Bài bản, kiên quyết, kiên trì trong triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng

Thứ hai, 25/12/2023 17:14
(ThanhtraVietNam) – Từ việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng bài bản, kiên quyết, kiên trì, các sản phẩm báo chí của Báo Bảo vệ pháp luật – Cơ quan ngôn luận của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phát huy hiệu quả, đem lại nhiều sự tin tưởng, quan tâm của bạn đọc cũng như đạt được không ít giải báo chí uy tín.

Hơn 1.000 tin, bài, video clip về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mỗi năm

Tội phạm về tham nhũng là tội phạm ẩn. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) là một thiết chế hiến định, thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao.

Những năm gần đây, VKSND ngày càng có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vai trò, dấu ấn của Ngành càng được phát huy, nhất là khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Ngày 27/06/2023, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 03 về tăng cường phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong ngành KSND. Đây là thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của ngành KSND trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành KSND, những năm gần đây, Bảo vệ pháp luật (BVPL) - Cơ quan ngôn luận của VKSND tối cao đã làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phòng chống tham nhũng. Đặc biệt đã có sự chỉ đạo quyết liệt, với nhiều giải pháp đột phá giành nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Báo in, Báo điện tử Bảo vệ pháp luật (BVPL) và các Chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân đã đăng tải khoảng 25.000 tin, bài, video clip. Trong đó, số lượng tin, bài tuyên truyền về ngành Kiểm sát và tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật chiếm gần 60%. Riêng số lượng tin, bài tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trung bình mỗi năm là hơn 1.000 tin, bài, video clip,...

leftcenterrightdel
 Tổng Biên tập Báo Bảo vệ pháp luật Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: BTG

“Báo BVPL chủ động bám sát chỉ thị, chương trình, kế hoạch công tác của VKSND tối cao, đưa tin sâu đậm, toàn diện về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát. Báo BVPL tập trung đưa tin kịp thời, khách quan các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng; các vụ việc, vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm các yếu tố chính trị, pháp lí, góp phần định hướng dư luận xã hội. Hằng năm, sau khi Đảng uỷ Báo BVPL ban hành Nghị quyết về công tác trọng tâm trong năm, Ban Biên tập đã xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai Nghị quyết. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các tuyến bài điều tra theo đơn thư bạn đọc “đấu tranh phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong xã hội” theo đúng tôn chỉ, mục đích”, Tổng Biên tập Báo BVPL Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Cũng theo phân tích của lãnh đạo Báo BVPL, Báo đã lựa chọn đề tài, giao nhiệm vụ cho đảng viên, phóng viên có bản lĩnh chính trị, có kĩ năng nghiệp vụ báo chí và phẩm chất đạo đức tốt để điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, nòng cốt là “Tổ Phóng viên Tư pháp” do Tổng biên tập thành lập để tuyên truyền, phản ánh các vụ việc, vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo và xử lí, đồng thời xác minh thông tin từ cộng tác viên, bạn đọc về các đề tài chống tham nhũng, tiêu cực. Với cách triển khai bài bản, sát thực tiễn, trong năm 2023, Báo BVPL đã tích cực tham gia và vinh dự giành được nhiều giải cao trong giải báo chí quốc gia và các giải báo chí toàn quốc. Trong đó, đạt Giải A, Giải B, Giải Khuyến khích Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư; Giải B − Giải báo chí Diên Hồng lần thứ nhất; đạt Giải C và Giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII.

Tôn trọng bạn đọc, là chỗ dựa vững chắc để phóng viên tác nghiệp

Theo đánh giá, trong 06 giải báo chí lớn đạt được trong năm 2023, trong đó có 03 loạt bài thuộc thể loại điều tra và cả 03 loạt bài đều có kết quả rõ nét. Chính từ thông tin đăng tải trên Báo BVPL đã giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng các địa phương tham khảo, sử dụng, điều tra và tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố các bị can có hành vi vi phạm pháp luật.

Trong đó, loạt 04 kì “Vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng ở Gia Lai” đạt Giải B Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tiêu cực lần thứ tư. Từ nguồn tin của Báo BVPL, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Gia Lai đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố 05 bị can về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo Điều 23 Bộ luật Hình sự. Tương tự, một tác phẩm thuộc thể loại điều tra đã đạt Giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII với loạt 05 kì: “Ma thuật” trong mua sắm thiết bị dạy và học ở Hà Tĩnh. Vụ việc này sau đó đã được Cơ quan điều tra phối hợp cùng Viện kiểm sát tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố 03 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

leftcenterrightdel
 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao giải A (Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư) cho tác giả Nguyễn Hồng Nguyên, Báo Bảo vệ pháp luật. Ảnh: BVPL

Cùng thể loại điều tra, loạt bài 05 kì phản ánh “Vụ phá rừng tự nhiên tại Bắc Kạn” của Báo BVPL đã đạt Giải A Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư. “Phóng viên khi thâm nhập cơ sở đã bị đe doạ, cản trở. Đến khi có được tư liệu trên đường về, các đối tượng cho xe đuổi theo phóng viên để “mua chuộc”. Tuy nhiên, với bản lĩnh đã được rèn giũa, cùng với sự chỉ đạo, định hướng của Ban Biên tập, cho dù rất nhiều áp lực, tác động, nhưng loạt bài 05 kì phản ánh vụ phá rừng tự nhiên có quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi tại tỉnh Bắc Kạn đã lần lượt được xuất bản. Ngay sau đó, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khởi tố vụ án từ nguồn thông tin và đề xuất của Báo BVPL, hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra theo đúng quy định của pháp luật”, lãnh đạo Báo BVPL chia sẻ.

Trên thực tế, các tuyến bài điều tra chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là thông tin về biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo BVPL đã thu hút sự quan tâm rất lớn của bạn đọc. Nhiều vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng đăng tải trên Báo điện tử BVPL chỉ trong vài giờ đã có hàng trăm ngàn lượt theo dõi, chia sẻ, tác động xã hội lớn.

Chính vì có sự quan tâm theo dõi, giám sát của bạn đọc và cũng từ tiêu chí hoạt động của Báo BVPL là “Trung thực, khách quan, nhân văn, bản lĩnh”, nên trong năm 2023 và 05 năm trở lại đây, tại Báo BVPL không có hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Không gỡ bài, khi vụ việc được thông tin trong bài là trung thực, khách quan, chính xác. Theo lãnh đạo Báo BVPL, đây chính là sự tôn trọng bạn đọc, trân trọng công sức của cán bộ, phóng viên, là uy tín, bản lĩnh của lãnh đạo Báo BVPL. Ban Biên tập Báo BVPL đã và đang là chỗ dựa vững chắc, tạo niềm tin, cảm hứng cho phóng viên dấn thân thực hiện các đề tài điều tra chống tham nhũng, tiêu cực.

“Chúng tôi cho rằng, trong tất cả các giải pháp thì giải pháp quan trọng nhất đó là tập thể lãnh đạo Báo phải đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao, khát vọng đổi mới và cống hiến; người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, từng đơn vị phải là đầu tàu gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng tuyên truyền của các cơ quan chỉ đạo, quản lí báo chí, các quy chế, quy định của cơ quan chủ quản và các quy chế của Báo. Cơ quan báo chí cần xây dựng bộ quy chế, quy định chặt chẽ, cụ thể theo hướng mở rộng dân chủ, đồng thời siết chặt kỉ luật, kỉ cương, nhất là quản lí các văn phòng đại diện; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng cơ quan vững mạnh; xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí, trong đó có văn hoá chia sẻ và thấu cảm. Đồng thời, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động, giúp cho phóng viên, người lao động có môi trường thuận lợi để sáng tạo, cống hiến và thực hiện cơ chế khen thưởng đúng người, đúng việc… Nếu làm được những điều như trên, chắc chắn cơ quan báo chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, trong đó sẽ nâng cao được hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới”,  Tổng Biên tập Báo BVPL Nguyễn Văn Thắng nêu giải pháp.

 

T.A
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra