Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022, các cơ quan đơn vị trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 174 vị trí công tác, đạt 64,40%; còn 123 vị trí công tác đến kỳ chuyển đổi nhưng chưa thực hiện được (do chờ phê duyệt Đề án vị trí việc làm, chưa sắp xếp được người có trình độ chuyên môn phù hợp để chuyển đổi; hoàn cảnh kinh tế khó khăn không thể chuyển công tác đi nơi khác; thực hiện chuyển đổi trong quý IV/2022 …).
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân, trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu thực hiện. Các thủ tục hành chính được công khai theo quy định. Đến nay, số thủ tục hành chính đang thực hiện tại các cấp 1.986 thủ tục, trong đó: cấp tỉnh 1.499 thủ tục, cấp huyện 322 thủ tục và cấp xã 164 thủ tục. Nhằm kịp thời sửa đổi, thay thế, bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định hành chính có liên quan không cần thiết, không phù hợp, ngày 01/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 637/QĐ-UBND về việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh; theo đó, công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính được chú trọng, thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động, có nhiều giải pháp, sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Việc thực hiện thủ tục hành chính hẹn giờ và ứng dụng Zalo trong giải quyết thủ tục hành chính được tổ chức, cá nhân quan tâm, sử dụng ngày càng nhiều. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 21/6/2021 về việc triển khai thực hiện thí điểm tiếp nhận thủ tục hành chính tại nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 05/10/2022 về thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và Công văn số 6772/UBND-KT ngày 07/10/2022 về thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; Kho bạc Nhà nước Chi nhánh tỉnh Cà Mau đã có Phương án số 780/PA-KBCM ngày 05/10/2022 triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Việc kê khai tài sản, thu nhập có 44/44 cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương đã tổ chức kê khai, công khai tài sản, thu nhập; số người đã kê khai tài sản, thu nhập 2.361/2.361 người, đạt 100%; số bản kê khai đã được công khai 2.361/2.361 bản, đạt 100%. Trong đó, công khai theo hình thức niêm yết 1.496 bản, đạt 63% so với số bản kê khai đã công khai; công khai theo hình thức công bố tại cuộc họp 865 bản, đạt 37% so với số bản kê khai đã công khai.
Về xác minh tài sản, thu nhập: Thực hiện Công văn số 248/TTCP ngày 08/7/2022 về định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ, ngày 31/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 398/QĐ-UBND về phê duyệt nội dung Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, giao Thanh tra tỉnh tổ chức thực hiện. Thanh tra tỉnh đã thành lập Tổ xác minh và đang tiến hành xác minh theo kế hoạch được duyệt.
Hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Qua thanh tra, phát hiện 03 vụ việc có dấu hiệu về hành vi tham nhũng, đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố vụ án.
Qua xem xét phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng và qua công tác giải quyết KNTC của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu về hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, trong tỉnh có phát hiện 01 vụ việc có dấu hiệu về hành vi tham nhũng (thuộc cơ quan đảng).
Cơ quan điều tra thụ lý 08 vụ, 12 bị can. Trong đó: Án kỳ trước chuyển sang 01 vụ, 01 bị can; khởi tố mới 04 vụ, 08 bị can; phục hồi điều tra 01 vụ; điều tra lại 02 vụ, 03 bị can.
Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 09 vụ; đã đưa ra xét xử, giải quyết 07 vụ.
Tổng số tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại, thất thoát qua các vụ án tham nhũng được xác định trên 2.826 triệu đồng, đã thu hồi trong quá trình điều tra hơn 1.730 triệu đồng; xử lý 02 người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng tại đơn vị.
Phương hướng nhiệm vụ
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về PCTN của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh PCTN, lãng phí. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là những quy định mới.
Tăng cường chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng và công khai định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy chế chi tiêu nội bộ.
Tập trung thực hiện công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về PCTN bao gồm việc tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức; kiểm tra của cơ quan, tổ chức cấp trên đối với cơ quan, tổ chức cấp dưới và cá nhân có liên quan để phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm; xác định rõ nguyên nhân và kiến nghị biện pháp khắc phục, đặc biệt chú trọng các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; trong quy hoạch, đào tạo, quản lý, sử dụng tài sản, tài chính ngân sách; về minh bạch tài sản, thu nhập; thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với các hoạt động phòng ngừa tham nhũng, nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định.
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận xử lý, giải quyết tố cáo về tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra; tăng cường hoạt động kiểm tra nội bộ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng khi mới phát sinh.
Xử lý dứt điểm các vụ việc tham nhũng còn tồn đọng, kéo dài; các vụ án dư luận xã hội quan tâm; tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với một số vụ việc; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.
Tăng cường chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chế độ tự chủ chi thường xuyên của các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy nhanh việc tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức kiểm tra việc xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ thuộc nội dung quy chế chi tiêu nội bộ do các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý ban hành.
Rà soát để ban hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng theo quy định của Trung ương đã phân cấp cho địa phương./.