Cần Thơ: Nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công

Thứ năm, 21/09/2023 17:24
(ThanhtraVietNam) - Công tác quản lý, sử dụng tài sản công từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thành phố Cần Thơ tập trung triển khai, từ đó nhận thức và thực tiễn thực hiện đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Công khai trong quản lý, sử dụng tài sản công

Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã xác lập rõ đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công. Thành phố đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đồng bộ gắn với trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn định mức trong toàn bộ quá trình quản lý tài sản công; nâng cao tính công khai trong quản lý, sử dụng tài sản công; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từng bước nắm chắc, nắm đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của tài sản công.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tính chất quản lý, sử dụng tài sản công, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Quy định về phân cấp quản lý tài sản công được thực hiện xuyên suốt từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đến nay theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản.

Từ khi Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ- CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 có hiệu lực, thành phố Cần Thơ đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân thành phố.

leftcenterrightdel
 Thành phố Cần Thơ (ảnh: sưu tầm)

Gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác phòng, chống tham nhũng

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND, Thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, việc quy định trên tạo lập cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Việc quyết định trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được thông suốt, tạo sự chủ động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công. Việc mua sắm, thanh lý, điều chuyển, thu hồi, tiêu hủy, bán tài sản công của các cơ quan, đơn vị đã được thực hiện đúng theo phân cấp của Hội đồng Nhân dân thành phố. Trong quá trình sử dụng tài sản tại các cơ quan, đơn vị được thống nhất, đúng đối tượng, phục vụ thiết thực cho công việc, không vượt định mức tiêu chuẩn, chế độ, đúng trình tự thủ tục và mang lại hiệu quả cao. Chế độ quản lý, sử dụng số tiền từ hoạt động bán, thanh lý tài sản công được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng theo quy định và các văn bản khác của pháp luật.

Mặt khác, việc quản lý, sử dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc đi vào nề nếp; việc mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc được thực hiện theo đúng quy định, tiêu chuẩn, định mức. Các đơn vị cũng đã chủ động cắt giảm những hoạt động không cần thiết, lồng ghép những hoạt động có liên quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý văn bản. Việc đầu tư, mua sắm tài sản công đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức; thực hiện theo đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành góp phần tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu của đơn vị, gắn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với ngăn chặn tham nhũng. Công tác quản lý đã được cụ thể hóa thành các quy định, quy chế để lãnh đạo, chỉ đạo quá trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên các lĩnh vực. Việc sử dụng và chi tiêu ngân sách đúng mục đích, hiệu quả hơn, ý thức của cán bộ công chức, viên chức trong chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng cao và dần đi vào nề nếp.

Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong quản lý tài sản công

Qua 04 năm triển khai thực hiện, hiện nay Nghị quyết số 01/2018/NQ- HĐND đã bộc lộ hạn chế như việc quy định mức giá dự toán, giá trị tài sản phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê, xử lý tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như hiện nay và một số quy định của Bộ, ngành quy định việc mua sắm các tài sản chuyên ngành thay đổi, cũng như đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền theo chỉ đạo của Chính phủ.

Mức độ phân cấp cho sở, ngành, quận, huyện còn hạn chế, chưa tương xứng với năng lực, thực tế chỉ được trao quyền quản lý đối với một số loại tài sản có giá trị thấp điều này làm tăng thủ tục hành chính trong quản lý tài sản công do phải trình cấp trên ra quyết định đầu tư, mua sắm hay xử lý tài sản. Đồng thời, việc phân cấp hạn chế còn làm giảm tính trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong quản lý tài sản công.

Qua đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 01/2018/NQ- HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân quy định phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đề xuất việc phân cấp cần đảm bảo phân định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý và sử dụng tài sản công, hạn chế việc chia sẻ trách nhiệm và phát sinh thủ tục hành chính. Theo đó, cần trao thẩm quyền nhiều hơn cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với các tài sản được giao quản lý.

Mặt khác, phân cấp quản lý tài sản công cần gắn với phân cấp quản lý ngân sách nhà nước cho cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ngân sách nhà nước là nguồn lực tài chính chủ yếu hình thành nên các tài sản công. Việc phân cấp quản lý tài sản công gắn với phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hàm ý việc phân cấp quyền hạn, trách nhiệm phù hợp với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố, cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với phân cấp của chính quyền cấp tỉnh. Việc tăng cường phân cấp quản lý tài sản công, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ phân cấp bằng cách tăng cường trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nhằm bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát tài sản công.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra