Phát hiện và xử lý trên 8,8 tỷ đồng qua công tác PCTN
Ngay từ đầu năm, Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã chú trọng quan tâm đẩy mạnh công tác PCTN gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời, gắn các nhiệm vụ về công tác PCTN với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn về tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh PCTN, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; đẩy mạnh việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được các cơ quan, đơn vị thực hiện, phát huy hiệu quả; tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan báo chí và nhân dân đối với công tác PCTN. Các lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm và đào tạo cán bộ, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công, tài chính, ngân hàng... được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch hơn; các cơ quan, đơn vị siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần tăng cường PCTN và giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
|
|
Giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng quý I/2022 của Tỉnh uỷ Cao Bằng. Ảnh: noichinh.vn
|
Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc phạm vi quản lý; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phổ biến, tuyên truyền các nội dung của pháp luật về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; tổ chức tiếp nhận, xử lý những phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng; cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng. Gương mẫu, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về PCTN, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thường xuyên tuyên tuyền, phổ biến triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và của tỉnh về công tác PCTN đến lãnh đạo quản lý, người lao động; quan tâm việc xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát trong nội bộ của đơn vị. Từng bước thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực về chế độ lương, thưởng; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, quản lý của tổ chức, doanh nghiệp, thực hiện đánh giá công tác PCTN trong tổ chức, doanh nghiệp.
Thực hiện Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định có liên quan, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tổ chức việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của CBCCVC thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng; chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý nhất là các vị trí công tác trực tiếp giải quyết các công việc của cơ quan, tố chức, doanh nghiệp và công dân. Qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ các cơ quan, đơn vị chưa phát hiện CBCCVC có hành vi tham nhũng.
Trong 9 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 09 vụ đối với 24 đối tượng tham nhũng. Trong đó, có 03 vụ/09 đối tượng từ kỳ trước chuyển sang và 06 vụ/15 bị can mới được phát hiện. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng bị thiệt hại được phát hiện là trên 8,8 tỷ đồng; đã thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 4 tỷ đồng. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị thực hiện thanh tra đã phát hiện 01 vụ việc và 04 đối tượng có dấu hiệu tội phạm để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn có những khó khăn, hạn chế, vướng mắc còn tồn tại điển hình là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức nhưng chưa thật sự tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả trong các tầng lớp nhân dân. Hệ thống văn bản về PCTN đang được hoàn thiện nên tổ chức thực hiện gặp vướng mắc. Công tác phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ và công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị còn hạn chế.
Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa coi trọng công tác PCTN trong nội bộ, chưa quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Một bộ phận CBCCVC chưa thật sự nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Còn có cơ quan, đơn vị chưa chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng theo quy định.
Công tác tổng hợp, báo cáo của một số cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng, chưa kịp thời, chất lượng báo cáo chưa cao, gây khó khăn cho công tác tổng họp báo cáo chung của tỉnh.
Nhìn chung, công tác PCTN, tiêu cực là lĩnh vực công tác nhạy cảm, khó khăn, phức tạp, dễ va chạm, liên quan đến nhiều cấp, ngành, các lĩnh vực công tác khác nhau. Do đó, từ nay đến cuối năm các cấp, các ngành trên toàn tỉnh Cao Bằng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác PCTN, tiêu cực gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTN, tiêu cực. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, tổ chức đoàn thể, Ban Thanh tra nhân dân và Nhân dân trong công tác PCTN, tiêu cực.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN; tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách TTHC nhằm phòng ngừa các vi phạm, tiêu cực trong việc giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường các biện pháp phát hiện các hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt ở các lĩnh vực nhạy cảm.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác PCTN; kiên quyết xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện tốt nhiệm vụ PCTN. Thường xuyên chú trọng thực hiện công tác tự kiểm tra PCTN, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng. Chú trọng công tác bảo vệ, khen thưởng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng./.