Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng, quy định này là chưa hợp lý và sẽ tạo lỗ hổng trong công tác phòng, chống tham nhũng, khiến tội phạm tham nhũng tinh vi hơn, nhiều thủ đoạn hơn và mức tham nhũng sẽ cao hơn. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội nên xem xét, điều chỉnh lại quy định này.
Việc hạn chế hình phạt tử hình và tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng là chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thể hiện tại các văn bản như: Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã nêu rõ việc chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; khoản 4 Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định, người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ", sau đó chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được giảm xuống mức án chung thân.
Điểm c, khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án chỉ được áp dụng đối với trường hợp đã có bản án tuyên hình phạt tử hình và khi có đủ các điều kiện bao gồm: Chủ động nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ; hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trường hợp thiếu điều kiện thứ hai thì người bị kết án dù đã nộp đủ 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ vẫn phải thi hành án. Với những trường hợp thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 353 và khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự sẽ bị xem xét truy cứu với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Việc xử lý hình sự đối với loại tội phạm này cần phải tùy thuộc từng trường hợp cụ thể; chỉ nên xem xét xử lý hình sự trong trường người phạm tội không ăn năn hối cải, không chịu khắc phục hậu quả. Còn đối với trường hợp thành khẩn, cam kết khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì cần cho họ có thời gian, không gian để xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát để giao nộp cho Nhà nước. Việc này, hoàn toàn không ảnh hưởng tới việc xem xét, quyết định áp dụng hình phạt trong quá trình xử lý hành vi phạm tội tham ô, nhận hối lộ đối với người phạm tội.
Bên cạnh việc giao nộp đầy đủ số tiền tham nhũng, thất thoát để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, đó là không thi hành hình phạt tử hình thì ngoài ra cần phải xem xét, ban hành cơ chế phạt tiền với số tiền tương ứng với số tiền đã tham nhũng, thất thoát cho Nhà nước nếu không muốn không xử lý hình sự (phạt tù). Đây cũng là giải pháp ngăn ngừa tham nhũng hết sức hiệu quả cần phải được nghiên cứu, áp dụng trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Việc nộp phạt đủ số tiền tương ứng với số tiền tham nhũng, thất thoát để miễn trách nhiệm hình sự có thể dẫn đến kiệt quệ kinh tế của bản thân và gia đình nên người có chức vụ, quyền hạn sẽ không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng.
Do đó, việc áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội tham nhũng nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng là hết sức cần thiết, thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo của Nhà nước. Qua đó góp phần thu hồi tối đa tài sản tham nhũng cho Nhà nước, hạn chế thấp nhất tình trạng thất thoát tài sản do tham nhũng mà có. Đồng thời, với quy định hiện hành đã thể hiện sự nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, giáo dục và ngăn ngừa đối với tội phạm tham nhũng ở nước ta hiện nay./.