Chuyển biến trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Lâm Đồng

Thứ ba, 31/01/2023 13:14
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến, đạt được một số kết quả.

Theo đó, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan đã quan tâm, quán triệt, tuyên truyền, phổ biển chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi thẩm quyền. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như thực hiện công khai, minh bạch; xây dựng, ban hành và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... được triển khai đồng bộ, thường xuyên trên các lĩnh vực.

Công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật vê phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Việc phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước được chú trọng thực hiện...

Trong năm 2022, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức 83 cuộc họp, hội nghị, lớp tuyên truyền về PCTN với 5.732 lượt cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tham gia.

Các cơ quan địa phương, đơn vị đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và yêu cầu các cá nhân thực hiện kê khai tài sản theo quy định. Đến nay, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức đã gửi bản kê khai tài sản, thu nhập và các cơ quan, địa phương, đơn vị đã gửi 5.654 bản kê khai tài sản, thu nhập về cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thanh tra tỉnh đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 31 cá nhân thuộc 10 cơ quan, tổ chức, đơn vị theo kế hoạch đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Qua xác minh, chưa phát hiện các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Trong kỳ, toàn tỉnh đã thực hiện 131 cuộc thanh tra hành chính và 874 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, ban hành quyết định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước gần 15 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 12 tỷ đồng, ban hành quyết định thu hồi, quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 9 tỷ đồng. Kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế qua thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định…

Qua kết quả thực hiện, đã nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng; góp phần giúp cho việc sử dụng kinh phí, tài sản công bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác chuyên môn; bảo đảm sự liêm chính, nâng cao trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, góp phần phát triến kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. 

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng như vẫn còn cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động. Qua công tác kiểm tra, cấp có thẩm quyền đã kịp thời chấn chỉnh theo quy định; Việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn sai sót, vi phạm. Qua kiểm tra, đã chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm theo quy định.

Việc thực hiện chế độ báo cáo của một số cơ quan, địa phương, đơn vị dù đã được quan tâm nhưng thông tin, số liệu chưa chính xác, đầy đủ theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ và hướng dẫn của Thanh tra tỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp, đánh giá tình hình công tác trên địa bàn tỉnh và báo cáo cấp có thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện, Thanh tra tỉnh đã thường xuyên hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện chế độ báo cáo.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên là do khối lượng công việc của các cơ quan, địa phương, đơn vị trong thời gian qua phát sinh tương đối lớn, nên việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng còn gặp khó khăn nhất định. Thủ trưởng một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhà nước, chưa chủ động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm, chưa đầu tư nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng..., dẫn đến việc triển khai thực hiện có mặt còn hạn chế.

leftcenterrightdel
Nhiều chuyển biến trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Lâm Đồng 

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ rõ các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; bảo đảm kịp thời, bám sát mục đích, yêu cầu, các nội dung cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng để làm cơ sở cho các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm thuận lợi, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng để từ đó triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế. Quá trình thực hiện phải bảo đảm sự đồng bộ, tính hiệu quả về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; kiếm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị...; tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, địa phương, đơn vị với các hình thức phù hợp.

Các cơ quan thanh tra tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Thanh tra Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân theo kế hoạch được duyệt và triển khai các cuộc thanh tra đột xuất được cấp có thẩm quyền giao. Qua thanh tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định.

An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra