Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố Đà Nẵng nghiêm túc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động gắn với thực hiện cải cách hành chính và quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đồng thời, xây dựng, ban hành và thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đảm bảo theo quy định. Kết quả, UBND thành phố đã trình ban hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn liên quan đến mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã ban hành mới 187 văn bản; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 15 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đối với việc thực hiện quy định về tặng quà và nhận quà tặng, năm 2022, có 03 trường hợp nhận quà trái quy định bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố phát hiện; đã nộp lại quà tặng giá trị 76,1 triệu đồng. Mặt khác, cơ quan quản lý, sử dụng công chức, viên chức đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 02 trường hợp, còn 01 trường hợp chưa thực hiện hình thức kỷ luật do đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Thực hiện quy định Luật PCTN năm 2018 và Nghị định hướng dẫn thi hành, tháng 3/2023, Sở Nội vụ thành phố đã ban hành văn bản về việc xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác năm 2023. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí việc làm của năm 2023. Trong kỳ, đã thực hiện chuyển đổi 33 vị trí công tác.
Đáng chú ý, 3.562 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố đã thực hiện kê khai, trong đó thuộc thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của Thanh tra thành phố là 2.344 người.
Ngày 22/02/2023, Thanh tra thành phố đã tổ chức bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập. Theo đó trong năm 2023, Thanh tra thành phố sẽ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 63 trường hợp công chức, viên chức là người có nghĩa vụ kê khai hằng năm của 10 cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra thành phố đã ban hành Quyết định xác minh tài sản thu nhập theo kế hoạch đối với 10 trường hợp, có kết luận xác minh đối với 08/10 trường hợp.
Khởi tố 05 vụ/07 bị can có hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước
Về phát hiện tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm 2023, qua hoạt động giám sát, tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Qua thanh tra, kiểm toán và qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chưa phát hiện vụ việc tham nhũng.
Tổng số vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của UBND thành phố là 06 vụ/21 bị can. Trong đó, khởi tố mới 04 vụ/13 bị can tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng, Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu; vụ đưa và nhận hối lộ tại UBND quận Cẩm Lệ; 03 vụ/08 bị can được phát hiện, khởi tố trong năm 2022 hiện vẫn đang điều tra, truy tố.
|
|
Công an thành phố Đà Nẵng khám xét nơi làm việc của các đối tượng liên quan đến vụ án tham nhũng tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố. (Ảnh: Công an Đà Nẵng) |
Trong kỳ, đã xử lý trách nhiệm 01 trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bên cạnh đó, về phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, Công an thành phố đã phát hiện và khởi tố 05 vụ/07 bị can, đang điều tra 02 vụ/3 bị can; tổng số tiền, tài sản tham ô phát hiện là 5.312,2 triệu đồng.
Như vậy, việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tham nhũng kết hợp với việc phát hiện, xử lý nghiêm một số vụ án liên quan đến tham nhũng và việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 đã có tác dụng răn đe và hạn chế, kiếm soát được tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tập trung phòng ngừa tham nhũng ở các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn gặp vướng mắc, khó triển khai, như: Công tác kiểm soát xung đột lợi ích; một số nội dung công khai, minh bạch theo Điều 10 Luật PCTN chưa quy định cụ thể; việc triển khai công tác PCTN đến các tổ chức khu vực ngoài nhà nước vẫn còn bất cập,…
Đáng nói, việc phát hiện tham nhũng trên địa bàn vẫn chủ yếu qua công tác điều tra, truy tố và xét xử. Qua đó cho thấy việc phát hiện qua các biện pháp phòng ngừa từ xa như hoạt động giám sát, tự kiểm tra nội bộ chưa đạt hiệu quả; công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về PCTN ở một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, chất lượng kiểm tra, thanh tra chưa sâu.
Hơn nữa, số cuộc thanh tra, kiểm tra và thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp trong công tác PCTN còn ít. Việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo về công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên chất lượng báo cáo của một số đơn vị còn hạn chế, chưa tổng hợp đầy đủ kết quả đã thực hiện, đặc biệt là các nội dung liên quan đến xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức... Từ đó, làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo về công tác PCTN của toàn thành phố.
UBND thành phố Đà Nẵng nhận định, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do khối lượng công việc liên quan đến công tác PCTN phát sinh thường xuyên, liên tục, đa số là các nhiệm vụ đột xuất, có thời hạn gấp, được dư luận quan tâm trong khi số lượng biên chế của các cơ quan, đơn vị nói chung và Thanh tra thành phố nói riêng còn hạn chế, chưa được bổ sung kịp thời do chính sách tinh giản biên chế, dẫn đến việc bố trí công chức tham mưu công tác PCTN còn gặp khó khăn.
UBND thành phố dự báo tình hình tham nhũng trong thời gian tới có thể có diễn biến phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi “tham nhũng vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có thể còn diễn ra ở một số đơn vị, địa phương. Do đó, cần tăng cường các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng ở các lĩnh vực, như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công; quản lý các dự án có nguồn vốn từ ngân sách, vốn kinh doanh của đơn vị nhà nước, dịch vụ công; công tác tổ chức cán bộ cũng cần được quan tâm chú ý vì đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh hành vi tiêu cực tham nhũng.../.