Bộ Công Thương:

Giải pháp được triển khai đồng bộ, tham nhũng từng bước được kiềm chế

Thứ ba, 25/10/2022 19:48
(ThanhtraVietNam) - Trong năm 2021-2022, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Bộ Công Thương tiếp tục được triển khai đồng bộ, nghiêm túc; có chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được kết quả nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế.

Thành lập Ban Chỉ đạo PCTN Bộ Công Thương

Trong giai đoạn từ 01/8/2021 đến 31/7/2022, tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã triển khai quán triệt nội dung các Nghị quyết Trung ương Đảng đến toàn thể đảng viên và quần chúng. Đồng thời, gắn chặt giữa phê và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII với công tác PCTN nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện nội dung Chỉ thị số 10-CT/TTg ngày 22/4/2019, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Chỉ thị của Bộ Chính trị liên quan đến nội dung công tác PCTN. Mặt khác, Bộ đã tiến hành rà soát, xây dựng Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực.

Để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN nhất quán, có hiệu quả, Bộ Công Thương đã chủ động thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTN. Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương về PCTN do Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng làm Trưởng ban và 01 Thứ trưởng làm Phó Trưởng ban, Chánh Thanh tra Bộ làm ủy viên thường trực, các ủy viên khác, gồm: Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam. Ban Chỉ đạo PCTN Bộ Công Thương chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ về tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định.

Bộ Công Thương xác định, PCTN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương. Tổ chức đầu mối tham mưu PCTN của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ với thành phần tham gia gồm đại diện thanh tra, tổ chức cán bộ, tài chính kế toán, cấp ủy Đảng, Công đoàn... Tổng số đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN gồm hàng trăm người.

Việc tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức thực hiện pháp luật về công tác thanh tra; tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo (KNTC); PCTN được thực hiện thường xuyên, đúng đối tượng. Từ 01/8/2021 đến 31/7/2022, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã tổ chức các lớp tuyên truyền, hướng dẫn về công tác thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN với khoảng 24.428 lượt người tham gia.  

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn được Bộ thường xuyên lồng ghép thực hiện dưới nhiều hình thức khác, như: Thực hiện phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và các đơn vị truyền thông; tổ chức đăng tải nội dung các văn bản quy phạm pháp luật lên cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và hệ thống Tổng mục lục văn bản quy phạm pháp luật ngành Công Thương; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về thanh tra, PCTN.   

Đặc biệt, thường trực đầu mối về cải cách hành chính của Bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các Chương trình, Kế hoạch về cải cách hành chính của Bộ tại các đơn vị liên quan.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Bộ Công Thương. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Chưa phát hiện vụ việc tham nhũng tại Bộ Công Thương

Cơ quan Bộ, các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các quy định của Luật PCTN về công khai, minh bạch trong hoạt động, chú trọng vào các lĩnh vực: Tổ chức cán bộ; các thủ tục hành chính; mua sắm công, đấu thầu; xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định; thanh tra, kiểm tra, giải quyết KNTC. Trong kỳ báo cáo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã tổ chức đánh giá công tác thực hiện dân chủ tại cơ sở, các kết luận, kiến nghị các đoàn thanh tra, kiểm tra, công tác giải quyết KNTC theo quy định.

Mặt khác, Bộ tiếp tục chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Tích cực chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ tăng cường hoàn thiện các quy chế đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước trong quản lý sử dụng vốn ngân sách, quản lý mua sắm sử dụng tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ hội họp, chi tiêu nội bộ, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức...

Bộ Công Thương tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân. Đến nay, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn đề ra (trong năm 2021).

Từ ngày 01/12/2021, Bộ Công Thương triển khai việc in thẳng C/O mẫu D điện tử thành file PDF có mã phản hồi nhanh QRCode trên hệ thống eCoSys. C/O mẫu D là mẫu C/O đầu tiên trong 10 mẫu C/O sẽ được triển khai điện tử trong giai đoạn này. Việc triển khai thể hiện cam kết của Bộ trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay.  

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát tài sản, thu nhập; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện. Bộ đã có 156/156 đơn vị thực hiện việc kê khai tài sản năm 2021, Bộ đã giao nhiệm vụ cho đơn vị đầu mối thực hiện công tác tổng hợp.

Thực hiện kế hoạch xác minh tài sản hàng năm của Bộ Công Thương, Bộ đã xác định 25 đơn vị sẽ thực hiện công tác xác minh tài sản năm 2022 đảm bảo 20% theo quy định. Ngày 08/3/2022, Bộ đã phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương và Đảng ủy Bộ tiến hành bốc thăm lựa chọn người được xác minh của 25 đơn vị nêu trên.

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, theo báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị này đang tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm tra nội bộ năm 2021-2022. Qua kiểm tra nội bộ chưa phát hiện vụ việc tham nhũng.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2021-2022 và thực hiện việc thanh tra đột xuất phù hợp với yêu cầu quản lý của Bộ. Qua thanh tra, chưa phát hiện vụ việc tham nhũng. Đồng thời, chưa phát hiện tham nhũng qua tiếp dân, giải quyết KNTC.

Có thể nói, công tác PCTN năm 2021-2022 tại Bộ Công Thương tiếp tục được triển khai đồng bộ, nghiêm túc. Công tác PCTN có sự chuyển biến tích cực, thể hiện rõ sự hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành PCTN của lãnh đạo Bộ. Qua đó, hiệu quả trong công tác PCTN được nâng cao./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra