Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN
Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành; thực hiện đồng bộ các quy định về phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tự tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CBCCVC) do mình quản lý nhăm ngăn ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch để chỉ đạo Thanh tra tỉnh và các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ PCTN. Qua đó, đã cụ thể hóa kịp thời, nghiêm túc các quy định, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác PCTN tại các cấp, ngành ở địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Thanh tra tỉnh đã chủ động tham mưu có hiệu quả, đúng quy định việc quản lý nhà nước về PCTN trên địa bàn tỉnh; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn công tác PCTN, tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch về PCTN, đánh giá công tác PCTN năm 2020 và 2021; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, tham mưu xây dựng các báo cáo định kỳ, chuyên đề về PCTN, lãng phí, tiêu cực của UBND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, thường xuyên quan tâm thực hiện việc đánh giá, rà soát quy định của pháp luật nhằm hạn chế việc lợi dụng sơ hở của quy định để tham nhũng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát các văn bản của tỉnh còn thiếu sót, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực để xem xét xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên tuyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác PCTN; triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN với các hình thức phong phú như: tổ chức hội nghị chuyên đề về PCTN, lồng ghép trong các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, các cuộc họp cơ quan, đơn vị, thôn, bản, tổ dân phố, các buổi sinh hoạt đoàn thể, tổ chức nói chuyện chuyên đề, qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, qua các lớp chính trị, lý luận, các trường học và sao gửi văn bản, tài liệu đến các cơ quan, đơn vị, trực thuộc và CBCCVC trong cơ quan, đơn vị. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tiếp tục thực hiện mục “Giới thiệu văn bản, chính sách” có thời lượng 05 phút/mục và phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện chuyên mục “Pháp luật và đời sống”, có thời lượng 05 phút/chuyên mục, trong đó có nội dung giới thiệu về các văn bản pháp luật PCTN.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, đảng, chính quyền, đảng viên, CBCCVC và nhân dân trong PCTN, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
|
|
Ông Trần Hồng Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Cao Bằng. Ảnh: vov.vn |
Thu hồi hơn 3,3 tỷ đồng tiền, tài sản tham nhũng
Thực hiện Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định có liên quan, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tổ chức việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của CBCCVC thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng; chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý nhất là các vị trí công tác trực tiếp giải quyết các công việc của doanh nghiệp và công dân. Qua hoạt động giám sát, kiếm tra và tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, đơn vị chưa phát hiện CBCCVC có hành vi tham nhũng.
Năm 2022, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh qua tiến hành 02 cuộc thanh tra chuyên ngành năm 2021 và năm 2022 đã phát hiện 02 đơn vị có hành vi vi phạm trong thực hiện các chính sách dân tộc. Ban Dân tộc đã chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra có thẩm quyền đã khởi tố 01 vụ án với 04 bị can về tội Tham ô tài sản và hiện đang tiếp tục điều tra xử lý theo quy định. Cùng với đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Công an cấp huyện đã kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố đối với 04 vụ/07 bị can; số vụ án, bị can đang tiếp tục điều tra 04 vụ/15 bị can.
Trong công tác xét xử các vụ án tham nhũng, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cao Bằng đã thụ lý, giải quyết 09 vụ án, 20 bị cáo về các tội phạm tham nhũng. Trong đó: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung 03 vụ, 05 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 6 vụ 15 bị cáo. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện đuợc trên 9.6 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 3,3 tỷ.
Ngoài ra, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong PCTN, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung giám sát phòng ngừa tham nhũng, phối họp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về PCTN đến các thành viên, hội viên và nhân dân, giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư, đôn đốc hoạt động Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng. Các tổ chức thành viên của Mặt trận, Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình... tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về PCTN; giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước, CBCCVC; phối họp thực hiện các chương trình công tác trọng tâm của các cấp chính quyền.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN
Nhìn chung, công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được các cơ quan, đơn vị thực hiện, phát huy hiệu quả; tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan báo chí và nhân dân đối với công tác PCTN. Các lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, bố nhiệm và đào tạo cán bộ, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công, tài chính, ngân hàng... được thực hiện công khai, minh bạch hơn; các cơ quan, đơn vị siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính góp phần tăng cường PCTN và giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTN, tiêu cực. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, tổ chức đoàn thể, Ban Thanh tra nhân dân và Nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực; chú trọng công tác bảo vệ, khen thưởng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiếm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác PCTN; kiên quyết xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện tốt nhiệm vụ PCTN. Thường xuyên kiểm tra, tự kiếm tra PCTN, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng. Tăng cường các biện pháp phát hiện các hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt ở các lĩnh vực nhạy cảm. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN; tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách TTHC nhằm phòng ngừa các vi phạm, tiêu cực trong việc giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp./.