Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa
Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 68 văn bản để cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về nội chính, PCTNTC. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, PCTNTC. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về nội chính, PCTNTC được tăng cường.
|
|
Một cuộc họp định kỳ tháng 8/2023 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Thuận (ảnh:Quốc Cường) |
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 7 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 40 tổ chức Đảng và 22 đảng viên; các ban của Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã thực hiện 26 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 58 tổ chức Đảng, 68 đảng viên về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tổ chức 2 cuộc kiểm tra chuyên đề về PCTNTC đối với 6 tổ chức Đảng. Cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh đã triển khai 104 cuộc thanh tra hành chính, 185 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và 2.067 đợt kiểm tra thường xuyên. Qua thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm hơn 24 tỷ đồng và hơn 1.197 ha đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 7,4 tỷ đồng; xử lý khác gần 9,7 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 59 tập thể và 135 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 13 vụ việc.
Ban Nội chính Tỉnh ủy cũng thường xuyên chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng, chỉ đạo xử lý 14 vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực, an ninh, trật tự nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Trong 1/2 nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 3 vụ/28 người liên quan đến an ninh, trật tự phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; phát hiện 17 vụ/31 người có hành vi tham nhũng, tiêu cực với tổng giá trị thiệt hại hơn 38 tỷ đồng, 815.700 m2 đất.
Theo Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tám, công tác nội chính, PCTNTC đã được cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực thực hiện dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng bằng nhiều biện pháp hiệu quả. Trong đó, việc quán triệt nâng cao nhận thức được đổi mới; triển khai khá đồng bộ các giải pháp phòng ngừa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra nội bộ; nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng... là những yếu tố quyết định đến kết quả và hiệu quả của công tác đấu tranh PCTNTC trong thời gian qua.
Tăng cường thanh tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác nội chính, PCTNTC thời gian qua vẫn còn những mặt hạn chế. Đó là tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn tiềm ẩn vấn đề phức tạp; tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng phát sinh với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng; tình hình đơn, thư khiếu kiện liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, thu hồi đất còn xảy ra nhiều.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai chưa chặt chẽ; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường tái định cư một số trường hợp không đúng thẩm quyền, xảy ra vi phạm quy định về đất đai, đầu tư. Công tác tự kiểm tra nội bộ còn ít và hiệu quả thấp. Tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực còn chậm…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác nội chính, PCTNTC của một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, sâu sát, quyết liệt. Một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC của Đảng chậm được cụ thể hóa; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực (đất đai, rừng, khoáng sản...) chưa chặt chẽ; việc khắc phục sơ hở, bất cập về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC trên một số lĩnh vực có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở có nơi chưa tốt; cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dân tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực thực hiện chưa hiệu quả; chưa phát huy đúng mức vai trò của nhân dân tham gia đấu tranh PCTNTC.
Thời gian tới, Bình Thuận sẽ phát huy hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh. Theo đó, Tỉnh uỷ sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động; phát huy vai trò tập thể Ban Chỉ đạo tỉnh và từng thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh trong việc nắm tình hình, chỉ đạo thực hiện các giải pháp PCTNTC, nhất là kịp thời chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Chủ động kiểm tra, giám sát thường xuyên, chuyên đề, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao chất lượng tự kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, ngay từ cơ sở, đơn vị; đồng thời xử lý đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh.