Công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam củng cố niềm tin của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Thứ năm, 01/06/2023 10:57
(ThanhtraVietNam) - Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tạo vốn hay chuyển giao kinh nghiệm quản lý, công nghệ… Thời gian qua, với sự quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị trong công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam đã tạo lập nên môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp cho các doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư, sản xuất. Điều đó một lần nữa được khẳng định qua báo cáo PCI - FDI 2022, tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành 5 - 10% doanh thu cho các khoản chi không chính thức đã giảm từ 5% xuống còn 3,2%.

Theo báo cáo PCI 2021, trong bối cảnh có những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và của các chính sách ứng phó đối với gánh nặng thực thi quy định của các doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp phải dành hơn 5% thời gian của cấp quản lý để thực hiện các thủ tục hành chính đã tăng vọt từ mức 32,9% năm 2020 lên 60,6% năm 2021. Xu hướng này đã có sự cải thiện phần nào trong năm 2022 khi tỷ lệ này giảm xuống còn 49,3%.

Năm 2022, số cuộc thanh tra, kiểm tra trung vị là 1 cuộc, tăng nhẹ so với mức 0 cuộc của năm 2021. Tuy nhiên năm nay có một số tín hiệu tích cực là chỉ có 5,3% số doanh nghiệp FDI phản ánh đã bị thanh, kiểm tra quá mức (từ 4 cuộc trở lên) trong năm trước đó. Điều này thể hiện xu hướng giảm dần số cuộc thanh, kiểm tra kể từ năm 2016 khi tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra quá mức lên đến 33,5%.

Báo cáo PCI 2021 đã ghi nhận một số cải thiện trong nhiều thủ tục hành chính so với năm 2020, cụ thể là các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đăng ký đầu tư, bảo hiểm xã hội, xuất nhập khẩu, môi trường, quản lý thị trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Dữ liệu PCI 2022 cho thấy tiếp tục có sự cải thiện rõ nét trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục hành chính như: chỉ có 15% doanh nghiệp FDI đánh giá bảo hiểm xã hội là thủ tục phiền hà nhất, giảm từ mức 23% năm 2020; thủ tục đăng ký đầu tư/kinh doanh và thủ tục xuất nhập khẩu cũng ghi nhận những chuyển biến ấn tượng giảm xuống còn 13% và 15%. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp FDI vẫn gặp khó khăn đáng kể khi thực hiện thủ tục thuế (27%) và phòng cháy chữa cháy (21%). 

leftcenterrightdel
Cải thiện chỉ số chi phí không chính thức để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: ST 

Bên cạnh đó, Báo cáo PCI 2021 có đề cập đến mối liên hệ giữa công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam với những cải thiện trong gánh nặng chi phí không chính thức của doanh nghiệp. Theo đó, xu hướng giảm “tham nhũng vặt” ghi nhận được phản ánh nỗ lực của hệ thống chính trị trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Dữ liệu điều tra PCI-FDI 2022 cung cấp thêm bằng chứng về xu hướng tích cực này. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành 5-10% doanh thu cho các khoản chi không chính thức đã giảm từ 5% xuống còn 3,2%. Đà giảm tương tự cũng quan sát được với nhóm các doanh nghiệp dành khoảng 1-2% và 2-5% doanh thu cho chi phí không chính thức. Hai nhóm cuối có sự thay đổi trái chiều nhau, với sự gia tăng của tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức ở mức dưới 1% trong khi tỷ lệ doanh nghiệp cho biết không chi trả của năm 2022 giảm nhẹ so với năm 2021. Kết quả điều tra đã cho thấy quy mô chi phí không chính thức đang giảm dần số điểm đáng lưu ý.

Năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI-FDI đã trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu là 38,5%, đã có cải thiện so với giai đoạn trước năm 2019. Tuy nhiên, việc chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực này vẫn là lực cản ngầm đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong một nền kinh tế có độ mở như Việt Nam. Tương tự, chi phí không chính thức phát sinh trong thủ tục lĩnh vực đất đai cũng ở mức đáng kể, có tới 19,2% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức trong khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong năm 2022. Dấu hiệu cải thiện rõ rệt hơn có thể quan sát thấy qua tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra. Năm 2022, chỉ có 17,4% doanh nghiệp FDI trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, giảm đáng kể so với mức 25,4% trong hai năm 2020 và 2021 và tiếp nối đà giảm kể từ năm 2016, khi lần đầu tiên dữ liệu này được thu thập.

Nhìn chung, Kết quả Điều tra PCI-FDI 2022 cho thấy những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh của Việt Nam trên nhiều khía cạnh, từ góc nhìn của khối doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch, hoạt động kinh doanh khởi sắc. Gánh nặng tuân thủ quy định của doanh nghiệp FDI đã giảm xuống gần bằng mức trước đại dịch; trong số doanh nghiệp phản hồi điều tra PCI-FDI 2022, không một doanh nghiệp nào bị thanh, kiểm tra quá mức trong năm vừa qua. Các doanh nghiệp trong nước tham gia ngày càng tích cực hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp FDI. Thủ tục hành chính trong các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và xuất nhập khẩu được đánh giá có cải thiện đáng kể. Chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm dần quan sát được trong những năm gần đây.

Điều này chỉ ra rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và nhà nước trong những năm qua đã đạt được những thành công nhất định trong việc cải cách môi trường kinh doanh, tạo lập niềm tin cho khối doanh nghiệp tư nhân cũng như các doanh nghiệp FDI đầu tư và sản xuất ở thị trường Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Dù có nhiều cải thiện nhưng Việt Nam vẫn cần tập trung cải cách những lĩnh vực thủ tục hành chính gây phiền hà tương đối cao cho doanh nghiệp, như các thủ tục hành chính thuế, phòng cháy, chữa cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội. Việt Nam cũng cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai.

Tháo gỡ các rào cản của chi phí không chính thức vừa nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế vừa tạo dựng hình ảnh môi trương kinh doanh trong sạch và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào sự năng động, tiên phong và quyết tâm của bộ máy nhà nước, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của cán bộ công chức mà còn cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng doanh nghiệp./.

Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra