Chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; là năm "tăng tốc, bứt phá, về đích" trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Ngay từ đầu năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư.
Trong quý I, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và tăng so với cùng kỳ, cụ thể: tổng kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD, đạt 20% kế hoạch, tăng 1,5% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 4.629 tỷ đồng, đạt 43,7% kế hoạch, tăng 35,4% so cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương 6.346 tỷ đồng, đạt 36,4% kế hoạch, tăng 43% so cùng kỳ; 240 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 26,4% kế hoạch, tăng 12% so cùng kỳ. Trong quý, tổng vốn thu hút đầu tư đạt hơn 1.412 tỷ đồng, tăng 56,7% so cùng kỳ; thu hút được 10 dự án mới, tăng 7 dự án so cùng kỳ với vốn đăng ký hơn 434 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn 5 dự án, vốn đăng ký tăng thêm 978 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Dự án cầu Rạch Miễu 2 (đạt 80% khối lượng, dự kiến thông xe trước ngày 02/9/2025); Dự án thành phần 2 tuyến đường bộ Cao Lãnh - An Hữu, tiến độ thực hiện 12%. Các dự án trọng điểm của tỉnh: Dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) - giai đoạn 1, đang triển khai thi công gói thầu xây dựng đoạn từ Quốc lộ 50 đến cầu Chợ Gạo đạt 85%; Dự án Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định đang thi công 2 gói thầu đạt hơn 48% (phân đoạn 1) và đạt hơn 50% (phân đoạn 2); Nâng cấp mở rộng các Đường tỉnh: 861, 863, 869 (kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp)...
    |
 |
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTTĐT.TG) |
Đến nay, toàn tỉnh có 135/135 xã nông thôn mới, 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 8/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Đặc biệt, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và các kết luận của Trung ương. Cụ thể, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành việc thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; kết thúc hoạt động của 7 Đảng đoàn, 3 Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và thành lập 2 đảng bộ mới; công bố thành lập 5 sở. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn được chú trọng, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, phát huy tốt vai trò của người đứng đầu; công tác dân vận có chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được tăng cường, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện kỷ cương, kỷ luật Đảng…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, thời gian tới, tiếp tục giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nêu cao trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là thực hiện nghiêm chủ trương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã) gắn với làm tốt công tác chính trị tư tưởng, định hướng dư luận xã hội; kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp cán bộ để xuyên tạc, kích động dư luận, gây hoang mang trong xã hội.
Song song đó, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các nhiệm vụ về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm đúng mục tiêu tinh gọn, tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị; xác định các nội dung, nhiệm vụ, công việc cụ thể cần thực hiện, phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai phù hợp với quy định, lộ trình của Trung ương và tình hình thực tế ở địa phương.
Liên quan nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh, trong quá trình sắp xếp tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "chạy chức, chạy quyền", "lợi ích nhóm", lợi dụng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế để tham nhũng, tiêu cực; chú trọng công tác chuyển đổi số, nhất là số hóa các hồ sơ, tài liệu để lưu trữ, chuyển giao theo đúng quy định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng ủy UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo rà soát tổng thể lại các trụ sở, cơ sở vật chất của cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để có phương án xử lý, bố trí, sắp xếp phù hợp, không để thất thoát, lãng phí. Việc đặt tên xã, tên phường sau sắp xếp, sáp nhập cần lưu ý các yêu cầu như: dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học, có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa, được Nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ và thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin…