện nay, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp với số người nhiễm, tử vong do dịch bệnh tại nhiều nước vẫn gia tăng nhanh. Hiện có hơn 4,5 triệu người mắc trên toàn thế giới, trong đó có hơn 330.000 người đã tử vong. Tại Việt Nam, đến thời điểm này ghi nhận 314 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 260 trường hợp đã khỏi bệnh, không có trường hợp nào tử vong. Những thành quả chống dịch của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Việt Nam được coi là điểm sáng phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh minh họa. Ảnh: TL)
Kỳ tích Việt Nam
Nước ta đạt được thành tích ngoạn mục trong việc phòng, chống dịch COVID-19 trước hết là nhờ chiến lược đúng đắn, nhất quán; phương châm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; hành động kịp thời, quyết liệt, “chống dịch như chống giặc”; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn dân. Cùng với đó là “chiến thuật" uyển chuyển, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn.
“Kỳ tích Việt Nam” được vun đắp từ những thành công nhỏ nhưng vững chắc theo diễn biến của dịch COVID-19.
Trong giai đoạn 1 (từ ngày 23/1 đến trước ngày 6/3), khi mới có 16 ca mắc, Việt Nam đặt ra mục tiêu chữa trị thành công cho các bệnh nhân, không để xảy ra ca tử vong. Đến ngày 25/2, tất cả 16 bệnh nhân COVID-19 đều được chữa trị khỏi bệnh, không có ca tử vong.
Trong giai đoạn 2 (từ ngày 6/3 đến ngày 20/3), khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 chạm mốc 100, mục tiêu của ngành y tế cũng như của toàn xã hội là giảm đà tăng của dịch, không để xảy ra “mô hình 9 ngày nhân 10 lần số ca nhiễm” như ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 22/3 Việt Nam ghi nhận 100 ca mắc COVID-19 (không tính 16 ca trong giai đoạn 1), nếu áp đặt mô hình “9 ngày” vào việc dự báo dịch tễ thì trước ngày 1/4 chúng ta có khả năng có 1.000 ca mắc. Tuy nhiên, đến ngày 31/3 số bệnh nhân COVID-19 chỉ dừng lại ở con số 204, mức tăng rất chậm so với tình hình chung trên thế giới cũng như ở Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 3 (từ sau ngày 20/3), khi có các ca nhiễm trong cộng đồng, mất dấu F0, cách làm của Việt Nam là quyết liệt khoanh vùng dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các ổ dịch đã được phong tỏa triệt để, số ca mắc COVID-19 dừng ở con số 140 (đến sáng 15/5). Các bệnh nhân cũng như các trường hợp F1, F2, F3 đều được cách ly ở những mức độ khác nhau.
Thành công của chiến lược khoanh vùng dập dịch và đặc biệt là chỉ thị giãn cách xã hội ở nước ta làm chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng bị chặt đứt một cách bền vững. Và đến hôm nay là ngày thứ 30 nước ta không ghi nhận các ca nhiễm mới trong cộng đồng (không tính các ca nhiễm nhập cảnh).
Dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi
Từ 0 giờ ngày 14/5, khu vực cách ly thôn Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) - khu vực cách ly cuối cùng của Hà Nội được gỡ phong tỏa. Như vậy, tại Việt Nam không còn ổ dịch COVID-19 nào trong cộng đồng.
Tính tới sáng 16/5, cả nước đã có 30 ngày liên tục không phát hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong tổng số 314 trường hợp mắc bệnh COVID-19 có 174 trường hợp mắc bệnh là nhập cảnh được cách ly ngay, không để lây lan trong cộng đồng.
Đánh giá về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng.
Thắng lợi trong công tác phòng chống dịch bệnh đến thời điểm này rất quan trọng và có ý nghĩa lớn, khẳng định quyết tâm, ý chí thống nhất trong hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước trong công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, thời gian tới Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 ở các nước trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo. Số người nhiễm, số người tử vong do dịch bệnh tại nhiều nước vẫn ở mức cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, quyết không để dịch bệnh trở lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đến thời điểm này, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã dược đẩy lùi nhưng chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, phải kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại ở Việt Nam. Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống nhân dân”.
Tiếp tục "bao đê cho chặt"
Cả nước đã bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay hiện mỗi ngày Việt Nam xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu và đến nay đã thực hiện xét nghiệm 275.000 mẫu, phát hiện 288 trường hợp nhiễm COVID-19, phần lớn ở trong cơ sở cách ly. Bộ Y tế đánh giá dịch tễ học về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp.
"Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 ở tất cả các tuyến. Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước. Ban Chỉ đạo quốc gia tập trung điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng phòng, chống dịch" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, chưa có ca nào tử vong. (Ảnh: TL)
Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam phải "bao đê cho chặt", nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Các lực lượng phòng, chống dịch như y tế, Quân đội, Công an… không được nghỉ ngơi, luôn trong trạng thái sẵn sàng. Đơn cử, ngành Y tế tiếp tục triển khai nghiên cứu về thuốc, vắc xin, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khoẻ điện tử từng người dân… Lực lượng Quân đội, Công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung.
Các biện pháp của Việt Nam rất nhanh và hiệu quả
Thời gian qua, truyền thông quốc tế tiếp tục đề cao Việt Nam khống chế thành công dịch COVID-19 và bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường mới. Nhiều nhận định đưa ra cho thấy việc Việt Nam đẩy lùi được dịch bệnh đã trở thành địa chỉ tin cậy đối với giới đầu tư, tạo thuận lợi cho quá trình khôi phục sản xuất sau đại dịch.
Ngày 13/5, tại buổi họp trực tuyến với Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Dịch vụ Y tế Australia đánh giá Việt Nam là một trong những nước ứng phó tốt nhất với dịch COVID-19 trên thế giới và Chính phủ Việt Nam đã tiến hành các biện pháp chống dịch rất hiệu quả.
Trong cuộc làm việc gần đây với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp chống dịch nhanh, hiệu quả mà Việt Nam đã triển khai. "Ấn tượng" của ông Park là việc Việt Nam đã có 30 ngày không ghi nhận bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng, đã khống chế dịch sớm trong thời điểm số mắc và số tử vong vẫn đang gia tăng mạnh ở nhiều quốc gia. Nhờ vậy Việt Nam đã sớm có đủ điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế, mở cửa trường học, doanh nghiệp trở lại. Cuộc sống bình thường đã trở lại sớm hơn so với nhiều quốc gia khác.
“Việt Nam nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế,” ông Kidong Park cho hay.
Chia sẻ cảm giác an toàn khi sống, làm việc tại Việt Nam thời gian qua, ông Kidong Park và nhiều chuyên gia quốc tế cảm ơn và đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ của Việt Nam về mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kể cả số liệu về số ca nhiễm bệnh, số ca điều trị khỏi, và chưa có ca nào tử vong.
Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu hay vắc xin điều trị COVID19… do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Việt Nam vẫn phải ở trong tâm thế hết sức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ khi các quốc gia đang phải ứng phó vô cùng vất vả, vẫn hiện hữu nguy cơ có những ca bệnh tại cộng đồng.
Thời gian tới, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn như: Mô hình hoá sự lây lan dịch bệnh; đánh giá hệ thống y tế để tìm ra điểm yếu, hạn chế từ đó đầu tư kịp thời, đảm bảo luôn chủ động phòng, chống dịch; ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài; tăng cường giám sát các nhóm nguy cơ…
Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, chúng ta không còn tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, không được mất cảnh giác khi dịch bệnh còn lây nhiễm ở nhiều nước và chưa có thuốc đặc trị. Theo đó, Thủ tướng đề nghị có chiến lược phòng chống dịch mới, vừa có hiệu quả về y tế, vừa bền vững về kinh tế. Khi chưa có vắc xin phòng bệnh, có nghĩa là phòng, chống COVID-19 phải được xem là chiến lược lâu dài./.
Theo Dangcongsan.vn