Nghệ An:

Cần kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn

Thứ ba, 25/10/2022 09:05
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. (1)

Nhiều kết quả tích cực

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, sau 10 năm (từ năm 2012 đến năm 2022), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành; sự đồng hành, hưởng ứng và tham gia tích cực của Nhân dân và truyền thông, báo chí, công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, tại Nghệ An, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực được đổi mới, tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận cao trong xã hội. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai kịp thời, đồng bộ, đạt chất lượng, góp phân đẩy lùi tham nhũng. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và hệ thống chính trị, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực.

Trong 10 năm, qua công tác thanh tra, tỉnh Nghệ An đã phát hiện 20 vụ việc có dấu hiệu sai phạm và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra. Trong đó, có 04 vụ việc đã được khởi tố điều tra, truy tố và xét xử về tội danh tham nhũng với tổng số tiền thiệt hại do tham nhũng là 2.349 triệu đồng và 153.417 m2 đất; đã thu hồi được 2.301/2.349 triệu đồng (trong đó qua công tác thanh tra thu hồi được 1.450 triệu đồng).

Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chuyển cơ quan điều tra 16 vụ việc có dấu hiệu sai phạm. Trong đó có 04 vụ việc đã được cơ quan điều tra khởi tố, truy tố và xét xử xong tội danh tham nhũng với tổng số tiền thiệt hại do tham nhũng là 1.024,2 triệu đồng (đã thu hồi). Tòa án Nhân dân các cấp đã xét xử 62 vụ, 145 bị cáo về tội danh tham nhũng.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được thực hiện nghiêm. Trong kỳ báo cáo, đã xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu tại 12 cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Số vụ án/ bị can tham nhũng tăng mạnh...

Nói về tình trạng số vụ án/ bị can tham nhũng được phát hiện từ 01/8/2021 đến 31/7/2022 là 28 vụ/52 bị can, tăng mạnh so với số vụ án/bị can tham nhũng phát hiện trong cùng kỳ năm trước (5 vụ/12 bị can), ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trả lời Tạp chí Thanh tra: Trong 28 vụ việc đó có 14 vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản''’ với 15 bị can; 11 vụ án “ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với 32 bị can; 03 vụ án "Giả mạo trong công tác" với 5 bị can.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: https://baonghean.vn/

Các vụ án tham nhũng được phát hiện trong kỳ xảy ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở một số lĩnh vực sau: Tài chính, ngân sách, quản lý đất đai, thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phòng chống dịch Covid... Các vụ án tham nhũng xảy ra trên phạm vi rộng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp cơ sở.

... bởi các nguyên nhân khách quan và chủ quan

Ông Trung cho rằng, có tình trạng trên là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các nguyên nhân khách quan là do hệ thống cơ chế, chính sách về PCTN còn chưa thật đồng bộ, trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Tính hiệu quả trong việc thực hiện pháp luật PCTN chưa cao. Bên cạnh đó, tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tiêu cực xã hội đã ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Các nguyên nhân chủ quan là do tại một số cơ quan, đơn vị người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ phát sinh các hành vi tham nhũng. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vụ lợi. Trong kỳ, các cơ quan Thanh tra, Công an tỉnh, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh, các cơ quan báo chí và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực trong việc kiểm tra, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng.

Trong thời gian tới, các quy định của pháp luật về PCTN ngày càng chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN được đẩy mạnh sẽ có những tác động tích cực đến công tác PCTN. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi nên dự báo tham nhũng vẫn tiếp tục xảy ra với mức độ phổ biến, tính chất nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của bộ máy Nhà nước đối với Nhân dân.

Vấn đề cần đặt ra

Từ thực tiễn công tác thanh tra, điều tra, giải quyết KNTC tại Nghệ An, người đứng đầu UBND tỉnh đặt ra một số vấn đề:

Thứ nhất, công tác PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; phải được tiến hành ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các biện pháp; có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Người đứng đầu phải gương mẫu, quyết liệt và chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Phải kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi né tránh, dung túng, bao che tham nhũng; phải đánh giá đúng, bảo vệ những cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu chủ động, tích cực phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Hai là, việc phát hiện các hành vi tham nhũng phần lớn qua tố giác của Nhân dân, do đó muốn PCTN đạt hiệu quả thì nhận thức của cán bộ, Nhân dân về PCTN phải đặt lên hàng đầu. Nhận thức của cán bộ, Nhân dân về PCTN càng cao thì càng trách nhiệm trong công tác PCTN càng được nâng lên. Do vậy, phải tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng văn hóa và tạo ra thói quen PCTN trong đời sống cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân; phải tập trung đấy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân về pháp luật PCTN.

Ba là, việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức còn rất hạn chế. Trong thời gian qua, việc phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ là không có. Nguyên nhân là do người đứng đầu chưa quyết liệt trong việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, một phần là do việc hạ danh hiệu thi đua của tổ chức đảng, cơ quan đã chủ động phát hiện và xử lý tham nhũng cũng cản trở người đứng đầu chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng.

Bốn là, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách về PCTN và các cơ quan báo chí đã góp phần phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, đẩy lùi nạn tham nhũng. Do đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách với nhau và với các cơ quan báo chí trong công tác PCTN.

Năm là, qua xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, cần chú ý phát hiện những sơ hở, bất cập để khẩn trương sửa đối, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và PCTN.

Sáu là, chú trọng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kiếm tra, nội chính Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án trực tiếp làm công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, công tác PCTN, tiêu cực tại Nghệ An đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, công tác điều hành của UBND tỉnh và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân. Những kết quả đạt được trong công tác PCTN, tiêu cực đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN, tiêu cực tại Nghệ An là đúng đắn, kịp thời và phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế trong công tác PCTN về công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính. Các hình thức tuyên truyền chưa có tính sáng tạo, chưa phát huy tối đa hiệu quả. Một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng; hoạt động tự kiểm tra nội bộ không phát hiện được các vụ việc tham nhũng; rất khó khăn trong việc thu hồi lại đất đai trong các vụ án tham nhũng.

PCTN là nhiệm vụ hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Nghệ An cần kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN gắn liên với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, công tác cán bộ, tài nguyên môi trường, giáo dục, y tế. Các cơ quan, đơn vị chú trọng công khai, minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, nhất là thông tin về các lĩnh vực nhạy cảm. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra trên các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Chủ động tiến hành thanh tra trên các lĩnh vực theo kế hoạch được phê duyệt, tập trung thanh tra việc thực hiện công vụ của cán bộ công chức, viên chức. Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ để ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động của cán bộ, công chức. Tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng theo Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp./.

(1) Trích nội dung phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh PTCN, tiêu cực, ngày 30/6/2022.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra