Thành phố Hồ Chí Minh:

Công tác thu hồi tài sản nhà nước bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ chưa đạt yêu cầu

Thứ tư, 22/02/2023 09:31
(ThantraVietNam) – Đó là một trong những hạn chế mà đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM chỉ ra tại hội nghị đánh giá tình hình, kết quả công tác Cải cách tư pháp Thành phố năm 2022 và triển khai Chương trình làm việc năm 2023 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM.

Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố trong năm 2022 đạt 84,62%

Tại hội nghị, đồng chí Lê Kim Hiếu, Phó Trưởng Ban Nội Chính Thành ủy TPHCM, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM đã báo cáo tóm tắt kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Năm 2022, Ban Chỉ đạo đã duy trì đúng nền nếp; thực hiện hiệu quả chương trình làm việc đề ra; kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực cải cách tư pháp, nghiêm túc, có chất lượng các hội nghị tổng kết, sơ kết và triển khai nhiệm vụ công tác năm; tích cực chuẩn bị nội dung và tham gia Hội thảo khoa học cấp quốc gia lần thứ ba với chủ đề: “Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; đồng thời, quán triệt, triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 14-CT/TW, ngày 01/7/2022, của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, Chỉ thị 16-CT/TU, ngày 20/5/2022, của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự và các Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, về thực hiện Kết luận số 73-KL/TW của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Các cơ quan tố tụng cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị gắn với tinh thần cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai, hạn chế đến mức thấp nhất án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung; án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan. Ngoài ra, đã tập trung thực hiện việc rà soát giải quyết án còn tồn đọng, tạm đình chỉ; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, trại tạm giam, nhà tạm giữ, kho vật chứng, mua sắm trang thiết bị làm việc, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: TU.TPHCM) 

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng nhìn nhận vẫn còn một số mặt hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới như: Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố trong năm 2022 mới đạt 84,62%; tỷ lệ giải quyết, xét xử án dân sự, hành chính vẫn còn thấp so với chỉ tiêu được giao; công tác thu hồi tài sản nhà nước bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ chưa đạt yêu cầu, nhất là các vụ án thuộc diện theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; vẫn còn tình trạng tiêu cực, vi phạm của cán bộ, công chức, chấp hành viên trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án, nhất là án dân sự.

Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, hệ thống chính trị của TPHCM tiếp tục nâng cao nhận thức, yêu cầu về đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện các chủ trương có liên quan về lĩnh vực công tác tư pháp. Cùng với đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM đã duy trì đúng quy chế, ngày càng nền nếp, hiệu quả; công tác tham mưu kịp thời hơn, cụ thể hơn, có hiệu quả hơn. Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá, ghi nhận những kết quả nổi bật của từng cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng của TPHCM trong năm vừa qua.

Thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM tiếp tục tham mưu, đôn đốc, phối hợp tổ chức thực hiện tốt hơn giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời, cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị nguồn cán bộ và kiện toàn đội ngũ nhân sự, nhằm đáp ứng nhiệm vụ; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức công vụ, chính trị tư tưởng, trình độ chuyên môn… xây dựng đội ngũ có trình độ, thích ứng, sáng tạo.

Bên cạnh chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất… phải đảm bảo hoạt động, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số, số hóa hồ sơ… “Với sự bùng nỗ của trí tuệ nhân tạo, trong công việc, từng cán bộ trong ngành tư pháp phải chuyển đổi tâm thế, phong cách làm việc để tạo thêm nhiều giá trị cho công việc; khuyến khích cán bộ sử dụng công nghệ, phát huy thế mạnh của công nghệ vào trong công việc. Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới, sáng tạo trong thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung” – Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra