Ngày Quốc tế Chống tham nhũng 2022
IACD năm 2022 được Liên hợp quốc chọn làm ngày khởi đầu chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm UNCAC với chủ đề “20 năm UNCAC: Đoàn kết Thế giới chống tham nhũng”. Liên hợp quốc định hướng, từ nay tới IACD 2023, sẽ cùng với các đối tác trên toàn thế giới, chứng minh một thế giới trở nên tốt đẹp hơn nhờ sự thúc đẩy các hành động tập thể mà Công ước mang lại và xóa bỏ những tồn tại, hạn chế để đảm bảo Công ước là một cơ chế thực sự mạnh mẽ cho công tác chống tham nhũng những năm tiếp theo.
Ngày Quốc tế Phòng, chống tham nhũng 2022 nêu bật mối liên kết quan trọng giữa phòng, chống tham nhũng và hòa bình, an ninh và phát triển. Cốt lõi chính là Quan điểm cốt lõi, mấu chốt là đấu tranh với tội phạm tham nhũng là quyền và cũng là trách nhiệm của mọi người, và chỉ thông qua sự hợp tác và tham gia của mỗi người và mọi cơ quan, tổ chức, chúng ta mới có thể vượt qua tác động tiêu cực của nó. Các quốc gia, quan chức chính phủ, công chức, cán bộ thực thi pháp luật, truyền thông, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, học viện, công chúng và thanh niên đều có vai trò quan trọng trong cuộc chiến này. Nhân ngày này, cũng như hướng tới 20 năm UNCAC, Liên hợp quốc kêu gọi cùng chung tay, đoàn kết toàn thế giới chống tham nhũng vì hòa bình, an ninh và phát triển.
Tham nhũng là một trở ngại lớn đối với hòa bình, an ninh và phát triển. Từ giáo dục đến môi trường, từ kinh doanh đến thể thao, từ bình đẳng giới đến tiếp cận công lý... - tham nhũng làm suy yếu mọi lĩnh vực phát triển của xã hội. Trong khi đó, tham nhũng, xung đột và bất ổn đan xen chặt chẽ với nhau. Tham nhũng không chỉ đi kèm xung đột mà còn thường xuyên là một trong những nguyên nhân gốc rễ của nó. Nó châm ngòi các xung đột và cản trở các tiến trình hòa bình bằng cách phá hoại luật pháp, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, tạo điều kiện cho việc sử dụng tài nguyên bất hợp pháp và cung cấp tài chính cho xung đột vũ trang. Do đó, thúc đẩy tính minh bạch và củng cố các thể chế chống tham nhũng là rất quan trọng để duy trì hòa bình.
|
|
Ảnh minh họa (nguồn: Ngọc Vân) |
Quá trình ra đời của Công ước và sự tham gia của Việt Nam
Công ước chống tham nhũng hướng tới thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng và chống tham nhũng một cách hữu hiệu và hiệu quả hơn; thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong việc phòng và chống tham nhũng, kể cả việc thu hồi tài sản; thúc đẩy sự liêm chính, chế độ trách nhiệm và việc quản lý đúng đắn công vụ và tài sản công.
Trong giai đoạn những năm 2000, cùng với xu thế toàn cầu hoá, tham nhũng ngày càng lan rộng và trở thành một vấn đề hết sức nhức nhối, đe doạ nghiêm trọng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, việc hình thành một khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác giữa các quốc gia trên phạm vi quốc tế để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với hành vi tham nhũng và tác hại của hành vi này là một yêu cầu bức thiết của cả cộng đồng quốc tế.
Ngày 4/12/2001, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 55/61 thành lập một Uỷ ban đặc biệt chịu trách nhiệm soạn thảo Công ước. Cơ quan thường trực của Uỷ ban này là Uỷ ban phòng chống tội phạm và ma tuý của Liên hợp quốc (UNODC). Từ tháng 2/2002 đến tháng 10/2003, Uỷ ban soạn thảo Công ước đã họp 7 phiên với sự tham dự của đại diện hơn 100 quốc gia trên thế giới và gần 30 tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để thảo luận và xây dựng dự thảo Công ước. Tiến trình đàm phán xây dựng Công ước được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nhiều lần gửi thông điệp đến các phiên họp của Uỷ ban soạn thảo Công ước yêu cầu đẩy nhanh tiến trình đàm phán và hoàn thành lộ trình soạn thảo Công ước mà Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đề ra. Nhiều nhóm quốc gia cũng tỏ rõ quyết tâm hoàn thành dự thảo Công ước để các quốc gia có thể ký Công ước trong năm 2003, nhằm sớm tạo ra một công cụ pháp lý cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên thế giới.
Nắm bắt được xu thế tất yếu phải thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta sớm có chủ trương giao Thanh tra Chính phủ làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tham gia vào quá trình xây dựng, đàm phán, ký kết Công ước. Tháng 12/2003, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã dẫn đầu đoàn công tác của Việt Nam tham gia Lễ ký Công ước tại Mê-ri-đa, Mê-hi-cô. Tiếp đó, sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN, “Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng”. Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước kể từ ngày 19/8/2009.
Theo quy định của Công ước, khi phê chuẩn Công ước, mỗi quốc gia phải thông báo cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc tên cơ quan trung ương làm đầu mối quốc gia trong quan hệ quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Căn cứ pháp luật hiện hành và căn cứ vào thực tiễn quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, Thanh tra Chính phủ là được chỉ định làm cơ quan làm đầu mối quốc gia và hỗ trợ thông tin với quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.
Trong quá trình chuẩn bị phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã rà soát, phân tích, đánh giá và đưa ra các kế hoạch cụ thể về hoàn thiện thể chế cho phù hợp với các yêu cầu của Công ước; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện các cam kết và nâng cao mức độ tuân thủ các quy định của Công ước. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về Công ước và chuẩn bị năng lực cho đội ngũ chuyên gia, công chức tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của Công ước.
Việc phê chuẩn Công ước của Việt Nam là khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng “nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta” và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thực hiện sáng quyền lập pháp, với việc tham gia chủ động và đầy đủ 07 vòng đàm phán xây dựng Công ước và là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước. Từ khi phê chuẩn Công ước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và không ngừng hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về phòng, chống tham nhũng tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho việc hình thành cơ chế phòng, chống tham nhũng toàn diện, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng./.