An Giang:

Công khai, minh bạch trong hoạt động, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ năm, 27/04/2023 08:25
(ThanhtraVietnam) - Trong thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ, liên tục, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi, vụ việc tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật…

Công khai, minh bạch trong hoạt động của tổ chức góp phần phòng, chống tham nhũng

Ngay trong Quý I/2023, hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng (PCTN) các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 54 lớp với 1.995 lượt người tham dự, trọng tâm là Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ. Thực hiện viết và đưa 08 tin, 04 bài về PCTN trên trang thông tin điện tử; lồng ghép tuyên truyền pháp luật về PCTN trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã, thị trấn. Qua công tác tuyên truyền tiếp tục góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân, trước hết là của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN nhằm góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng.

Thực hiện Quy chế Văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn theo Luật PCTN... các Tổ kiểm tra công vụ của tỉnh và cấp huyện duy trì thường xuyên kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; đã tiến hành kiểm tra tại 10 cơ quan, đơn vị; qua đó, kịp thời ngăn chặn, uốn nắn, xử lý các tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm quy định về ứng xử, đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, khó khăn, phiền hà trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Các cấp, ngành và địa phương thường xuyên niêm yết công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng; công tác thi đua, khen thưởng; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công khai thủ tục hành chính, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ, thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…; đồng thời tiến hành kiểm tra tại 20 đơn vị, qua kiểm tra, nhưng chưa phát hiện sai phạm.

Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của địa phương, hiện Cơ quan điều tra Công an tỉnh (PC01) đang thụ lý điều tra 02 vụ 10 bị can, gồm 01 vụ 01 bị can (vụ việc năm 2021 chuyển sang điều tra bổ sung), nguyên cán bộ địa chính UBND xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú có hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, với số tiền sai phạm 4.369,3 triệu đồng; 01 vụ 09 bị can về hành vi “Tham ô tài sản” xảy ra năm 2020, 2021 tại UBND xã Hòa An, huyện Chợ Mới, với số tiền sai phạm 1.415 triệu đồng (phát hiện qua công tác thanh tra chuyển sang).

Có thể thấy, trong thời gian qua, công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện, có sự chuyển biến tích cực hơn; lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trong đó tăng cường các biện pháp xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách hành chính; trách nhiệm người đứng đầu, đạo đức công vụ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường nhằm phòng ngừa nạn “lót tay” và nhận “lót tay” của người có chức vụ, quyền hạn trong tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền PCTN đã được quan tâm triển khai thực hiện, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp.

Vẫn còn nhiều bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng

Dù vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN có lúc chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu, còn hình thức, nội dung tuyên truyền chưa trở thành chuyên đề riêng biệt mà chủ yếu lồng ghép với các cuộc hội họp. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị về công tác PCTN chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự chủ động, chưa thường xuyên kiểm tra theo quy định của Luật PCTN để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan, đơn vị mình.

Công tác tự kiểm tra, giám sát nhiệm vụ, công vụ nội bộ của các cơ quan đơn vị, nhất là tại các bộ phận trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính chưa được tiến hành kiểm tra thường xuyên nên tình hình nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp ở một vài nơi vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng, từ đó có thể làm nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực. Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng gặp khó khăn như một số quy định chưa được bộ, ngành ban hành văn bản để cụ thể hóa quy định pháp luật PCTN (Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; Quy định danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác);…

Để tăng cường trách nhiệm, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về PCTN của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCTN; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, trong thời gian tới UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”...

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong các tầng lớp Nhân dân nhằm ngày càng nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm trong đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Thứ ba, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị gắn với thực hiện dân chủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ tư, là thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy chế làm việc; kiểm soát hiệu quả và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi vụ lợi trong thực thi công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp.

Thứ năm, phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng, cơ quan tư pháp; phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tham gia, ủng hộ tích cực của toàn xã hội, khi có thông tin của xã hội và người dân, cơ quan đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng có nhiệm vụ xác minh đầy đủ và kịp thời các nguồn tin và có trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật đối với người tố cáo, tố giác tội phạm.

Ngoài ra, kiến nghị các bộ, ngành ban hành quy định cụ thể hóa về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước./.

Vũ Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra