|
|
Đồng lúa An Giang phì nhiêu xen lẫn hàng thốt nốt cao vút vươn mình trong nắng. Ảnh st |
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Theo UBND tỉnh An Giang, trong thời gian qua, các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy nhà nước; cải cách hành chính; quản lý, sử dụng tài sản công; trách nhiệm người đứng đầu, đạo đức công vụ; minh bạch tài sản thu nhập. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước tiến trong công tác PCTN, khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, đã phát hiện và xử lý nghiêm minh đúng pháp luật các trường hợp tiêu cực, tham nhũng; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước được siết chặt, hiệu quả công tác quản lý về PCTN ngày càng được nâng cao, đi vào thực chất. Từ đó, việc khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng được kịp thời, nghiêm minh, đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, góp phần giáo dục, răn đe cán bộ, công chức, viên chức, tạo hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh PCTN.
Trong năm 2022, tổng số tài sản tham nhũng phát hiện được là 9.753,7 triệu đồng, đã thu hồi 5.962,2 triệu đồng và 01 Giấy CNQSDĐ cấp sai quy định, trong đó Cơ quan điều tra các cấp thụ lý điều tra 04 vụ 06 bị can, hiện đang tiếp tục xác minh làm rõ 02 vụ.
|
Cùng với đó, việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên địa bàn tỉnh đã góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần các điều kiện, cơ hội làm phát sinh tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực và trong các ngành, các cấp, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách, đất đai, đầu tư công, giải quyết thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp nhằm ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, bộ máy trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN cần được quan tâm hơn nữa
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác PCTN cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục.
Thứ nhất, đó là hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, khiếu nại, tố cáo chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, nhiều quy định thiếu tính khả thi, còn chồng chéo, mâu thuẫn, dễ bị lợi dụng. Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; chưa giảm được các thủ tục không cần thiết có thể làm nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, đó là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN có lúc chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu, còn hình thức; nội dung tuyên truyền chưa trở thành chuyên đề riêng biệt mà chủ yếu lồng ghép với các cuộc hội họp.
Thứ ba, đó là trong thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng gặp khó khăn như: Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo định kỳ khó thực hiện đối với một số đơn vị chỉ có 01 vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi; các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định người có nghĩa vụ kê khai, nhất là đối với người giữ chức vụ tương đương (do chưa có quy định cụ thể), người kê khai hiểu khác nhau về nội dung, giá trị tài sản kê khai; một số quy định chưa được Bộ, ngành ban hành văn bản để cụ thể hóa quy định pháp luật PCTN (Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; Quy định danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác).
Thực hiện Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ, trong năm 2022 đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 222 người thuộc thẩm quyền quản lý nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Trong đó: Thanh tra tỉnh 06; huyện An Phú 18; Châu Thành 32; Tịnh Biên 28; Phú Tân 56; Châu Phú 21; Tri Tôn 06; Sở GD&ĐT 16; Sở Tài chính 03; Sở VHTT&DL 11; Sở Tư pháp 01; Sở NN&PTNT 02; Công ty Xổ số kiến thiết 03; Công ty Xây lắp An Giang 04; Công ty khai thác thủy lợi: 15 người. |
Thứ tư, đó là cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, phản ánh, kiến nghị hành vi tham nhũng, tiêu cực hiện hành chưa hữu hiệu, chưa thực sự khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân dũng cảm đấu tranh với hành vi tiêu cực, tham nhũng, vì vậy tâm lý còn e ngại, nể nang, sợ bị đe dọa, trả thù, trù dập,… từ đó chưa thật sự tin tưởng vào sự bảo vệ của chính quyền, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cũng như các tồ chức chính trị - xã hội.
Thứ năm, đó là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị về công tác PCTN chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự chủ động, thường xuyên kiểm tra theo quy định của Luật PCTN để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan, đơn vị mình; do đó, khi kiểm tra, phát hiện việc công khai không đầy đủ, không công khai thường chỉ dừng ở mức nhắc nhở.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực
Để góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thì các hành vi tham nhũng, tiêu cực thực sự phải được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi. Vì vậy, UBND tỉnh An Giang cũng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện công tác PCTN trong đó ưu tiên các giải pháp:
Một là, tiếp tục quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí, các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong các tầng lớp Nhân dân nhằm ngày càng nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.
Ba là, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị gắn với thực hiện dân chủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu.
Bốn là, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy chế làm việc; kiểm soát hiệu quả và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi vụ lợi trong thực thi công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp.
Năm là, phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng, cơ quan tư pháp; phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tham gia, ủng hộ tích cực của toàn xã hội, khi có thông tin của xã hội và người dân, cơ quan đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng có nhiệm vụ xác minh đầy đủ và kịp thời các nguồn tin và có trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật đối với người tố cáo, tố giác tội phạm.
Đồng thời, cũng kiến nghị các Bộ, ngành ban hành quy định cụ thể hóa về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước.
Ban hành quy định cụ thể về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức; đồng thời, chế tài cụ thể xử lý nghiêm minh đối với người lợi dụng phản ánh, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật.
Tiếp đó, sớm hoàn thành, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập phục vụ cho công tác xác minh, kết luận và thu hồi tài sản, thu nhập do tham nhũng, tiêu cực mà có./.